Google chật vật giữa "cơn bão" chính trị
Không khí ở thung lũng Silicon đang ngày càng trở nên ngột ngạt bởi những cơn bão chính trị thổi vào từ những vùng đất lạ. Sinh viên trên thế giới vẫn mong muốn làm việc cho Google, song các chính trị gia trên thế giới dường như cũng luôn theo sát gót các công ty.
Google vẫn luôn đứng đầu danh sách các công ty mà sinh viên muốn làm việc và khi tham quan khuôn viên của công ty ở thung lũng Silicon vào tuần trước, tôi có thể hiểu lý do tại sao lại như vậy. Một không gian rất tuyệt vời với bầu không khí trong lành. Một nhóm các nhân viên đang chơi bóng chuyền, trong khi ở bãi đỗ xe những chiếc xe tự lái của Google đang được thử nghiệm.
Với những thành tựu đạt được, Google đã nổi lên là một trong năm công ty công nghệ lớn nhất thế giới, tính theo vốn hóa thị trường. Đứng đầu danh sách là Apple, tiếp theo sau đó là gã khổng lồ Facebook.
Tuy nhiên, không khí ở thung lũng Silicon đang ngày càng trở nên ngột ngạt bởi những cơn bão chính trị thổi vào từ những vùng đất lạ. Sinh viên trên thế giới vẫn mong muốn làm việc cho Google, song các chính trị gia trên thế giới dường như cũng luôn theo sát gót các công ty.
Gần đây nhất, trong tháng qua, Ủy ban châu Âu tại Brussels đã cảnh cáo Google, cho rằng công ty này đang vi phạm luật cạnh tranh. Google có nhiều khả năng phải đối mặt với một khoản tiền phạt lớn hoặc phải xem xét thay đổi phương thức kinh doanh của công ty.
Châu Âu không phải là thị trường “khó tính” duy nhất. Hầu hết các công ty đa quốc gia phương Tây đều mong muốn tiếp cận thị trường béo bở là Trung Quốc song Google hay Facebook và Twitter đều phải chùn chân trước nhiều rào cản chính sách.
Trong khi đó, mối quan hệ vốn thân thiết giữa thung lũng Silicon và chính quyền Obama đã trở nên căng thẳng hơn kể từ vụ "người thổi còi" Edward Snowden tiết lộ về những hoạt động tình báo của chính phủ Mỹ. Vụ việc khiến chính phủ nhiều nước quan ngại về sức mạnh của thung lũng Silicon. Một nhà phê bình Pháp đã đưa ra từ viết tắt, “Gafa” (Google, Apple, Facebook, Amazon), để chỉ các đế chế internet “độc ác” của Mỹ. Qua đây có thể thấy Google là công ty đứng đầu danh sách cảnh báo này. Giám đốc điều hành của Google cũng đã hết sức kinh ngạc khi chính phủ Anh đưa ra "thuế Google" nhằm ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia trốn thuế.
Có giả thuyết cho rằng Google thu hút rất nhiều sự chú ý đơn giản bởi vì đây là cái tên phổ biến nhất ở thung lũng Silicon. Không phải tất cả mọi người đều có đủ khả năng mua một chiếc iPhone, nhưng Google là miễn phí cho bất cứ ai có quyền truy cập internet. Lập luận khác lại cho rằng, với phạm vi hoạt động rộng khắp, Google đang xáo trộn tất cả các nơi trên thế giới. Báo chí tức giận với Google News; các công ty truyền thông bị đe dọa bởi YouTube (thuộc sở hữu của Google); các nhà xuất bản tẩy chay sách Google; thậm chí các hãng sản xuất xe hơi đã cảm thấy lo lắng khi những chiếc xe không người lái chạy trên đường.
Một số chính trị gia châu Âu nói sự thành công của các gã công nghệ khổng lồ Mỹ đang đặt ra mối đe dọa trực tiếp đến châu Âu. Sigmar Gabriel, Phó thủ tướng Đức, hồi năm ngoái đã lớn tiếng: “cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẽ được kiểm soát bởi một số ít các hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ chiếm ưu thế trong đời sống kinh tế của thế kỷ 21”.
Trong khi đó, Tổng thống Obama dường như đồng thuận với ý tưởng cho rằng các công ty công nghệ Mỹ là nạn nhân của chủ nghĩa bảo hộ châu Âu. Ông lập luận: “Chúng tôi đã sở hữu mạng internet. Các công ty của chúng tôi đã tạo ra nó, mở rộng nó, hoàn thiện nó theo những cách mà họ không thể cạnh tranh”.
Ông Obama đã không nhắc tới việc chính chính phủ Mỹ cũng cảnh giác với thung lũng Silicon. Các vụ như Snowden khẳng định ý tưởng rằng mọi hành động của họ trên Internet đều bị kiểm soát bởi chính phủ.
Google và các hãng công nghệ khác kịch liệt phủ nhận việc họ trao cho chính phủ chìa khóa để truy cập vào kho dữ liệu cá nhân của công chúng, cho rằng bản thân chỉ là nạn nhân. Trong một nỗ lực để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, các công ty ở thung lũng Silicon đang tập trung vào công nghệ mã hóa và bảo vệ sự riêng tư. Song các sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra.
Tất cả những tác động chính trị này bất ngờ gây khó chịu cho các công ty công nghệ trong khi phương châm của họ là đề cao tính minh bạch và không vi phạm quyền lợi của nhau trong thế giới Internet. Tuy nhiên, thật bất ngờ là những phản ứng dữ dội từ các chính trị gia đã đến sớm hơn. Google tuyên bố sứ mệnh của mình là “tổ chức, sắp xếp thế giới thông tin”. Nhưng, như người ta vẫn nói, “thông tin là sức mạnh” và sức mạnh vẫn luôn là lãnh địa truyền thống của các chính trị gia.
Một số người cho rằng, tốt hơn hết là các chính trị gia được bầu chọn nên là người đưa ra quyết định về dòng chảy của thông tin và dữ liệu chứ không phải là người kinh doanh. Tuy nhiên, trong khi không ai bình chọn cho các kỹ sư và doanh nhân của thung lũng Silicon, hơn một tỷ khách hàng vẫn ủng hộ bằng cách nhấp tay vào sản phẩm của Google. Đó là loại phiếu tín nhiệm mà hầu hết các chính trị gia chỉ có thể mơ ước.
>> Marketing hiện đại: đột phá kiểu Google
Vân Chi