Hậu đàm phán TPP: Bắt tay vào việc

14/10/2015 14:38 PM | Kinh doanh

Tham gia TPP sẽ mở ra nhiều thị trường cho doanh nghiệp (DN) các nước, cung cấp nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng nhưng đồng thời cũng đặt ra những tiêu chuẩn mới về lao động, về môi trường,...

Sự kiện kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hôm 5/10 đã mở ra những cơ hội hợp tác về thương mại lẫn đầu tư giữa 12 nước thành viên (chiếm đến 40% GDP thế giới).

Riêng đối với Việt Nam, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề kinh tế và thương mại Charles H. Rivkin, cho rằng, mặt tích cực khi Việt Nam tham gia TPP trước hết là cải thiện được môi trường đầu tư.

Như nhận định của một nhóm chuyên gia kinh tế độc lập, khi tham gia TPP, trong 10 năm tới, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể lên đến 30%. Liệu có thể hiểu TPP là "cây đũa thần" giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt bậc?

Xuất khẩu hưởng lợi

Theo nghiên cứu của Trung tâm Đông - Tây (Mỹ), khi gia nhập TPP, xuất khẩu (XK) của Việt Nam có thể tăng thêm 28,84%, tương ứng 67,9 tỷ USD vào năm 2025.

Trong số các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam được đánh giá hưởng lợi lớn nhất từ TPP là dệt may. Hiện, khoảng 70% tổng giá trị XK toàn ngành dệt may của Việt Nam chủ yếu sang các quốc gia tham gia đàm phán TPP.

Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, năm 2014, Mỹ là thị trường XK hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 28,65 tỷ USD, chiếm 19% tổng kim ngạch XK hàng hóa của cả nước.

Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu (NK) từ thị trường này đạt 6,284 tỷ USD, chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch hàng hóa NK cả nước. Như vậy, năm 2014, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 22,37 tỷ USD.

Riêng trong 6 tháng đầu năm, Mỹ tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch XK đạt 15,79 tỷ USD, tăng 19,2%.

Đáng chú ý là đa phần các mặt hàng XK đạt giá trị kim ngạch lớn của Việt Nam như dệt may, da giày, túi xách, thủy sản và đồ gỗ đều có mặt ở thị trường Mỹ.

Điển hình như năm ngoái, XK dệt may đạt giá trị 20,95 tỷ USD thì thị trường Mỹ đã chiếm 14,2%, tương ứng 9,82 tỷ USD, dẫn đầu về thị trường XK hàng dệt may của Việt Nam. Vị thế này tiếp tục duy trì trong nửa đầu năm 2015.

Cụ thể, Mỹ là một trong ba thị trường dẫn đầu về NK hàng dệt may Việt Nam (tiếp theo là EU và Nhật Bản) với kim ngạch đạt 5,13 tỷ USD so với tổng giá trị 10,26 tỷ USD của toàn ngành.

Theo dự báo, vào TPP, XK Dệt may của Việt Nam đến thị trường Mỹ có thể đạt kim ngạch 55 tỷ USD vào năm 2025.

Nói về ưu thế của ngành dệt may khi gia nhập TPP, bà Nguyễn Hồng Trang - Tổng giám đốc Sơn Kim Fashion (SKF), cho rằng, ngành may mặc chắc chắn được hưởng lợi vì riêng thị trường Mỹ và Nhật Bản đã chiếm tỷ trọng tiêu thụ lớn của thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề là nội lực và mục tiêu của từng doanh nghiệp DN. Có những DN xem Nhật Bản là thị trường truyền thống nhưng có DN lại chọn Mỹ. XK sang thị trường Mỹ thường đạt sản lượng lớn nhưng giá trị mang lại thấp hơn so với xuất sang Nhật.

Những đơn hàng xuất sang Nhật thường có quy mô từ 10.000 - 30.000 sản phẩm nhưng sang Mỹ thì 100.000 sản phẩm/đơn hàng là chuyện bình thường.

"Do đơn hàng lớn nên DN muốn tận dụng tối đa lợi thế về thuế suất từ TPP để xuất sang Mỹ thì chí ít cũng phải tăng lực lượng lao động và mở rộng quy mô nhà máy", bà Trang nói.

