Đại gia Việt bám trụ 'đất vàng' Myanmar: Ai còn, ai mất?

06/02/2015 09:09 AM | Kinh doanh

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, quy mô kinh tế của Myanmar có thể tăng lên gấp 4 lần, đạt mức 200 tỷ USD vào năm 2030.

Nội dung nổi bật:

- Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, quy mô kinh tế của Myanmar có thể tăng lên gấp 4 lần, đạt mức 200 tỷ USD vào năm 2030. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo kinh tế Myanmar sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 9,5% vào năm 2030.

- Những tên tuổi lớn hiện bám trụ tại Myanmar gồm Hoàng Anh Gia Lai, FPT, Viettel, VNPT,...

- Những doanh nghiệp còn bám trụ và phát triển chỉ có hai nhóm: Sẵn sàng đầu tư và chờ thời cơ để có cơ hội kinh doanh khi các công ty khác không kiễn nhân được và phải rút lui; có công nghệ hoặc những mối quan hệ đặc biệt và sử dụng lợi thế đó để bứt phá trong kinh doanh.


Đem chuông đi đánh xứ người

Với nội lực ngày càng phát triển cùng với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn với khu vực và quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam dần tự tin mở rộng kinh doanh ra trường thế giới, đặc biệt trong bối cảnh cộng đồng kinh tế Asean (AEC) hình thành vào năm 2015.

GS-TSKH Nguyễn Mai, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư cũng từng bình luận: “Các doanh nghiệp Việt Nam đã trở nên mạnh hơn. Từ một quốc gia chỉ biết nhận đầu tư, thậm chí nhận đầu tư bằng mọi giá, doanh nghiệp Việt Nam đã vươn ra thị trường quốc tế.”

Điều này càng được minh chứng rõ hơn qua số liệu của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ kế hoạch và đầu tư). Trong năm 2014 đã có 208 dự án mới được các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước với tổng số vốn đăng ký phía Việt Nam trên 1 tỷ USD. Lũy kế tính đến tháng 9 năm 2014, Việt Nam có 905 dự án đầu tư mới được cấp phép đầu tư sang 63 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm phía Việt Nam đạt 19,1 tỷ USD. Bên cạnh hai thị trường truyền thống là Lào, Campuchia, trong những năm gần đây các doanh nghiệp Việt đang nỗ lực để hướng đến “đất nước Chùa Vàng” Myanmar.

Theo báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, quy mô kinh tế của Myanmar có thể tăng lên gấp 4 lần, đạt mức 200 tỷ USD vào năm 2030. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo kinh tế Myanmar sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 9,5% vào năm 2030. Với khoảng 60 triệu dân, quốc gia này có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam của 10 năm trước.

Chính lẽ đó, Myanmar được xem là mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á, "miếng mồi" béo bở, được khao khát bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội đầu tư hiếm có này, điển hình là việc nhiều ‘ông lớn’ Việt Nam đã hoặc muốn rót vốn vào Myanmar.

Điểm danh ông lớn

Một trong những cái tên kiên trì đầu tư vào Myanmar có thể kể đến là Viettel.

Năm 2013, tập đoàn viễn thông này từng tham gia đấu thầu kinh doanh viễn thông tại Myanmar nhưng thất bại trước 2 nhà mạng quốc tế Ooredoo (Qatar) và Telenor (Na Uy).

Đến cuối năm 2014, Viettel tiếp tục công bố đầu tư 1,8 tỷ USD vào quốc gia này trong đó tổng vốn đầu tư của Viettel Global khoảng 800 triệu USD, phần còn lại khoảng 1 tỷ USD do phía đối tác nước ngoài và Viettel Myanmar tự thu xếp.

Sở dĩ Viettel kiên trì theo đuổi thị trường này bởi tỷ lệ thâm nhập di động cao nhất tại thủ đô Naypitaw (32,2%), Yangon (25,4), trong khi phần còn lại chỉ đạt trung bình 5,2%. Mức độ thâm nhập 3G thậm chí chỉ đạt 3,7%, mật độ người dùng Internet tính đến tháng 5/2014 chỉ mới 48%.

Cũng vì nhìn nhận nhu cầu lớn về hạ tầng viễn thông, di động tại Myanmar nên đại gia công nghệ là FPT cũng nhẫn nại đầu tư vào đất nước chùa Vàng.

Sau hai năm có mặt tại đây, tập đoàn này đã có được một số hợp đồng quan trọng như triển khai lắp đặt các trạm thu phát sóng cho tập đoàn ITAH, triển khai hệ thống quản lý phân phối, bán hàng cho Tổng công ty MMI (doanh nghiệp lớn nhất Myanmar về FMCG).

Trong chuyến thăm Myanmar hồi tháng 9 vừa qua, bộ trưởng bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng chỉ đạo MobiFone phải nắm bắt các cơ hội để phấn đấu trở thành một trong những nhà cung cấp các dịch vụ viễn thông có chỗ đứng tại thị trường Myanmar. Doanh nghiệp này cũng đã nhanh chân mở văn phòng đại diện tại Yangon từ tháng 12 năm 2012.

Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông, các doanh nghiệp ngành khác cũng tìm kiếm cơ hội tại đây như Hoàng Anh Gia Lai với dự án “Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center” với vị trí đắc địa nhất Yangon trên diện tích trên 73 nghìn m2 xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn.

Việc đầu tư này hoàn toàn được giữ kín cho đến khi bầu Đức lý giải “Lúc đó tôi có lỗi là phải giấu cổ đông. Vì thời điểm 2009, 2010 kinh tế khó khăn bộn bề, tiền đâu mà dám tuyên bố đầu tư vào Myanmar, người ta sẽ cho tôi là viễn tưởng.”

Ngoài những cái tên lớn như FPT, Viettel, Hoàng Anh Gia Lai, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác cũng được nhắc đến tại xứ Chùa Vàng như Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam, VNPT,…

Thử thách xứ chùa Vàng

Mặc dù được xem là cơ hội vàng nhưng con đường phát triển tại Myanmar không hề dễ dàng. Theo nhận xét của ông Trần Bắc Hà, chủ tịch hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM) đánh giá đây là mảnh đất đầy rủi ro.

Theo ông Hà, các doanh nghiệp Việt khi đầu tư sang đây không nên theo kiểu “ăn xổi ở thì” mà phải xác định theo hướng bền vững, dài hạn. Có không ít doanh nghiệp đã phải rút lui khỏi thị trường này do không đủ vốn hoặc thiếu kiên nhẫn.

Những doanh nghiệp còn bám trụ và phát triển chỉ có hai nhóm:

- Nhóm thứ nhất sẵn sàng đầu tư và chờ thời cơ để có cơ hội kinh doanh khi các công ty khác không kiên nhẫn được và phải rút lui;

- Nhóm thứ hai có công nghệ hoặc những mối quan hệ đặc biệt và sử dụng lợi thế đó để bứt phá trong kinh doanh.

Do đó để có thể phát triển tại Myanmar, bên cạnh việc trường vốn, các doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc kỹ lưỡng ngành có cơ hội phát triển. Hiện nay những ngành thu hút vốn FDI nhiều nhất vào Myanmar có thể kể đến như Năng lượng, chiếm 36,57% tổng vốn lũy kế tính tới tháng 12/2014 hay Dầu và khí gas, công nghiệp chế biến,…

Vốn FDI đầu tư vào Myanmar tính đến tháng 12/2014.

Vốn FDI đầu tư vào Myanmar tính đến tháng 12/2014.

Mới đây, Bộ trưởng bộ thông tin Myanmar U Y Htut cũng từng cho biết quốc gia này đang mong muốn đẩy mạnh lĩnh vực phát thanh- truyền hình. Hiện tại Myanmar đã bắt đầu cấp phép cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình cáp, IPTV. Doanh nghiệp nước ngoài khi liên doanh cùng đối tác trong nước của Myanmar sẽ có thể góp vốn tối đa tới 30%. Riêng với lĩnh vực báo chí- xuất bản, doanh nghiệp nước ngoài có thể liên doanh cùng doanh nghiệp Myanmar và sở hữu tới 95% cổ phần. Đặc biệt trong một số ngành đặc thù như đào tạo tiếng Anh hoặc giáo dục thì nước ngoài có thể sở hữu 100% cổ phần.

Ngoài ra, một lĩnh vực cũng khá tiềm năng tại Myanmar hiện nay là điện năng. Theo báo cáo phân tích của VPBS, lượng điện sản xuất tại quốc gia này chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu dân số.

Thủy điện là nguồn sản xuất điện năng chính tại Myanmar, chiếm 70% sản lượng nhưng gặp khó khăn lớn vào mùa khô khiến sản lượng bị sụt giảm, thậm chí gián đoạn hoàn toàn. Trong khi năng lượng là yếu tố không thể thiếu trong quá trình chuyển biến kinh tế Myanmar cũng như phát triển các ngành khác. Theo nhận định của VPBS, ngành điện sẽ vẫn là một trong những ngành được ưu tiên đầu tư của Chính phủ nước này.

Tiềm năng lớn, rủi ro cũng không hề nhỏ nên có thể xem Myanmar là thách thức lớn, thử thách bản lĩnh của doanh nghiệp Việt Nam. Ai thắng, ai thua thời gian sẽ là đem lại câu trả lời chính xác nhất.

>> Viettel vẫn quyết đầu tư vào Myanmar

Kim Thủy

Nguyễn Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM