Tương lai của Myanmar: Chọn Thái Lan hay Bangladesh?
Từng có một thời hoàng kim giàu nhất khu vực, Myanmar trong giai đoạn bị cấm vận đã trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Ngay sau tuyên bố mở cửa vào năm 2010, kinh tế Myanmar đã có những bước thay đổi mạnh mẽ. Dù vẫn còn chịu cấm vận kinh tế từ Mỹ và châu Âu, nhưng việc các nhà đầu tư châu Á đổ xô vào Myanmar giúp nền kinh tế quốc gia này tăng trưởng nhanh chóng. Kinh tế Myanmar được dự báo sẽ tăng trưởng 7,8% từ năm 2014 đến năm 2016 chủ yếu nhờ nguồn vốn đầu tư tăng.
Thủ tướng Myanmar Thein Sein, người tiến hành cải cách và mở cửa nền kinh tế Myanmar, kỳ vọng Myanmar sẽ trở lại thời kỳ hoàng kim. Đường phố Myanmar sẽ tràn ngập siêu thị và những cửa hàng đồ ăn nhanh, mạng internet hay điện thoại di động. Để làm được điều đó, nền kinh tế Myanmar muốn nhờ vào vốn FDI đang chảy vào để “nhảy cóc” trở thành một Thái Lan, hay thậm chí là Singapore thứ hai tại Đông Nam Á.
Năm 2013, dòng vốn FDI chảy vào Myanmar đạt 4,1 tỉ USD, tập trung vào các ngành như sản xuất, giao thông vận tải, viễn thông, bất động sản, khách sạn và du lịch. Singapore dẫn đầu với 2,34 tỷ USD, chiếm 57% tổng số vốn đầu tư vào Myanmar trong năm ngoái. Tiếp theo đó là Hàn Quốc, Thái Lan, Anh Quốc và Việt Nam.
Ủy ban Đầu tư Myanmar đã dự báo vốn FDI sẽ đạt từ 4 tỷ đến 5 tỷ USD trong năm tài chính 2014-2015. Tuy nhiên, tổng số vốn đầu tư trong nửa đầu năm nay đã vượt mức 4 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư vào ngành viễn thông chiếm 20% tổng vốn đầu tư, chủ yếu nhờ hai công ty: OOredoo của Quatar và Telenorcủa Na-uy đã được cấp phép đầu tư tại Myanmar vào năm ngoái.
Để hấp thụ dòng vốn FDI, khu công nghiệp Thilawa nằm kế bên Yangon sẽ mở khu vực 1 vào giữa năm sau. Khu vực này có diện tích 400 ha, với đường sá và cảng biển. 22 công ty đã chuẩn bị xây dựng nhà máy tại đây. Ngoài Thilawa, 2 khu công nghiệp khác là Kyaukphyu và Dawei cũng đang được xây dựng.
Dự kiến, khu công nghiệp Thilawa sẽ thu hút 70.000 công nhân tới làm việc trong các ngành sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, da giầy, phụ tùng ô tô,... phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
So sánh với người bạn láng giềng Thái Lan đang có độ tuổi lao động ngày càng già đi, lực lượng lao động giảm sút và chi phí ngày càng đắt đỏ, Myanmar thu hút nhà đầu tư với lực lượng lao động trẻ và giá rẻ. Không chỉ vậy, những sinh viên Myanmar có điều kiện đi du học ở nước ngoài cũng sẵn sàng trở về làm việc cho các tổ chức đa quốc gia mới đặt trụ sở tại đất nước mình.
Về vị trí địa lý, quốc gia này có vị trí rất thuận lợi khi nằm giữa hai thị trường cực lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Đồng thời, còn là đầu mối giao thông thuận tiện khi di chuyển từ Thái Lan ra biển. Theo McKinsey, tới năm 2025, sẽ có hơn một nửa lượng hàng hóa trên thế giới sẽ di chuyển qua Myanmar. Cùng với đó là trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn, đặc biệt là dầu và đá quý.
Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhiều doanh nghiệp đánh giá hệ thống chính trị tại Myanmar chưa ổn định có thể mang lại rủi ro cho doanh nghiệp. Tuy nhiên đó không không phải là vấn đề đáng quan tâm nhất.
Trong báo cáo thường niên mới nhất của World Bank, tổ chức này xếp môi trường kinh doanh của Myanmar đứng thứ 182 trên tổng số 189 nền kinh tế. Cho dù chính quyền đã nỗ lực cải cách luật pháp để tạo đường cho phát triển kinh tế, hệ thống luật pháp cũng như tài chính của quốc gia này vẫn còn khá sơ sài.
Một điểm yếu dễ thấy hơn đó là nền giáo dục của quốc gia này. Trung bình một người Myanmar chỉ được đào tạo 4 năm tại trường học. Tỉ lệ giáo viên/học sinh là 1/30, cao hơn nhiều so với 1/13 tại Mallaysia. Một xu hướng “ngược” của Myanmar đó là tỉ lệ lao động trong ngành nông nghiệp từ năm 1965 – 2010 lại tăng từ 35% lên 44%. Nó phản ánh lao động tại Myanmar chủ yếu là lao động trình độ thấp và không có tay nghề.
Với nỗ lực đuổi kịp Thái Lan, Myanmar không thể dựa vào những lao động trình độ thấp hay xuất khẩu tài nguyên. Có lẽ, trước khi mơ tới Thái Lan, Myanmar nên định hướng trở thành một “công xưởng” giá rẻ như cách mà người hàng xóm của họ, Bangladesh đang làm.
Phần 2: Điểm danh những doanh nghiệp Việt đầu tư vào đất vàng Myanmar
>> Myanmar - Mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á
Trang Lam