Đỉnh điểm khủng hoảng nông nghiệp ở châu Âu

09/09/2015 11:48 AM |

Những hình ảnh vô cùng xót xa. Quả trứng, sữa, rau củ… kết quả của những tháng ngày lao động của người nông dân đang bị chính họ sẵn sàng đổ bỏ.

Nguyên nhân của điều này xuất phát từ cuộc khủng hoảng giá nông sản tại châu Âu trong suốt thời gian qua.

Mọi con đường dẫn đến trụ sở chính của Liên minh châu Âu EU đều bị phong tỏa. Người biểu tình ném trứng vào Cảnh sát, đốt rơm rạ - khói bốc lên mù mịt… Cuộc biểu tình ngay trước trụ sở cuộc họp khẩn cấp các Bộ trưởng Nông nghiệp EU diễn ra ngày hôm qua tại Brussels, Bỉ được coi là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nông nghiệp tại châu Âu.

Sữa rẻ hơn nước lã

Đó không phải là cách ví von mà là sự thật. Tại các siêu thị ở Anh, giá chai nước 1 lít là khoảng 30.000 VND, còn giá một chai sữa 1 lít chỉ 20.000 VND. Thế nhưng trong 20.000 đồng đó, người nông dân chỉ nhận về 8.500 đồng cho 1 lít sữa của mình, trong khi chi phí để nông dân làm ra 1 lít sữa là 9.500 đồng.

Nếu như năm trước, thử thách dội nước đá lên đầu mới chỉ là sự thách đố nhằm lan truyền một chiến dịch từ thiện, thì năm nay, khi nước đá còn đắt hơn sữa tươi, chiến dịch mang tên "Hành động vì người nông dân" tại châu Âu đang cho thấy một thử thách hoàn toàn mới.

Câu nói mà nông dân châu Âu đang tự đặt ra là: Người nông dân biết phải làm sao khi mà giá thực phẩm đang lao dốc không phanh?. Giới chuyên gia nhận định, rất có thể cuộc khủng hoảng nông nghiệp sẽ được lan rộng ra trên toàn châu Âu. Tại sao nền nông nghiệp châu Âu lại lâm vào tình cảnh này?

Bãi bỏ hạn ngạch và các bảo trợ về giá

Nguyên nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng giá nông sản được cho là do chính sách nông nghiệp chung châu Âu. EU bãi bỏ các quy định về đảm bảo giá và thay thế chúng bằng hỗ trợ thu nhập. Các khoản hỗ trợ cho nông dân cũng quá tốn kém đã nuốt chửng gần một nửa ngân sách của Liên minh châu Âu. Quyết định này khiến các nhà sản xuất nông sản lớn ở châu Âu như Hà Lan, Đức, hay Đan Mạch phải đẩy mạnh sản xuất để có lợi nhuận. Chính điều này đã khiến nông dân Pháp, Bỉ cũng như một số nước Tây Âu bỗng chốc phải chịu sự cạnh tranh gay gắt, trở nên dễ bị tổn thương trước các va đập của thị trường.

Bất cập trong chính sách nông nghiệp

Nguyên nhân tiếp theo được cho là từ những chính sách nông nghiệp có nhiều bất cập của một số nước thành viên, Pháp là ví dụ điển hình. Chi phí lao động ở đây cao hơn so với các nước láng giềng, bởi quy mô chăn nuôi nhỏ, thu nhập bình quân của nông dân pháp chỉ tăng 6% trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2014, trong khi con số này là 34% tại các nước EU.

Một bất cập khác cũng được nông dân Pháp chỉ ra, đó là việc hệ thống siêu thị, các nhà phân phối và ngành công nghiệp chế biến bắt tay nhau hạ giá nông sản. Theo cơ quan thống kê giá cả và lợi nhuận của Pháp, trong năm 2014, các nhà sản xuất thịt bò và thịt lợn Pháp đã bị ảnh hưởng việc giá thu mua sụt giảm tới 8%, trong khi giá bán lẻ các sản phẩm đó trên thị trường lại tăng ít nhất 1%.

Hệ quả lệnh cấm vận của Nga đối với nông sản từ EU

Ngoài những lý do chủ quan, còn một yếu tố khách quan được cho là nguyên nhân chính dẫn tới việc giá nông sản toàn châu Âu bị suy giảm: Châu Âu đang chịu hậu quả của lệnh cấm vận mà Nga áp dụng từ 1 năm qua liên quan đến thực phẩm có nguồn gốc từ EU. Do không thể xuất khẩu các sản phẩm sang Nga, thị trường nông sản châu Âu đứng trước bài toán cung vượt cầu.

Xuất khẩu của thị trường nông sản thế giới ngưng trệ

Ngoài thị trường Nga, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, thời gian qua hoạt động xuất khẩu trên thị trường nông sản thế giới cũng bị ngừng đột ngột, trong khi thị trường sữa đã phải đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung, đặc biệt là nhu cầu về sữa bột tại thị trường Trung Quốc giảm mạnh do kinh tế suy giảm.

Những con số thiệt hại kinh tế ấn tượng

Trong cuộc họp đêm qua, các Bộ trưởng châu Âu đã thống nhất về gói cứu trợ cho người nông dân trị giá 500 triệu Euro, nhưng liệu như vậy có là đủ? - 500 triệu Euro chỉ là một nửa số nợ mà nông dân Pháp đang phải gánh chịu vì nông sản rớt giá. Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết, khoảng 10% trang trại ở đây đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản và 500 triệu Euro cũng chỉ bằng khoảng 1/10 số thiệt hại của nền nông nghiệp EU trong một năm do các lệnh cấm vận của Nga.

 

Cùng chuyên mục
XEM