Được đánh giá là hiệp định kinh tế có tiêu chuẩn cao được đàm phán từ trước đến nay (30 điều khoản), TPP mở ra nhiều thị trường cho DN các nước, cung cấp nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng nhưng đồng thời cũng đặt ra những tiêu chuẩn mới về lao động, về môi trường,...

Cho nên, không phải DN nào cũng có đủ khả năng để khai thác tối đa về lợi thế thương mại mà TPP mang đến.

Nói về lợi ích và hạn chế của TPP đối với DN, ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), nhìn nhận, về lý thuyết thì đây là "sân chơi" tốt cho DN Việt Nam, nhưng khác với WTO, DN có hẳn 5 năm để chuẩn bị nội lực ứng phó nên ít "thương vong" khi các cam kết WTO có hiệu lực, riêng TPP thì cơ hội nhiều nhưng nghiệt ngã cũng không ít.

Chẳng hạn, trong ngành dệt may, DN phải chứng minh được nguồn gốc nguyên phụ liệu đầu vào (70% có nguồn gốc từ nội khối TPP) thì mới được hưởng thuế suất 0% (bình quân hiện nay là 17,5%).

"Để chủ động hơn về nguồn nguyên phụ liệu, phải xem xét, sắp xếp địa điểm đầu tư cho các dự án may mặc kèm dệt nhuộm, có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo, thay vì nói không như hiện nay", đại diện HUBA bày tỏ quan điểm.

Ở đây, vai trò cầm trịch của các cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng vì có những DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa không thể "tự bơi" để tăng khả năng cạnh tranh trong TPP.

Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam cho biết, sau quá trình phê duyệt từ 18 đến 24 tháng, hiệp định này sẽ có hiệu lực.

Tất nhiên bên cạnh lợi thế cũng có nhiều khó khăn, nhưng trong điều kiện mọi yếu tố đều thuận lợi, xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ tăng 68 tỷ USD vào năm 2026 nhờ TPP.

Riêng về xuất khẩu hàng dệt may, 1 tỷ USD xuất khẩu hàng năm sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm.

Liên quan đến cơ hội của khối DN nhỏ và vừa, ông Charles H. Rivkin phân tích, trong số 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP, Mỹ là thị trường đơn lẻ lớn nhất với hơn 28.000 DN nhỏ và vừa (SME), chiếm 98% tổng số DN của Mỹ nhưng chỉ chiếm 1% trong tổng giá trị XK 19.000 tỷ USD.

Đối với các SME, việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan có ảnh hưởng nhất định với họ.

Tương tự ở Việt Nam, SME là xương sống của nền kinh tế, TPP sẽ tạo điều kiện cho các DN này xuất khẩu lần đầu tiên những sản phẩm và tạo thêm nhiều việc làm hơn.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, theo ông Huỳnh Văn Minh, DN nhỏ và vừa của Việt Nam cần sự hỗ trợ, chí ít là vấn đề lãi suất, làm sao cho DN được vay vốn với lãi suất ổn định và ngang với khu vực để giá thành XK từ Việt Nam có thể cạnh tranh với các DN cùng quy mô trong TPP.

Tăng trưởng FDI

Không chỉ thúc đẩy thương mại, TPP còn thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Ước tính, gia nhập TPP, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 1 - 2%/năm nhờ đầu tư tăng 9,2%, chủ yếu từ đầu tư nước ngoài.

Ông Phan Hữu Thắng - Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, TPP có lợi cho thu hút FDI của Việt Nam vì thương mại và đầu tư luôn song hành và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Cho nên, khi thương mại mở cửa sẽ tác động mạnh mẽ đến đầu tư. Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ TPP vì hiệp định này sẽ thúc đẩy đầu tư nội khối (giữa 12 quốc gia thành viên TPP), đặc biệt là từ các thị trường Mỹ, Nhật Bản.

