“Đừng mượn danh Cường Đô la khi nói về khởi nghiệp”

06/02/2015 15:50 PM | Kinh doanh

Chia sẻ của GĐ Quản lý Chiến lược FPT rằng ‘Nếu không phải Cường Đô la, đừng mơ ra trường đã làm chủ’ vấp phải sự phản đối của nhiều doanh nhân khi vừa làm nhụt chí người trẻ, vừa ‘mượn danh’ một doanh nhân khác để nói về khởi nghiệp với ý không hay.

Nội dung nổi bật:

- "Nếu chỉ dừng lại ở việc khuyên các bạn trẻ không nhất thiết là ra trường phải khởi nghiệp ngay là lời khuyên rất xác đáng. Tôi cũng luôn luôn khuyên các bạn trẻ như thế"

- Làm vì đam mê mới là cái quan trọng, chứ không phải là công thức này thức nọ!

- Chẳng có ai nhận biết mình đã đủ “chín” hay không đủ “chín” để làm khởi nghiệp, mà chỉ có lao vào, bị đánh tơi tả, tự khắc tìm đường sống sót cho khởi nghiệp của mình.


Doanh nhân Đỗ Hoài Nam – Chủ tịch kiêm CEO (Tổng Giám đốc) của Emotiv Systems và SeeSpace

Hãy để các bạn trẻ đã ước mơ thì đừng hà tiện!

Nếu chỉ dừng lại ở việc khuyên các bạn trẻ không nhất thiết là ra trường phải khởi nghiệp ngay là lời khuyên rất xác đáng. Tôi cũng luôn luôn khuyên các bạn trẻ như thế. Người thành công sớm không phải luôn là người giỏi hơn người thành công muộn. Nên, nếu tự thấy mình cần tích luỹ thêm kiến thức thì việc đi làm thuê hoàn toàn là việc đáng làm.

Tuy nhiên, anh Hòa (Nguyễn Hữu Thái Hòa -  GĐ Quản lý Chiến lược FPT) nói hơi quá và có chút gây shock nên trở nên phản cảm. Bình thường tôi không insult (xúc phạm – PV) ai nhưng status trên Facebook của tôi có ý insult anh ấy vì anh ấy trong phát biểu của mình có ý insult người khác (Cường Đô la).

Tôi chưa một ngày nào đi làm cho ai, khởi nghiệp từ trên ghế nhà trường, đến bây giờ đã xong 2 công ty (đang bắt đầu cái thứ 3). Hai cái trước đều có tên tuổi và được coi là dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực của mình. Tôi không nói để tự khoe, nhưng để dẫn chứng là anh Hòa nói không đúng.

Làm CEO cho công ty người khác thì rất ít người đủ tiêu chuẩn, nhưng làm để xây dựng một tầm nhìn của chính mình thì không ai phù hợp bằng bản thân mình. Đây chỉ là chia sẻ mang tính quan điểm cá nhân, tôi không định dạy đời ai cả. Nhưng hãy để các bạn trẻ đã ước mơ thì đừng hà tiện!


Trần Thanh Hải – Nhà sáng lập VNG

Công thức chỉ đúng với một cỗ máy đã chạy lâu ngày

VNG được kết hợp bởi một đống misfit (những thứ không phù hợp – PV)! Một ông tây dở, một ông kỹ thuật hâm, một ông tài chính mà lại là dân chuyên văn, một ông ngân hàng làm marketing... nhưng chung một niềm đam mê: GAME! Và đó mới là cái quan trọng - làm vì đam mê! Chứ không phải là công thức này thức nọ!

Công thức chỉ đúng với một cỗ máy đã chạy lâu ngày. Còn đối với khởi nghiệp, quan trọng nhất vẫn là đam mê và tin tưởng vào cái mình làm. Còn thất bại ư? Có gì xấu không? Ít nhất có thể nói là "I tried my best" (Tôi đã cố gắng hết sức – PV) và học được rất nhiều thứ từ thất bại đó. Còn nếu không làm, đúng là không thất bại, nhưng cũng chả bao giờ nếm được mùi thành công!


Nguyễn Minh Thảo – Nhà sáng lập và CEO Umbala

Hãy khởi nghiệp từ cấp 3

Người làm khởi nghiệp, khi lao vào đều nghĩ rất đẹp như bao người khác, nhưng cuộc đời khởi nghiệp sẽ dạy bạn biết liếm những mẩu bánh lề đường để biết “How to survive” (Làm thế nào để sống sót). Khi đó, bạn ắt sẽ làm khởi nghiệp được.

Chẳng có ai nhận biết mình đã đủ “chín” hay không đủ “chín” để làm khởi nghiệp, mà chỉ có lao vào, bị đánh tơi tả, tự khắc tìm đường sống sót cho khởi nghiệp của mình. Ắt lúc đó sẽ nhận ra được mình đang chín chắn.

Thật nực cười khi đưa Cường Đô la ra nói về vấn đề khởi nghiệp.

Theo tôi, làm khởi nghiệp hãy bắt đầu từ lúc rời ghế nhà trường cấp 3. Hãy biết đi kiếm những đồng tiền đầu tiên, và sau đó hãy biết tìm ra kế sách để tiếp tục đưa những đồng tiền đầu tiên đó tạo ra giá trị thặng dư tiếp. Và khi đã tìm ra được kế sách chiến lược lâu dài, thì dồn hết đầu tư vào tài chính, con người...

Nếu có thất bại thì chẳng sao, tìm tiếp để đi tiếp con đường phía trước. Người khởi nghiệp chỉ nên nghĩ đơn giản, càng đơn giản thì càng liều lĩnh, dễ dấn thân.

“Như anh Trần Thanh Hải (founder của VNG) nói: Nếu không làm, không bao giờ thất bại, nhưng chẳng bao giờ được nếm vị thành công. Chúng ta cần phải khuyến khích các bạn trẻ dám làm và cần khuyên các bạn nên làm những gì mang lại giá trị cho xã hội, chứ đừng làm vì tiền.

Với người trẻ, đừng bao giờ nên có quan điểm là cái này hay cái kia khó lắm, không làm được đâu. Chỉ nên là: Khó lắm, vẫn chưa làm được. Chỉ có chưa làm được chứ không bao giờ là không làm được. Nếu mọi người đều có quan điểm đó thì trước sau gì cũng sẽ tới đích, và sẽ tạo được một lớp trẻ rất hùng mạnh cho đất nước” - doanh nhân Đỗ Hoài Nam.

>> [Khởi nghiệp] Không phải Cường đô la, đừng mơ ra trường đã làm chủ!

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM