Để "được thâu tóm", doanh nghiệp cần chuẩn bị 7 bước quan trọng sau đây

11/11/2015 07:48 AM | Kinh doanh

Các công ty non trẻ thường quên rằng, việc định vị bản thân là bước chuẩn bị tốt nhất giúp doanh nghiệp của mình sẽ trên có giá hơn trong mắt các ông lớn giàu có.

Bạn vừa xây dựng một công ty đang trên đà phát triển và bỗng chốc nhận được hàng loạt lời mời mua lại từ các doanh nghiệp lớn. Đầu tiên, xin chúc mừng vì bạn đã thực hiện một công việc mà không phải ai cũng thành công.

Tuy nhiên, đừng để sự vui sướng lấn át tâm trí khi mà sắp tới, bạn sẽ còn cả tá việc để làm trước khi đàm phán thương vụ này với các đối tác.

Các doanh nghiệp, thường là startup khá thiếu kinh nghiệm trong vấn đề đàm phán mua lại, cho dù cách tiếp cận của họ khác nhau như thế nào. Sau đây là 7 bước tối cần thiết để định vị công ty trước khi bước vào giai đoạn căng thẳng nhất mà các lãnh đạo trẻ tuổi nên tham khảo

1. Dành nhiều năm để chuẩn bị trước khi muốn bán lại công ty

Tất nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể chuẩn bị trước mọi thứ, nhưng hãy thực hiện nó một cách tốt nhất. Bất chấp việc công ty của bạn nhận được bao nhiêu lời mời mua lại và bản thân bạn cũng có ý định đó, hãy cứ tiếp tục lên kế hoạch kinh doanh trong những năm tiếp theo cho doanh nghiệp.

Các công ty lớn khi muốn mua lại thường nhìn vào doanh số hiện nay, và nếu họ không thấy được tiềm năng doanh thu trong những năm tới, chắc chắn bạn sẽ bị ép giá. Lên kế hoạch trước khiến doanh nghiệp của bạn trở nên hấp dẫn hơn, đồng thời cho các đối tác thấy rằng việc họ mua lại hay không sẽ chẳng ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty.

Ngoài ra, bạn nên dành thời gian để giải quyết tất cả các vấn đề dù là nhỏ nhất tại doanh nghiệp của mình, và nếu được hãy cải thiện chúng. Các quy trình thẩm định khi mua lại thường mất tới vài tháng, có lẽ bạn sẽ không muốn chỉ vì những lỗi nhỏ mà công ty của mình bị bán với giá thấp.

2. Luôn giữ công ty ở tư thế sẵn sàng

Không ai muốn mua một món hàng nếu nó không hoàn hảo trong mắt họ, hoặc chí ít nó phải có tiềm năng để trở nên hoàn hảo.

Nếu các hệ thống, phòng ban trong công ty bạn đang là một mớ hỗn độn, đó là một nguy cơ khiến bạn gặp phải thất bại khi đàm phán với bất kỳ người mua tiềm năng nào.

Chấn chỉnh lại công ty từ những việc đơn giản như sắp xếp tài liệu, văn bản thủ tục một cách chuẩn mực. Hỏi ý kiến các chuyên gia trong ngành kế toán và các luật sư để đảm bảo rằng doanh nghiệp của bạn thực hiện đúng luật pháp, đồng thời nâng cao danh tiếng của mình.

Các nguồn lực trong công ty cần phải được đảm bảo về năng lực và sự độc lập. Hãy chắc chắn các nhân viên sẽ vẫn hoàn thành tốt các công việc mà không có sự đốc thúc của bạn. Điều này tạo nên văn hóa doanh nghiệp và là ưu điểm trong mắt những người mua.

3. Để ý mọi hoạt động của doanh nghiệp trong hai năm gần nhất

Những doanh nghiệp lớn muốn mua lại công ty bạn có xu hướng quan tâm nhiều nhất đến mọi hoạt động của công ty trong hai năm vừa qua.

Doanh số, lợi nhuận, chi phí, các chiến lược từ marketing, tài chính liệu có được thực hiện hiệu quả hay khả năng duy trì và phát triển mạng lưới khách hàng của công ty bạn như thế nào.Ngoài ra, họ còn quan tâm đến những chỉ số phổ biến khi tiến hành thẩm định và định giá công ty.

Xem xét lại mọi thứ và sử dụng các thủ thuật nếu có thể để biến công ty bạn trở nên hoàn hảo nhất.

4. Biết rõ những ai muốn thâu tóm doanh nghiệp của bạn

Nếu bạn đang thực sự muốn bán công ty của mình với mức giá cao nhất, hãy dành thời gian tìm hiểu những khách hàng tiềm năng muốn mua lại.

Khi xác định và chọn lọc được những ứng viên tốt nhất, bạn có thể bắt đầu quá trình nghiên cứu những công ty này để biết cách thu hút hay thuyết phục họ một cách hiệu quả nhất.

5. Tự đánh giá công ty của mình

Có một số cách để đánh giá xem công ty của bạn phù hợp đến đâu trong suy nghĩ của khách hàng và số tiền cao nhất họ có thể bỏ ra để mua lại.

Trước hết, danh sách khách hàng của bạn, vị thế công ty hay doanh thu định kỳ là những điều được quan tâm nhất, hãy dựa vào đó để cân nhắc giá trị của mình. Sau đó đến các tài sản hữu hình như phát minh, bằng sáng chế hoặc những điểm thú vị khác ở công ty có thể hấp dẫn người mua.

Tập trung cải thiện những điều mà khách hàng quan tâm nhất khi mua lại sẽ khiến giá trị của bạn cao hơn rất nhiều.

6. Xây dựng một chiến lược phù hợp khi đàm phán

Xác định rõ các ưu điểm, nhược điểm trong công ty của bạn, cũng như tiềm năng trong tương lai của nó. Bạn có thể dựa vào những điểm mạnh này để có được lợi thế trong những cuộc đàm phán sắp tới, đồng thời lên một kế hoạch rõ ràng để mang lại giá mua cao nhất cho doanh nghiệp của mình.

7. Sẵn sàng chiến đấu vì những điểm yếu của công ty

Điều này đòi hỏi bản lĩnh của bạn khi các doanh nghiệp lớn thường tỏ ra già dơ trong lĩnh vực đàm phán. Chỉ cần họ tìm thấy một lỗi nhỏ, chắc chắn bạn sẽ bị ép giá không thương tiếc. Như đã đề cập ở trên, các công ty nhỏ thường thiếu kinh nghiệm, vì vậy để đạt được kết quả tốt nhất, hãy luôn ở tư thế sẵn sàng trong mọi tình huống khó khăn nhất.

Thư Anh

Cùng chuyên mục
XEM