Khi Trung Quốc không cần Facebook
Facebook đang mắc sai lầm chiến lược khi cố gắng “ve vãn” thị trường Trung Quốc. Thay vào đó, hãng nên tập trung vào những quốc gia mà trang mạng xã hội này đang hoạt động tốt.
Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc cố gắng đưa Facebook vào thị trường Trung Quốc. Vào năm ngoái, Zuckerberg đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt tên tiếng Trung cho đứa con mà sau này vợ chồng anh sẽ sinh nhưng ông Tập đã từ chối yêu cầu này.
Vị giám đốc này cũng phát biểu với giới truyền thông Trung Quốc rằng anh đang đọc cuốn sách mới nhất về những bài phát biểu của Chủ tịch Tập và đang giới thiệu chúng cho bạn bè. Thậm chí, Zuckerberg gần còn phát biểu bằng tiếng Trung trong 20 phút tại đại học Thanh Hoa-Trung Quốc.
Mặc dù nhà lãnh đạo Facebook không nói rõ lý do cho những động thái này nhưng nhiều chuyên gia dễ dàng đoán ra. Thị trường Trung Quốc là nơi có số người sử dụng Internet lớn nhất thế giới, nhưng trang mạng xã hội Facebook lại bị chặn khỏi nước này từ năm 2009 và rõ ràng Zuckerberg đang tìm cách đưa sản phẩm của công ty mình tiếp cận lại quốc gia này.
Trên thực tế, Facebook có thể dễ dàng quay lại thị trường Trung Quốc nếu Zuckerberg tuân theo các quy định nghiêm ngặt về kiểm duyệt của nước này. Tuy nhiên vấn đề thực sự với trang mạng xã hội này là liệu người dân Trung Quốc có hứng thú với sản phẩm này hay không?
Vào năm 2008, Facebook tiếp cận thị trường Trung Quốc và chỉ thu hút được 285.000 người sử dụng, một con số rất ít so với mức 300 triệu người sử dụng Internet tại quốc gia này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Đầu tiên, phần mềm dịch vụ tin nhắn mạng (QQ) tại Trung Quốc đã phát triển mạnh từ trước khi Facebook thâm nhập thị trường này, qua đó tạo ra một đối thủ cạnh tranh gay gắt với trang mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Tiếp theo đó, những người dân Trung Quốc thường thích được ẩn danh khi tham gia các diễn đàn công cộng, điều mà Facebook thời đó chưa thể đáp ứng. Hơn nữa, trang mạng xã hội này bị người dân trong nước coi là một sản phẩm của nước ngoài và họ không ưa chuộng chúng. Chỉ một số ít người dân Trung Quốc có người thân hay bạn bè ở nước ngoài mới dùng trang mạng này để liên lạc.
Khi những nghi vấn về khả năng tăng trưởng của Facebook tại thị trường Trung Quốc đang gây tranh cãi thì tháng 7/2009, chính quyền Bắc Kinh chặn trang mạng xã hội này với lý do chúng đóng vai trò quan trọng cho các cuộc bạo loạn diễn ra tại Tân Cương.
Hiện nay, vẫn có một số người Trung Quốc sử dụng Facebook nhưng phần lớn là những người có trình độ về công nghệ thông tin hoặc sống ở nước ngoài có thể lách qua được mạng lưới kiểm soát Internet của chính phủ. Hãng Facebook không hề công bố chính thức số người sử dụng trang mạng này tại Trung Quốc, nhưng một trang cá nhân có uy tín về công nghệ vào năm 2011 đã nhận định con số này vào khoảng 694.000 người.
Trong vài năm gần đây, Facebook đã cố gắng cải thiện để có thể cạnh tranh tốt hơn nếu được chính quyền Bắc Kinh cho phép trở lại thị trường.Tháng 2/2014, hãng đã mua lại dịch vụ nhắn tin mạng lớn nhất thế giới WhatsApp với giá 19 tỷ USD và dịch vụ này có thể miến phí tải xuống cũng như sử dụng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, WhatsApp cũng không thu hút được nhiều người dùng tại Trung Quốc bới người dân nơi đây ưa dùng WeChat hơn.
Với dịch vụ WeChat, người dùng Trung Quốc có thể mua hàng trực tuyến, vay nợ, gọi taxi, đặt vé xem phim, chơi trò chơi và giao tiếp với bạn bè qua mạng. Trong khi đó, người dùng WhatsApp chẳng thể làm gì khác ngoài nhắn tin với bạn bè.
Dịch vụ chat của Facebook (Facebook Messenger) cũng đã bổ sung một số tính năng, bao gồm thanh toán trực tuyến, tuy nhiên dịch vụ này vẫn chưa thể so sánh được với WeChat tại Trung Quốc. Ngày 8/10/2015, giám đốc mảng tin nhắn mạng của Facebook cũng đã phải thừa nhận sản phẩm của hãng đứng sau dịch vụ WeChat và một số sản phẩm trong nước khác của Châu Á như Line ở Nhật Bản.
Lợi thế duy nhất mà Facebook hiện đang có với các đối thủ tại Trung Quốc hiện nay là thông tin của trang mạng này chưa bị kiểm duyệt. Mặc dù vậy, các quan chức Trung Quốc đã tuyên bố rất rõ ràng rằng nếu trang mạng này muốn tiếp cận thị trường thì chính sách của Facebook về vấn đề kiểm duyệt sẽ phải thay đổi.
Năm 2014, trang mạng LinkedIn về việc làm đã ra mắt phiên bản Tiếng Trung và cũng buộc phải xóa một số nội dung mà chính quyền Bắc Kinh cho là nhạy cảm.
Tuy vậy, trường hợp của LinkedIn khá khác so với Facebook khi trang mạng này là một mạng lưới tập hợp những chuyên gia mà người tuyển dụng trên toàn thế giới. Đây là điều chưa có trang mạng nào của Trung Quốc làm được.
Nếu LinkedIn bị chặn, người dùng Trung Quốc cũng sẽ tìm biện pháp để đăng nhập vào trang này. Trong khi đó, những tiện ích mà Facebook đem lại cho người dùng Trung Quốc chưa vượt qua được, nếu không muốn nói là không bằng, so với nhiều trang mạng nội địa của nước này.
Tại thời điểm hiện nay, Facebook nên kiềm chế tham vọng đối với thị trường Trung Quốc. Thay vào đó, hãng nên tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ tại những thị trường mà Facebook đang hoạt động. Động thái này không chỉ làm tăng sự phổ biến của trang mạng này mà hãng còn có thể tận dụng cơ hội cải tạo nhiều ứng dụng quen thuộc với người dùng Trung Quốc trước khi được phép trở lại thị trường số 1 Châu Á.