Ngoài ra, cũng có không ít dự án của các quốc gia bên ngoài TPP, chủ yếu là trong lĩnh vực dệt may đã nhanh chân rót vốn vào Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, nửa đầu năm 2015, Việt Nam đã thu hút 4 dự án về dệt may có vốn đăng ký lớn.

Cụ thể là dự án có quy mô vốn 274 triệu USD của Tập đoàn Far Eastern (Đài Loan) đầu tư vào KCN Bàu Bàng (Bình Dương); dự án sản xuất và gia công các loại sợi công nghiệp quy mô 660 triệu USD của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc),...

Cùng với việc thu hút các ngành có tiềm năng XK như dệt may, theo ông Phan Hữu Thắng, TPP tác động đến hầu hết các lĩnh vực khác, trong đó có nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tài chính,...

Ông Tatsuya Konoshita - Giám đốc Điều hành Tập đoàn Showa Holdings (Nhật Bản, hiện đang hoạt động tại 8 quốc gia châu Á ở 6 lĩnh vực), cho biết, việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm nay và sắp tới là TPP là những động lực để Showa đi đến quyết định đầu tư ở Việt Nam.

Là một trong 4 tập đoàn thi công bọc cao su lớn tại Nhật Bản, trước tiên, Showa sẽ phát triển mảng này tại Việt Nam, sau đó sẽ đến lĩnh vực tài chính tiêu dùng, thực phẩm và giải trí. Ở giai đoạn đầu, Showa sẽ tìm kiếm và thực hiện M&A các DN cao su ở Việt Nam để mở rộng hoạt động.

Trong khi đó, Keppel Land, một trong những tập đoàn bất động sản lớn của Singapore, đã đầu tư ở Việt Nam hơn hai thập kỷ qua cũng đánh giá cao về triển vọng kinh tế mà TPP mang lại.

Theo ông Linson Lim - Chủ tịch của Keppel Land Việt Nam, TPP có tác động đến sự dịch chuyển lao động, đầu tư, nhiều người nước ngoài sẽ đến Việt Nam làm việc, do đó sẽ phát sinh nhu cầu văn phòng làm việc, các tiện ích, nhà cửa.

"Chúng tôi nhìn vào thay đổi đó và dựa trên nó phát triển chiến lược kinh doanh", đại diện Keppel Land Việt Nam nói.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Cơ hội hay thách thức đều nằm trong tay doanh nghiệp

TPP vừa được hoàn tất đàm phán, mặc dù còn nhiều việc phải làm trước khi các điều khoản trong hiệp định được thực thi nhưng đây là một bước ngoặt quan trọng mang tính lịch sử đối với các nước thành viên.

Với Việt Nam, tham gia TPP là cơ hội đồng thời cũng đối diện không ít thách thức.

Những có hội đó có thành hiện thực hay không phụ thuộc vào khả năng tận dụng và khả năng khắc phục thách thức mà DN Việt Nam phải nỗ lực phấn đấu.

Hơn bao giờ hết, Nhà nước tiếp tục khẳng định vai trò là người bạn đồng hành cùng DN trong môi trường cạnh tranh này.

Các DN hãy tiếp tục cơ cấu và tái cơ cấu, chú trọng xây dựng uy tín, thương hiệu... để phát triển bền vững trong sân chơi hội nhập này.

Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch HUBA: Nếu không thay đổi sẽ khó cả ở sân nhà lẫn sân khách

Nhiều đánh giá đã cảnh báo nông nghiệp sẽ gặp khó khi Việt Nam gia nhập TPP.

Có thể thấy, do thiếu định hướng, quy hoạch, khuyến nông nên nông sản của Việt Nam đáp ứng về số lượng sản phẩm nhưng chất lượng không cao.

Nông sản XK cần được quy hoạch vùng trồng để đảm bảo về lượng lẫn về chất, bởi trước đây, có DN đưa gạo, tiêu sang Mỹ chào hàng, khi được đón nhận và khách đặt với số lượng lớn thì lại không đủ cung ứng.

Hiện nay, chúng ta chưa phát huy được mối liên kết giữa nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp, một mình nông dân không thể xoay xở trong thị trường khắt khe này.

