Viettel Global dự kiến đầu tư 1,8 tỷ USD vào mạng viễn thông tại Myanmar

05/12/2014 12:17 PM | Kinh doanh

Năm 2013, Viettel từng tham gia cuộc đấu thầu giành quyền khai thác mạng viễn thông tại Myanmar nhưng đã không thành công trước 2 nhà mạng đến từ Na Uy và Qatar.

Ngày 3/12 vừa qua là ngày cuối cùng để cổ đông của Viettel Global biểu quyết bằng văn bản thông qua Chủ trương đầu tư vào Myanmar.

Theo đó, Viettel Global – đơn vị phụ trách hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Viettel -  sẽ hợp tác với đối tác tại Myanmar thành lập công ty Viettel Myanmar để thực hiện dự án đầu tư mạng viễn thông tại quốc gia này.

Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án tại Myanmar là 1,8 tỷ USD; trong đó tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Viettel Global vào khoảng 800 triệu USD, phần còn lại khoảng 1 tỷ USD sẽ do phía đối tác nước ngoài và Viettel Myanmar tự thu xếp.

Do vốn đầu tư của dự án này dự kiến vượt quá 1/2 tổng tài sản ghi nhận trong Báo cáo kiểm toán gần nhất của Viettel Global nên theo điều lệ công ty, Viettel Global bắt buộc phải xin ý kiến cổ đông trước khi thực hiện. Với việc Viettel đang sở hữu 97,58% cổ phần của Viettel Global thì phương án này sẽ dễ dàng được đại hội cổ đông thông qua.

Hiện tại, Viettel Global đang đầu tư vào 8 quốc gia, trong đó có 5 thị trường đã kinh doanh chính thức là Campuchia, Lào, Haiti, Mozambique và Đông Timor. Ba dự án khác tại châu Phi có Cameroon và Burundi dự kiến đi vào hoạt động từ quý 4/2014 và quý 3/2015; Tanzania đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai hạ tầng mạng lưới.

Mạng Bitel do Viettel Peru đã đi vào hoạt động từ tháng 10; tuy nhiên công ty này được sở hữu trực tiếp bởi Tập đoàn Viettel.

Trong 9 tháng đầu năm 2014, Viettel Global đạt 10.100 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đến 30/9 tương ứng đạt 31.700 tỷ và 15.600 tỷ đồng.

Sức hấp dẫn của Myanmar

Trước năm 2014, thị trường viễn thông (di động & cố định) tại Myanmar độc quyền bởi công ty nhà nước MPT. Từ năm 2014 có thêm 2 nhà mạng quốc tế Ooredoo (Qatar) và Telenor (Na Uy).

Năm 2013, Ooredoo và Telenor là 2 đơn vị đã thắng thầu quyền kinh doanh mạng viễn thông tại Myanmar sau khi trả mức giá rất cao.

Viettel cũng tham gia đợt đấu thầu này nhưng đã không thành công. Đại diện Viettel khi đó cho biết doanh nghiệp này sẽ không bỏ cuộc vì những đơn vị trượt thầu vẫn có thể hợp tác với Telenor và Ooredoo trong dự án đầu tư vào ngành viễn thông tại Myanmar.

Theo Viettel, tính đến hết quý 2 năm 2014, tổng số người dùng di động tại Myanmar mới đạt 6,5 triệu người dùng, chiếm 10,7% tổng dân số và 13,1% dân số trong độ tuổi sử dụng di động (từ 12 đến 70 tuổi) – mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam con số này là 94% dân số trong độ tuổi sử dụng di động với 66,7 triệu người dùng.

Tại Myanmar có một sự chênh lệch lớn về tỷ lệ thâm nhập di động giữa các thành phố và phần còn lại của đất nước. Tỷ lệ thâm nhập di động là cao nhất tại thủ đô Naypyitaw (32,2%), Yangon (25,3%), và Mandalay (11,7%), trong khi phần còn lại của đất nước tỷ lệ thâm nhập di động trung bình chỉ đạt 5,2%.

Mức độ thâm nhập của 3G còn thấp hơn nhiều, chỉ đạt 3,7% và mật độ người dùng Internet tính đến tháng 5/2014 mới đạt 4,8% (gần 2,9 triệu người dùng).

>> Tương lai Myanmar: Chọn Thái Lan hay Bangladesh

Kiến Khang

Cùng chuyên mục
XEM