Kỳ vọng của Tata - gã khổng lồ muốn đưa ô tô giá rẻ về Việt Nam

30/09/2014 08:55 AM | Kinh doanh

Bỏ ra 35 tỷ USD vốn đầu tư trong 3 năm tới nhằm đưa Tata lọt vào top 25 doanh nghiệp lớn nhất thế giới đến năm 2025 được xem là tham vọng lớn nhất của vị Chủ tịch Tập đoàn Tata.

Thông tin gần đây cho biết, Tata sẽ đưa ôtô giá rẻ về Việt Nam càng làm cho nhiều người quan tâm hơn về người khổng lồ Ấn Độ này.

“Voi” Tata trở mình

Khi đứng trước gần 1.000 nhà điều hành của Tập đoàn Tata (Ấn Độ) trong một buổi họp kín vào ngày 29/7 vừa qua, Cyrus Mistry phải có gì đó để chứng tỏ bản thân. Bởi, kể từ khi đảm nhận chức vụ Chủ tịch Tập đoàn Tata cách đây gần 2 năm, ông hầu như không hé lộ gì về tầm nhìn của mình dành cho một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Ấn Độ với doanh thu hơn 100 tỷ USD.

Thay vào đó, ông lại tập trung vào chi tiết. Khi ở văn phòng làm việc tại trụ sở ở Mumbai hay đang đi công tác nước ngoài, ông đều xử lý kỹ càng các vấn đề tại hơn 100 công ty con của Tata, trong đó có các thương hiệu toàn cầu như Tetley Tea và Jaguar Land Rover.

Những nỗ lực của ông tại Tata vẫn chưa cho kết quả như kỳ vọng. Nhiều bộ phận của Tata đang làm ăn kém hiệu quả. Một số nhà quan sát đánh giá ông Mistry thấp hơn người tiền nhiệm Ratan Tata, người đã thu hút sự chú ý của thế giới qua những cuộc thâu tóm ráo riết ra nước ngoài. Những người khác thì lo ngại liệu vị doanh nhân có đầu óc rất thực tế này có phù hợp để lèo lái công ty có giá trị nhất Ấn Độ.

Thế nhưng, bài phát biểu hôm 29/7 là bước khởi đầu cho “đòn đánh trả” của Mistry. Trong bài phát biểu này, ông đã vạch ra “Tầm nhìn 2025” cho một giai đoạn tăng trưởng mới của Tata mà cụ thể là sẽ phát triển 4 lĩnh vực kinh doanh mới gồm: bán lẻ, cơ sở hạ tầng, tài chính và quốc phòng. Đây là một phần trong kế hoạch bỏ ra 35 tỷ USD vốn đầu tư trong 3 năm tới nhằm mục đích đưa tập đoàn lọt vào top 25 doanh nghiệp lớn nhất thế giới đến năm 2025. Những ai tham dự buổi họp hôm đó đều rất ấn tượng với ông.

Vị chủ tịch “ngoại tộc”

Mistry, 46 tuổi là người con trai thứ hai của Pallonji Mistry, một ông trùm trong lĩnh vực bất động sản Ấn Độ. Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư dân dụng ở London và học quản lý tại Trường Kinh doanh London, ông đã quay trở lại Ấn Độ làm việc cho tập đoàn xây dựng của cha mình.

Palloniji nắm giữ 18% cổ phần tại Tata Sons – công ty nắm giữ phần lớn cổ phần tại các công ty con của Tata Group (Palloniji là cổ đông lớn nhất của Tata Sons). Ông chính là người khuyến khích Mistry tham gia vào hội đồng quản trị ở nhiều công ty con của Tập đoàn Tata ngay từ sớm.

Dù vậy, việc Mistry được chọn làm Chủ tịch – vị Chủ tịch đầu tiên không mang họ Tata trong lịch sử 146 năm của tập đoàn này – đã khiến cho cả Ấn Độ bất ngờ. Mistry nắm giữ vị trí mới đúng vào một thời kỳ rất khó khăn. Trong đó, có các khoản thua lỗ lớn tại bộ phận châu Âu của Tata Steel, vốn là “di sản” của cuộc thâu tóm nhà sản xuất thép Corus vào năm 2008 do Ratan Tata thực hiện.

