Huawei: “Người khổng lồ” chưa lớn

20/03/2012 12:21 PM |

Sự phát triển cua Huawei, đại gia viễn thông lớn nhất Trung Quốc, dường như mới chỉ ở lượng chứ chưa được chất.

Đại gia viễn thông hàng đầu Trung Quốc nhận ra đội ngũ lao động trẻ không phải lúc nào cũng mang lại toàn điều tốt đẹp trong nỗ lực trở nên nổi tiếng hơn trên thế giới.

5 năm qua, công ty công nghệ Huawei Technologies Co đã mở rộng gấp đôi quy mô của lực lượng lao động để trở thành công ty công nghệ di động nổi tiếng, nhưng cuối cùng ban lãnh đạo phát hiện ra rằng lao động trẻ không hẳn phù hợp với công ty trong mọi hoàn cảnh.

Sau khi tuyển khoảng 50 nghìn kỹ sư trẻ Trung Quốc, phần lớn mới tốt nghiệp đại học, để nâng tổng số người lao động lên 140 nghìn, Huawei, hãng sản xuất thiết bị viễn thông cũng như thiết bị di động như điện thoại di động hay máy tính bảng, đang cố gắng để “lớn”.

Thông thường khi nhân viên Huawei gặp khách hàng, khoảng hơn một nửa là kỹ sư Trung Quốc trẻ tuổi có cách thức giao tiếp và giới thiệu sản phẩm không mấy phù hợp với các công ty phương Tây.

Nhận định trên được đưa ra bởi ông Lars Bondelind, trưởng bộ phận tiếp thị sản phẩm không dây của Huawei.

Ông Bondelind là một trong những nhà điều hành ngoại được tuyển dụng trong những năm gần đây để giúp Huawei chuyển từ một hãng sản xuất các sản phẩm giá rẻ sang công ty toàn cầu chuyên sản xuất các sản phẩm chuyên biệt.

Năm 2010, công ty tuyển nhà thiết kế Hagen Fendler người Đức vào vị trí trưởng bộ phận thiết kế. Trong cuộc phỏng vấn gần đây tại Hồng Kông, ông Fendler chỉ ra Huawei đối đầu với thử thách văn hóa đến từ việc chuyển từ một công ty địa phương thành công ty toàn cầu.

Ông Fendler nói: “Nếu bạn đặt mục tiêu thu hút khách hàng, bạn phải hiểu họ và thích nghi với nhu cầu của họ. Nếu bạn chỉ có quan điểm về công nghệ và phát triển sản phẩm, điều đó dường như không đủ.”

Bình luận của các giám đốc điều hành cho thấy nhiều thách thức mà Huawei đang đối đầu khi hãng cố gắng trở thành hãng hàng đầu sản xuất thiết bị di động nhằm cạnh tranh với nhóm công ty đứng đầu làng công nghệ thế giới như Apple hay Samsung Electronics trên thị trường toàn cầu.

Vốn hưởng lợi từ mô hình sản xuất chi phí thấp và tiến bộ công nghệ, hệ thống kinh doanh của Huawei tăng trưởng tốt trong khi hệ thống của nhóm công ty phương Tây như Alcatel Lucent hay Nokia Siemens chưa thực sự tiến xa.

Ban đầu, Huawei cung cấp sản phẩm điện thoại giá thấp cho một số nhà điều hành mạng viễn thông tại phương Tây dưới thương hiệu của phương Tây thế nhưng trong năm qua, Huawei đã tự sản xuất được điện thoại thông minh và máy tính bảng thương hiệu Huawei.

Công ty đồng thời mở rộng trung tâm thiết kế, nghiên cứu và phát triển ra ngoài Trung Quốc. Trong tổng số khoảng 23 trung tâm nghiên cứu và phát triển của Huawei, khoảng 13 trung tâm đặt trụ sở ở nước ngoài. Công ty thuê nhiều chuyên gia tư vấn từ IBM hay công ty kiểm toán KPMG để đào tạo nhân viên. Trong số hàng triệu kỹ sư Trung Quốc tốt nghiệp mỗi năm, Huawei chỉ tuyển người giỏi nhất.

Hiện nay, khi chỉ nắm khoảng 2,9% thị phần điện thoại thông minh trên toàn cầu (theo số liệu thống kê mới nhất của Gartner), hoạt động kinh doanh điện thoại di động của Gartner chưa trở thành nguồn doanh thu chính. Công nghệ hệ thống dùng cho hệ thống di động đóng góp khoảng 2/3 doanh thu của công ty.

Huawei đang nắm khoảng 20% thị phần thiết bị hệ thống của thế giới, con số đột biến nếu so với mức 0% cách đây 1 thập kỷ. Huawei đang đứng thứ 2 về kinh doanh hệ thống mạng không dây, chỉ kém một chút so với Ericsson đang nắm 28% thị phần. Công ty đang đặt mục tiêu tăng trưởng 15% đối với hoạt động kinh doanh hệ thống trong những năm tới và đặt mục tiêu 100 tỷ USD doanh thu vào năm 2020.

Thế nhưng nếu muốn tăng trưởng, công ty phải xây dựng được lòng tin. Tại Mỹ, các nhà điều tiết thị trường đã ngăn cản Huawai thực hiện một số dự án hạ tầng hệ thống cũng như thâu tóm một số công ty Mỹ bởi lo ngại Huawei có thể là công cụ của chính phủ Trung Quốc.

Dù chính phủ Trung Quốc không nắm cổ phần ở Huawei, báo cáo gần nhất từ cơ quan tình báo Mỹ cho thấy bà Sun Yafang, chủ tịch của Huawei, đã làm việc tại Bộ Quốc phòng Trung Quốc trước khi gia nhập Huawei, tuy nhiên Huawei đã bác bỏ thông tin trên.

Ngọc Diệp

ngocdiep

Cùng chuyên mục
XEM