Doanh nghiệp trong nước cũng có dấu hiệu chuyển giá

01/02/2013 11:24 AM | Kinh doanh

Một số công ty, tập đoàn lớn trong nước có dấu hiệu chuyển giá sẽ được Cục Thuế TP HCM tập trung thanh tra trong 2013.

Trong buổi họp mặt báo chí chiều 31/1, ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục thuế TP HCM cho biết, thông qua kiểm toán nhà nước đã phát hiện một số doanh nghiệp lớn trong nước (đặc biệt là một Tập đoàn nổi tiếng về sản xuất hàng thực phẩm, tiêu dùng) cũng có dấu hiệu chuyển giá, nên yêu cầu Cục Thuế tiến hành kiểm tra lại. Theo ông Tấn vì dấu hiệu chưa rõ ràng và chưa có kết luận thanh tra chính thức nên không thể công khai danh tính các doanh nghiệp này một cách cụ thể.

Thừa nhận chuyển giá hiện nay rất tinh vi trong khi công tác kiểm tra của cơ quan thuế tại Việt Nam còn non kém, ông Tấn cho rằng cần có quá trình và bước đi cụ thể, bắt đầu từ năm 2013, công tác này sẽ được Cục thuế TP HCM triển khai quyết liệt.

Riêng "nghi án" chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài như Coca cola, Adidas, Metro... ông Tấn cho biết sẽ tiếp tục được thanh tra trong năm nay. "Khi nào có kết quả sẽ được công bố cụ thể", ông Tấn nói.

Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục thuế TP HCM cũng cho hay, ngay từ đầu năm nay, Cục thuế TP HCM đã thành lập một tổ chuyên trách nghiên cứu về các dữ liệu để triển khai việc chống chuyển giá. Theo đó, trên cơ sở tập hợp, phân tích dữ liệu của tổ này sẽ tiến hành triển khai cho các phòng, chi cục tại địa phương tiến hành thanh tra chống chuyển giá.

Phó Cục trưởng cũng chia sẻ, trước giờ Cục thuế thành phố chỉ căn cứ vào Thông tư 66 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phương pháp xác định giá giao dịch độc lập để xử lý vấn đề chuyển giá chứ chưa có một điều khoản pháp luật nào rõ ràng. Do đó, khi tiến hành làm công tác thanh tra, kiểm tra, nếu có chuyển gia thì Cục thuế chỉ điều chuyển qua luật thuế thu nhập doanh nghiệp, tức sẽ tiến hành ấn định thuế, lấy mức lãi của một doanh nghiệp tương đương để ấn định thuế đối với đơn vị chuyển giá. Chính vì vậy, công tác chống chuyển giá chưa thực sự quyết liệt.

Tuy nhiên, bà Nga cho biết, đến ngày 1/7/2013 khi Thông tư hướng dẫn sửa đổi một số điều của luật quản lý thuế được ban hành thì Cục thuế thành phố sẽ có một căn cứ pháp lý để có thể đưa ra cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) để tính thuế nhằm quản lý tốt vấn đề chuyển giá.

Theo cơ chế này, doanh nghiệp đa quốc gia phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ giữa các thành viên trong tập đoàn, trước khi kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế sẽ phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam tổ chức giám sát, kiểm soát để chống gian lận thuế. Cụ thể, trước khi tiến hành giao dịch, cơ quan thuế và doanh nghiệp thỏa thuận trước về giá hàng hóa, dịch vụ để tính thuế. Hoặc cơ quan thuế Việt Nam và tại nước mà doanh nghiệp đặt trụ sở chính cùng xác định lợi nhuận của toàn tập đoàn, trong đó có lợi nhuận do công ty con tại Việt Nam đem lại, từ đó đánh thuế theo mức lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được ở Việt Nam.

Nhưng để thực hiện hiệu quả, bà Nga cho rằng cần phải có sự kết nối thông tin của cục thuế 63 tỉnh thành và cơ quan thuế của các nước. Ngoài ra còn phải có sự kết nối chặt chẽ của cơ quan thuế với các cơ quan khác như Hải quan, Bộ công thương...để biết được giá gia công của một sản phẩm là bao nhiêu?... Sau đó, Cục thuế có căn cứ để so sánh đưa ra mức giá chuẩn nhất. "Nếu cần thiết phải tiến hành mua thông tin để thực hiện công việc này", bà Nga nói.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục thuế TP HCM, trong năm 2012 vừa qua, cơ quan này đã thanh tra được hơn 1.500 hồ sơ thuộc các doanh nghiệp thường xuyên khai lỗ, giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá,... tăng 2% theo kế hoạch pháp lệnh, tăng 52% so với năm ngoái. Số thuế truy thu và phạt hơn 2.600 tỷ đồng, số giảm khấu trừ 87 tỷ đồng và giảm lỗ hơn 2.680 tỷ đồng.

Chuyển giá được xem là câu chuyện nóng nhất những tháng cuối năm 2012 khi hàng loạt các "đại gia" nước ngoài như Coca Cola, Pesi, Adidas, Metro...bị đưa vào tầm ngắm của Cục thuế TP HCM do có nghi vấn chuyển giá như lỗ nhiều năm liền những vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất kinh doanh, hoặc khai các chi phí đầu vào tăng cao, giá bán sản phẩm thì thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, hoặc nhập khẩu máy móc thiết bị của công ty mẹ vào với một giá trị rất lớn nhưng hiệu quả sử dụng không cao....

Theo Lệ Chi
Vnexpress

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM