Chống chuyển giá: Đến lượt Unilever bị soi
Việc Tổng cục Thuế công bố tên tuổi của một loạt “đại gia” có vốn đầu tư nước ngoài, sẽ được cộng đồng doanh nghiệp này tiếp nhận thế nào?
Tên tuổi lớn
Ba năm trước, năm 2009, một danh sách các doanh nghiệp “nghi ngờ chuyển giá” đã được công bố một cách không chính thức. Danh sách dài, nhưng trong các trích dẫn trong các bài báo, chỉ có những đơn vị báo lỗ khủng được nêu tên, nổi bật là trường hợp Metro Cash&Carry.
Danh sách này không đề cập gì đến chuyển giá, nhưng “nội hàm” của nó được giới doanh nghiệp hiểu như là sự đánh động của cơ quan quản lý thuế về một cuộc tổng kiểm tra và xử lý các hành vi gian lận thuế.
Ngành thuế nói là làm, trong các năm 2010 - 2011, hàng nghìn cuộc thanh kiểm tra đã được tiến hành và qua đó, hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế đã được truy thu. Cho dù thật tiếc, số vụ thanh kiểm tra, số doanh nghiệp bị thanh kiểm tra chỉ được công bố chung chung, trong khi số tiền phạt cụ thể cho từng doanh nghiệp cho đến nay vẫn chỉ là “dữ liệu nội bộ” của ngành.
Ở thời điểm này, danh sách “nghi ngờ chuyển giá” đã chính thức được mở rộng, bao gồm Coca-Cola, PepsiCo, Adidas, Big C, Keangnam Vina… Lý do cơ quan thuế “nghi ngờ” là việc các doanh nghiệp này liên tục báo lỗ trong nhiều năm.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý trong danh sách các doanh nghiệp “nghi ngờ”, là đã xuất hiện cả những doanh nghiệp không hề lỗ, thậm chí lãi và đóng thuế cao, điển hình là trường hợp của Unilever.
Sau khi tiến hành mua lại cổ phần của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam vào năm 2008, Unilever chính thức trở thành một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và đã có sự tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam. Vào năm 2010, công ty này công bố việc đạt doanh số tương đương 1% GDP của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo một phát biểu của một quan chức thuộc Cục Thuế Tp.HCM, được báo Vietnam Investment Review đăng tải lại, thì “trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, Unilever là doanh nghiệp cần được điều tra ngay cả khi có doanh thu và đóng góp lớn cho ngân sách”. Một khi đã được đưa vào tầm ngắm, hình ảnh của Unilever có thể thay đổi từ một doanh nghiệp trách nhiệm với cộng đồng thành một doanh nghiệp “hai mặt”.
Mới đây nhất, Unilever đã công bố “kế hoạch phát triển bền vững” tại Việt Nam, một phần trong chiến lược cùng tên được triển khai trên toàn cầu, theo đó, công ty “cam kết cải thiện cuộc sống của 20 triệu người dân Việt Nam bằng cách cải thiện điều kiện vệ sinh và sức khỏe cho mọi người”. Bởi vậy, trong khi nỗ lực thể hiện mình, nghi án trốn thuế là một tin kém vui đối với doanh nghiệp này.
Ở trường hợp của Keangnam Vina, vấn đề chuyển giá hay không chắc chắn cũng sẽ gây tranh cãi. Thông thường, đối với các dự án bất động sản, trong những năm đầu, việc báo lỗ là bình thường vì trên thực tế đó là thời gian chuẩn bị và bắt đầu đầu tư, có chi phí mà không hề có doanh thu. Nhưng ngay cả khi có doanh thu, chưa chắc đã có lãi ngay được. Còn nhớ, sau kỳ khủng hoảng 1997-1998, hàng loạt doanh nghiệp liên doanh trong lĩnh vực khách sạn, văn phòng và căn hộ tại Hà Nội và Tp.HCM đã liên tục báo lỗ trong nhiều năm, thậm chí có những doanh nghiệp báo lỗ đến tận những năm 2005-2006 và vẫn được ngành thuế chấp nhận.
Góc nhìn từ doanh nghiệp
Việc công bố tên tuổi một loạt doanh nghiệp dính vào “nghi án chuyển giá” của Tổng cục Thuế là một hành động đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những người bình tĩnh đánh giá thông tin sẽ thấy, việc công bố này có thể coi là chính thức hoặc là không chính thức cũng được.
Tên tuổi của các doanh nghiệp, trên thực tế đã được nhắc đến trong một phát biểu của một quan chức ngành thuế trong một hội thảo chuyên đề, thay vì một động thái công bố rõ ràng bằng văn bản hay báo cáo như thông lệ.
Những diễn biến của cuộc chiến chống giảm giá không nằm ngoài sự quan tâm của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài. Bản kiến nghị chung về môi trường kinh doanh của Phòng Thương mại Châu Âu (Eurocham) gửi đến Diễn đàn Doanh nghiệp mới đây đã dành hẳn một mục riêng để bày tỏ quan điểm về chuyển giá.
Theo Eurocham, kể từ khi chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 được thông qua vào năm ngoái, ngành thuế đã tăng cường việc kiểm tra thuế. Đầu năm nay, Bộ Tài chính đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia nhằm quản lý chính sách chuyển giá của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2012-2015.
Trong khi “tin rằng các cơ quan thuế sẽ nỗ lực để chứng tỏ với thế giới rằng Việt Nam có một hệ thống thuế minh bạch phù hợp với những tiêu chuẩn quốc tế”, tổ chức này đưa ra nhận xét rằng chuyển giá hiện nay “thuộc phạm vi kiểm tra thuế tổng quan, tuy nhiên, việc kiểm tra tổng quan sẽ không đủ chiều sâu cần thiết để phát hiện được những kế hoạch không lành mạnh về chuyển giá”.
Do đó, Eurocham cho rằng, quá trình kiểm tra chuyển giá là “không rõ ràng hay không đủ rõ ràng”. Theo đó, cần “nâng cao tính hiệu quả của quy trình thực hiện và thủ tục kiểm tra chuyển giá và đưa ra hướng dẫn rõ ràng về thủ tục thực hiện chương trình thỏa thuận giá định trước” và “việc thiếu rõ ràng sẽ dẫn đến sự không chắc chắn và thời gian, tiền của sẽ đổ vào những nơi mà đáng lẽ ra đã có thể tránh được”.
Các doanh nghiệp thuộc Eurocham, cũng như các doanh nghiệp FDI khác, có lẽ hiểu rất rõ về các báo cáo tài chính mà họ đã và đang lập trong nhiều năm qua. Trong khi liên tục đưa ra các kiến nghị về việc xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, nhiều doanh nghiệp hẳn sẽ lo sợ nếu cơ quan thuế thật sự vào cuộc quyết liệt. Nhưng bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khác có lẽ cũng e ngại chống chuyển giá có thể chỉ là lý do cho những hoạt động thanh kiểm tra dồn dập, điều họ “ngại” nhất, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Theo VnEconomy