Chuyển giá và câu chuyện phối hợp vĩ mô

06/01/2013 10:38 AM | Quản trị

Chống chuyển giá có nên xem là "việc riêng" của ngành tài chính?...

Những câu hỏi dồn dập về tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI và ứng xử của các cơ quan chức năng Việt Nam đã làm nóng bầu không khí cuộc họp báo tổng kết năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sáng 4/1/2013.

Thú vị thay, đấy cũng là cơ hội để ngành kế hoạch và đầu tư bày tỏ quan điểm chính thức về công việc mà họ rất tâm huyết, nhưng hiện lại đang phụ thuộc vào... Bộ Tài chính.

Những ai theo dõi cuộc chiến chống chuyển giá của các cơ quan chức năng đều hiểu rằng, chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan công khai ý định về việc tiến hành các hoạt động chống chuyển giá một cách quyết liệt nhất. Tròn hai năm trước, cũng trong một cuộc họp báo tương tự, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông, đã bày tỏ quyết tâm này khi nói rằng "sẽ báo cáo lên Chính phủ" và rằng "chúng tôi đã trao đổi với người đồng cấp của chúng tôi bên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính là năm 2011 chúng tôi sẽ đi vào nghiên cứu bằng một dự án hỗ trợ kỹ thuật để tìm hiểu toàn bộ về vấn đề này, trong khoảng 6-8 tháng".

Ông Đông cũng nhấn mạnh rằng, "chỉ cần chúng ta làm 2-3 doanh nghiệp điểm thôi, làm đúng thì ngay lập tức doanh nghiệp sẽ phải thay đổi. Vì đây toàn là những doanh nghiệp quốc tế và họ cần uy tín của họ... Chúng tôi khá tự tin về việc này. Bây giờ là chưa quá muộn, nhưng phải bắt đầu, về vấn đề chuyển giá".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm như nói. Sau đó không lâu, một bản đề án về chống chuyển giá của các doanh nghiệp FDI được bộ này trình lên Chính phủ. Tháng 9/2011, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bắt đầu sụt giảm, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 1617/CT-Ttg về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư, trong đó nêu rõ Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được giao "xây dựng đề án ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn FDI, hoàn thành trong quý 4/2011"

Tuy nhiên, vì lẽ bản chất của hoạt động chống chuyển giá liên quan đến thuế và hải quan, lĩnh vực mà Bộ Tài chính đang quản lý, nên sau đó Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính tiếp tục công việc này.

Khoảng thời gian hơn một năm qua chứng kiến vai trò tích cực hơn nhiều từ Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế trong câu chuyện chống chuyển giá, trong khi đó, vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dường như khá mờ nhạt. Mong muốn "làm điểm" vài doanh nghiệp của Thứ trưởng Đặng Huy Đông đã được ngành thuế áp dụng rộng rãi với hàng ngàn cuộc thanh kiểm tra thuế, và bước đầu đã đưa tới những kết quả đáng kể, có thể kiểm chứng được bằng số liệu.

Có mặt trong cuộc họp báo sáng 4/1, Thứ trưởng Đặng Huy Đông được nghe cấp dưới của mình, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, báo cáo rằng mặc dù được giao chủ trì đề án chống chuyển giá, song trên thực tế Bộ Tài chính chưa hề họp với các bộ ngành khác mà chỉ mới có "trao đổi cấp chuyên viên".

Ông Hoàng cũng nói rằng những công việc quan trọng nhất là hoàn thiện hệ thống pháp lý, xây dựng đội ngũ chuyên gia về chuyển giá, xây dựng bộ dữ liệu về so sánh giá với các nước xung quanh, ban hành các quy định về thỏa thuận giá là rất quan trọng, tuy nhiên nay vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu triển khai.

Nhìn bề ngoài, cuộc chiến chống chuyển giá dường như đang tập trung cho công việc thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế của các doanh nghiệp. Nhưng ông Hoàng tin rằng, công việc quan trọng này "cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều cơ quan chức năng". "Thu thuế là việc của ngành tài chính, nhưng nếu dồn trách nhiệm vào một cơ quan thì không làm được, mà phải phối hợp", ông nói.

Trước câu hỏi rằng, ngành kế hoạch và đầu tư có thể rút giấy phép các doanh nghiệp báo lỗ nhiều năm hay không, ông Hoàng cho rằng nếu chỉ thấy lỗ mà rút giấy phép thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. "Phải xem xét nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc lỗ để có hướng xử lý cho phù hợp", ông Hoàng nói, cách nói khiến cho nhiều nhà báo hiểu rằng "án" cao nhất cho hành vi chuyển giá là "rút giấy phép" của một vài doanh nghiệp nào đó dường như còn xa!

Tuy nhiên, khi bình luận về cuộc chiến chống chuyển giá hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng biện pháp quan trọng nhất để chống chuyển giá không phải là chỉ trông chờ vào sự kiểm soát giá nhập khẩu của cơ quan hải quan mà phải là kết hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng trong việc quản lý kiểm soát giá máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu để chống chuyển giá ngay từ khâu kêu gọi đầu tư, xét duyệt thẩm định dự án, cấp phép cho dự án đến quá trình thực hiện dự án và thanh tra kiểm tra, kiểm toán, thu thuế thực hiện dự án.

Theo cách hiểu đó, toàn thể bộ máy liên quan đến FDI cần nắm vững về thị trường giá cả các hàng hoá dịch vụ nhập khẩu của doanh nghiệp FDI thì mới đảm bảo được khả năng chống chuyển giá, thông qua đó nâng cao được chất lượng thu hút FDI.

Nhưng trong lúc việc phân vai, phân việc của các cơ quan chức năng vẫn còn chưa thật sự rõ ràng, kinh nghiệm đối phó của các doanh nghiệp FDI lại dường như đang được bổ sung đáng kể trong thời gian qua, trên nền tảng các kỹ thuật tài chính tinh vi mà họ vốn có, cũng như chính những... điểm yếu của chính các cơ quan quản lý tại Việt Nam mà họ đã phát hiện được khi nếm trải qua các hoạt động thanh kiểm tra thuế!
 
Theo Anh Minh
Vneconomy

duchai

Cùng chuyên mục
XEM