“Ép doanh nghiệp vận tải giảm giá là... sai lầm!”
Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng cách thức quản ý giá xăng và giá cước vận tải hiện nay đang có sự sai lệch.
Mặc dù chi phí xăng dầu chiếm khá lớn trong giá thành vận tải, tuy nhiên mặc cho xăng dầu nhiều lần giảm liên tiếp, nhiều doanh nghiệp vẫn tải vẫn chưa “chịu” giảm giá, hoặc điều chỉnh với mức thấp.
Điều này thậm chí còn được diễn ra trong lúc Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, các sở ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu giảm giá cước và tiến hành kê khai giá cước phù hợp.
Nói về vấn đề này, Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng cách thức quản ý giá xăng và giá cước vận tải hiện nay đang có sự sai lệch, xuất phát từ chính thức nhận thức các nhà quản lý.
“Thay vì tìm nguyên nhân thực sự vì đâu các doanh nghiệp không chịu giảm cước thì hai Bộ Tài chính và Giao thông lại rà soát đăng ký giá rồi thanh tra doanh nghiệp, rồi ép doanh nghiệp giảm giá”, ông Cung nói.
Ông Cung cho rằng việc doanh nghiệp chây ì chưa chịu giảm cước, hoặc có giảm thì giảm rất nhỏ giọt xuất phát từ vấn đề cung cầu. “Thị trường kém cạnh tranh, thậm chí không có cạnh tranh, cầu lớn hơn cung dẫn đến tình trạng này”, ông Cung nói.
Theo người đứng đầu CIEM việc rào cản gia nhập thị trường quá cao dẫn đến việc thành lập doanh nghiệp mới còn khó khăn. Cơ cấu thị trường hiện nay không cho phép thay đổi nguồn cung nhanh chóng.
“Nguồn cung lớn trong khi cầu ít thì doanh nghiệp cho rằng sao phải giảm giá?”, ông Cung nói.
Theo ông Cung, người dân có nhu cầu đi lại rất cao, nhất là dịp giáp Tết. Muốn về quê thì dù xe tăng giá cũng phải đi. Nếu thanh tra rồi phạt doanh nghiệp, giữ bằng lái xe… thì lại càng làm thiếu hụt nguồn cung.
Do vậy, ông Cung cho rằng thay vì dùng “công cụ” là mấy ông thanh tra các bộ, các sở để can thiệp về giá, các cơ quan nhà nước nên kiểm soát cạnh tranh và độc quyền thông qua Cục quản lý cạnh tranh, báo chí và các cơ quan khác.
Bên cạnh đó nên tạo hàng lang thông thoáng cho doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, nguồn cung dồi dào, nhu cầu được đáp ứng thì thị trường sẽ bớt méo mó. “Chúng ta chưa đề cao doanh nghiệp, chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp ra đời, thiếu cung là phải thôi”, ông Cung nói.
Đồng quan điểm với Ts. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng nếu chỉ có hai bộ Tài chính và Giao thông tăng cường giám sát thanh tra thì rất khó trong vấn đề quản lý giá.
“Chúng ta cần phát huy hơn nữa vai trò của Cục quản lý cạnh tranh và Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng”, ông Doanh kiến nghị.
>> Cước vận tải vô cảm với xăng dầu
Theo MẠNH NGUYỄN