Cùng lúc đó, nền kinh tế Ấn Độ cũng lại đang chao đảo, ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của các bộ phận sản xuất ôtô và viễn thông trong nước của Tata. Và Mistry đã rất vất vả để có thể đáp ứng được kỳ vọng quá cao dành cho người đứng đầu Tata.

“Ông đã làm việc cật lực để hiểu rõ về tình hình của tập đoàn. Tôi đã nhận được những cuộc gọi vào lúc 2 giờ sáng của ông từ Ấn Độ và nhiều lúc muốn nói rằng: “Thôi ngủ đi Cyrus. Đã trễ quá rồi”, Lord Bhattacharyya, một giáo sư tại Đại học Warwick của Anh, người đang làm việc với Tata, cho biết.

Các đồng nghiệp trong tập đoàn mô tả ông là một nhà lãnh đạo mẫn cán, siêng năng và rất tỉ mỉ, một người có sự kết hợp giữa khả năng tiếp thu thông tin tài chính phức tạp với sự đam mê của một kỹ sư đối với công nghệ. Là người ở bên ngoài vào, nhưng ông đã giành được nhiều sự ủng hộ trong tập đoàn. Ông đã đưa người của ông vào các vị trí lãnh đạo cấp cao và quan trọng là ông đã làm được điều này mà không gây căng thẳng hay hiềm khích gì đối với những người nội bộ.

“Cyrus đang tìm được chỗ đứng của mình. Ông đã làm việc rất chăm chỉ, cố gắng vận hành một cách trôi chảy cỗ máy khổng lồ Tata”, Harsh Goenka, Chủ tịch Hội đồng Quản trị RPG Enterprises, một trong những tập đoàn kinh doanh lớn nhất Ấn Độ, nhận xét.

“Bánh vẽ” khả dĩ

Nhìn vào “Tầm nhìn 2025” của ông, nhiều chuyên gia nhận định đây là một kế hoạch rất khả dĩ. Sẽ có một cuộc tiến quân bài bản hơn vào các lĩnh vực tiêu dùng nhằm giúp Tata giành được miếng bánh lớn hơn trong chi tiêu của tầng lớp trung lưu Ấn Độ.

Dù đã vạch rõ tầm nhìn lớn này, Mistry vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức không dễ giải quyết, bởi xưa nay Tata hay lao vào các lĩnh vực kinh doanh mới nhưng ít hiệu quả, ngoại trừ bộ phận cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin là Tata Consultancy Services (TCS). Vì thế, một kế hoạch bành trướng vào 4 lĩnh vực mới của Mistry dường như có vẻ quá tham vọng.

Câu hỏi thứ hai là về kế hoạch toàn cầu hóa của Tata. 70% doanh thu của tập đoàn hiện đến từ các thị trường bên ngoài Ấn Độ, nhất là từ công ty con Tata Consultancy Services và nhãn xe Jaguar Land Rover. Tuy vậy, bài phát biểu ngày 29/7 đã gợi ý, ông sẽ thực hiện những cuộc thâu tóm ở nước ngoài, nhưng chưa rõ là ông đưa Tata bành trướng đến đâu.

Một vấn đề nữa là Mistry sẽ xử trí thế nào đối với những bộ phận yếu kém. Đến nay, Mistry đã giành được sự ủng hộ của nhiều người, bằng cách nỗ lực cải thiện những bộ phận yếu hơn thay vì từ bỏ chúng. Nhưng cuối cùng ông có thể sẽ phải bỏ đi những bộ phận nhỏ hơn làm ăn kém hiệu quả để “chú voi khổng lồ” Tata có thể chạy nhanh hơn.

“Ông đã xắn tay áo, hăng hái làm việc. Ông đã ghi được dấu ấn riêng của mình lên tập đoàn. Ông cũng đã đưa ra tầm nhìn của mình và giờ là lúc ông phải thực hiện được tầm nhìn đó”, Suhel Seth, một chuyên gia marketing Ấn Độ, nhận xét.

>> Tata bỏ Việt Nam vì bị thất hứa, và vì bản thân cũng dở?

Theo Thành Lợi

Cùng chuyên mục
XEM