Không phải CoopMart hay VinMart, đối thủ thực sự của các đại gia bán lẻ Thái Lan là ai?
Theo các chuyên gia, đối thủ nặng kí mà các đại gia bán lẻ Thái Lan như BJC, Central Group phải đối mặt tại thị trường Việt Nam không phải CoopMart, VinMart hay bất kì chuỗi siêu thị nào, mà chính là các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng lớn, tạp hóa nhỏ… đang chiếm khoảng 83% thị phần bán lẻ.
Những ngày này, dạo quanh một số con đường ở khu Chợ Lớn quận 5 TPHCM như Hải Thượng Lãn Ông, Hậu Giang, Bình Tây … mới thấy được không khí ngày Tết đã gần kề.
Các mặt hàng Tết câu đối, liễn, đèn lồng, pháo điện, bao lì xì … được bày bán nhiều nhất. “Các mặt hàng chỉ chuyên phục vụ cho ngày Tết này rất khó mua ở siêu thị mà chỉ có ở các cửa hàng loại này”, một khách hàng cho biết.
Tương tự như khu bán hàng trang trí ở Chợ Lớn, Sài Gòn có hàng trăm con đường chỉ bán hàng chuyên doanh như khu hàng điện tử Nhật Tảo, khu chợ gia vị Bình Tây, trung tâm phụ kiện quần áo Đại Quang Minh, các khu bán đồ trang trí nội thất ở đường Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt, Ngô Gia Tự… Và đặc biệt là hệ thống khoảng 300 chợ lớn nhỏ khác nhau theo như ước tính của Sở Công Thương TPHCM.
Hồi giữa năm 2015, ông Trần Kinh Doanh - CEO của Thế Giới Di Động khi nói về chiến lược của chuỗi bán lẻ Bách hóa Xanh cũng khẳng định sức mạnh của chợ, cửa hàng tạp hóa trong thị trường bán lẻ Việt Nam và cho biết mục tiêu của chuỗi này không phải là cạnh tranh với siêu thị mà chỉ nhằm thay thế một phần vai trò của chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa.
Ngay như ông Pascal Billaud - nguyên Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Big C, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu thị, cũng từng khẳng định, hệ thống siêu thị không thể thay thế kênh phân phối truyền thống (chợ và các cửa hàng tạp hóa), mà cả hai sẽ cùng phát triển song song.
Tại một hội thảo về xu hướng thị trường bán lẻ do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức ngày 9/1 vừa qua, ông Trinh Phạm - Trưởng dự án Phát triển năng lực bán lẻ thuộc BSA đã đưa ra nhận định rằng kênh bán lẻ hiện đại đã thảm bại trong cuộc cạnh tranh với kênh truyền thống năm 2015 vừa qua.
Theo đó, kênh truyền thống đang chiếm 83% thị phần và được phân chia như sau: Cửa hàng lớn đang chiếm 30% thị phần, tạp hóa nhỏ giữ 30%, chợ 11% và cửa hàng chuyên doanh 7%, các kênh truyền thống khác là 5%.
Với 17% còn lại của kênh bán lẻ hiện đại, ông Trinh Phạm cho rằng siêu thị chiếm 10%, đại siêu thị 4%, Minimart 2%, Metro và kênh online chiếm 1%.
Theo ông Trinh Phạm, những năm 2005 – 2007, các CEO nổi tiếng thế giới đến Việt Nam đều đưa ra nhận định, khoảng năm 2020, kênh bán lẻ truyền thống sẽ chết hoặc còn nhưng thấp và kênh hiện đại sẽ chiếm khoảng 70%.
Nhưng cuối cùng những nhận định đó đều không đúng. Dù kênh siêu thị liên tục mở cửa hàng, nhưng một năm chỉ lấy được khoảng 1% từ kênh truyền thống. Thậm chí, năm 2015 không lấy được phần nào. Năm 2015, Top 10 công ty FMCG lớn nhất tại Việt Nam tăng trưởng ở kênh truyền thống tốt hơn kênh hiện đại.
“Cho nên có thể nói, kênh hiện đại ở Việt Nam phát triển hơi quá, nhất là TPHCM”, ông Trinh Phạm khẳng định.
Vị chuyên gia của BSA cho rằng hiện nay tại TPHCM mọc lên quá nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Xét về hiệu quả kinh doanh, không tính siêu thị mở mới, chỉ tính mức tăng trưởng các siêu thị đang có, có những hệ thống đang tăng trưởng âm và nhiều siêu thị lớn tại TPHCM đang lỗ nặng.
Trong đó, những siêu thị thành lập lâu đang chịu sự cạnh tranh lớn từ những siêu thị mới, và người tiêu dùng đang không thiết tha nhiều với kênh này. Do đó, trong vài năm tới đây, doanh nghiệp hãy tự tin phát triển tập trung cho kênh truyền thống của mình.
“Các đây 3 năm Minimart không có gì, nhưng hiện nay đã chiếm khoảng 2%, không lâu nữa nó sẽ phát triển và vượt lên đại siêu thị” – ông Trinh nhận định.
Một đặc điểm khác trong ngành bán lẻ được ông Trinh chia sẻ, đó là cửa hàng tạp hóa gia đình (Family grocery) đang ngày một hiện đại hóa, làm mới mình. Họ không sợ siêu thị lấy khách của mình mà ngược lại còn lấy luôn khách từ siêu thị. Đây là kênh truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng, bởi phù hợp về tính tiện lợi.
"Điều này sẽ dẫn đến việc bùng nổ các cửa hàng tiện lợi như nấm khắp nơi. Như đường Bùi Viện – TPHCM với khoảng 300m nhưng đã có tới 8 cửa hàng tiện lợi và họ sống rất khỏe dù rằng sản phẩm bán chạy nhất trong các cửa hàng tiện lợi hiện nay là ... mì tôm", ông Trinh nói
Dù rằng chi phí đầu tư cho một cửa hàng tiện lợi, bình quân mất khoảng 1,5 tỷ đồng và gần 5 năm sau mới thu hồi được vốn. Vì thế, đầu tư cho những gian hàng kiểu này là đầu tư cho tương lai dài và rất kiên nhẫn.