Tôi kiến nghị Bộ Công Thương, đơn vị đàm phán chính TPP, phải thông tin rõ những thách thức mà DN sẽ đối mặt trong TPP, cử cán bộ giỏi tập huấn cho DN theo chuyên ngành, chẳng hạn nói sâu về may mặc, cơ khí hay nông nghiệp.

Không chỉ thách thức khi "xuất ngoại", sản phẩm của DN Việt nếu không cải tiến cũng dễ hụt hơi trên sân nhà vì hàng hóa, đầu tư của DN ngoại vào với giá cả rẻ hơn, mẫu mã đẹp hơn sẽ rất dễ chiếm ưu thế vì tiêu dùng của tầng lớp trung lưu hiện nay đã thay đổi theo hướng chuộng chất lượng và mẫu mã sản phẩm.

Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam: Lợi ích phụ thuộc vào chính Việt Nam

Đây là một bước tiến mang ý nghĩa quan trọng đối với hội nhập kinh tế toàn cầu trong một thế giới đang trở nên không chỉ ngày càng kết nối mà còn phụ thuộc lẫn nhau.

Là một ngân hàng luôn ủng hộ thương mại, HSBC chào đón TPP, một hiệp định sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

TPP sẽ góp phần gia tăng thu nhập và mức sống của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á, nhân rộng thị trường tiềm năng cho hàng hóa, các nhà sản xuất, dịch vụ và công nghệ của khu vực.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng dệt may và giày dép.

Theo nghiên cứu của Khối nghiên cứu kinh tế thuộc HSBC, TPP có khả năng sẽ tăng GDP của Việt Nam 10% vào năm 2020. Phần còn lại phụ thuộc vào chính Việt Nam để có thể thực sự hưởng lợi từ hiệp định này.

Tôi tin tưởng vững chắc rằng TPP sẽ tạo áp lực tích cực để Việt Nam có nền kinh tế mang tính cạnh tranh cao.

Ông Võ Trường Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành: Vừa sức ngành gỗ

Các chuyên gia khi đánh giá về ngành gỗ vẫn cho rằng ngành gỗ phụ thuộc khoảng 80% vào nguyên liệu nhập khẩu.

Là DN hoạt động trong ngành, tôi xác nhận rằng, thông tin này chỉ đúng vào giai đoạn năm 2006 - 2007.

Còn hiện nay, ngành gỗ chỉ phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu khoảng 20 - 30%, nên khi nghe tin TPP kết thúc đàm phán, các DN trong ngành rất phấn khởi, bởi với mức chỉ số nguyên liệu vừa nêu sẽ rất phù hợp để các đồ gỗ Việt Nam có thể hưởng được mức thuế suất 0% khi gia nhập vào thị trường các nước thành viên TPP.

So với các nước trong nội khối TPP, Việt Nam được xem là quốc gia mạnh trong việc chủ động được nguồn nguyên liệu gỗ.

Tại Trường Thành, sau giai đoạn khó khăn, chúng tôi đã bắt đầu hồi phục, công suất của nhà máy đã hoạt động trở lại được 70%, và dự tính trong quý IV/2015, sẽ nâng công suất lên 100%, đồng thời hoàn tất việc mở rộng nhà máy tại Bình Dương trong 5 - 6 tháng tới.

Trường Thành cũng đang tìm đối tác để mở nhà máy sản xuất, chế biến gỗ tại khu vực miền Bắc, nhằm nâng thị phần xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ 50% hiện nay lên khoảng 60% vào các năm tới. Hiện nay, với nguồn gỗ từ 14.000ha rừng trồng do Trường Thành đầu tư cách đây 10 năm, nay đã bắt đầu thu hoạch.

Mặc dù vậy, chúng tôi cũng khá lo ngại các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan đặt nhà máy tại Việt Nam, sản xuất công đoạn cuối của sản phẩm, sẽ cạnh tranh về mặt nhân công có tay nghề cao.

Điều này nếu diễn ra thì nguy cơ mất lao động của DN ngành gỗ Việt Nam sẽ rất lớn.

Theo NGUYÊN BẢO - DUY KHUÊ

Cùng chuyên mục
XEM