Flappy Bird bị xóa sổ, ai là người chiến thắng?

10/02/2014 11:51 AM | Kinh doanh

Flappy Bird đã "vỗ cánh bay", nhưng lợi nhuận vẫn vào túi từng ngày.

Nội dung nổi bật:

- Flappy Bird mang lại doanh thu từ quảng cáo cho Google.

- Flappy Bird bị xóa sổ, kéo theo hiện tượng gì? Đó chính là hàng nghìn bản sao của "chú chim môi dày" xuất hiện. Bản sao càng nhiều, quảng cáo càng lắm, Google càng lãi.


"Chú chim môi dày" Flappy Bird đã chính thức bị xóa khỏi các app-store trên iOS và Android bởi chính cha đẻ Nguyễn Hà Đông.

Hẳn trong vài tuần tới, những cuộc bình luận về hiện tượng Flappy Bird sẽ còn diễn ra dài dài khi mà các nhà phát triển game đang đua nhau nhân bản thành công, giới phân tích lao vào tìm hiểu bí quyết đưa một ứng dụng game một năm tuổi lên đứng đầu bảng xếp hạng, và người hâm mộ chú chim đau đáu tự hỏi điều gì đã buộc Flappy Bird phải "tung cánh bay đi" như thế.

Người chiến thắng: Google

Nói gì thì nói, không thể phủ nhận được rằng Flappy Bird đã kiếm được một món tiền khổng lồ về cho tác giả. Đó là một điều thần kỳ gây chấn động thế giới, làm vô số nhà phát triển game cho rằng mình cũng sẽ làm được điều tương tự.

Đó là lý do tại sao Flappy Bird quan trọng với mảng kinh doanh quảng cáo trên di động của Google đến thế, và đó là lý do khiến thánh địa công nghệ Mountain View trở thành người chiến thắng thực sự trong thế giới xoay quanh Flappy Bird.

Google không tiết lộ tỉ lệ chia doanh thu của dịch vụ Google Adsense trên di động. Thông thường trên website, các chủ sở hữu, các blogger... thu được 68% lợi nhuận từ nội dung quảng cáo và 51% từ tìm kiếm, do đó tỉ lệ đối với doanh thu trên di động cũng tương đương. Công bằng mà nói, Google đã kiếm được kha khá lợi nhuận từ Flappy Bird không khác gì Nguyễn Hà Đông. Xét về dài hạn, thực chất Google còn kiếm được nhiều hơn thế.

Bản sao càng lắm, quảng cáo càng lời

Hiện đã có vô số người "nhái" lại Flappy Bird trên mọi nền tảng. Họ bắt chước công thức của Nguyễn Hà Đông, thậm chí nhiều người còn bên nguyên si cả câu chữ vào trò chơi của họ. Và giống như Flappy Bird, các nhà phát triển cũng dành một phần để hiển thị quảng cáo. Các ứng dụng "nhái" này sẽ không thể "hái" được hàng triệu đô doanh thu (vài chục ngàn thôi cũng đã chật vật), nhưng chỉ cần "xẻo mỗi người một mẩu", Google đã giàu to. Nếu gộp lại, tổng doanh thu của các bản sao có thể ngang ngửa với bản gốc.

Quan trọng hơn, Flappy Bird đã trở thành một huyền thoại để rồi một mình tác giả của nó có thể giàu to và không cần phải làm việc hàng ngày nữa, tất cả chỉ nhờ một góc dành cho quảng cáo. Nhưng sự thật lại khá khắc nghiệt đối với các nhà lập trình viên nói trên.

Flappy Bird ra đi, để lại hàng nghìn nhà phát triển đi theo hướng viết các loại ứng dụng dễ chơi và mau chóng được sử dụng và tận dụng quảng cáo trong game làm nguồn thu nhập. Nếu một trong số đó thành công to thì càng tốt cho Google. Gã khổng lồ tìm kiếm không thiếu gì nguồn thu cho mảng quảng cáo điện thoại.

Khi nhiều người còn đang ôm mộng tiếp bước Nguyễn Hà Đông, Google chỉ cần "xén" vài phần trăm từ các ứng dụng ấy, lợi nhuận quảng cáo sẽ tăng lên không ngừng nghỉ.

Flappy Bird đã "vỗ cánh bay", nhưng lợi nhuận vẫn sẽ chảy vào túi từng ngày.

>> "Cha đẻ" Flappy Bird bị dọa giết vì gỡ bỏ game

Thùy An

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM