'Cuộc đấu sinh tử' giữa 2 nhà sách online lớn nhất Việt Nam đến hồi kết?
NXB Trẻ làm trọng tài 'hòa giải'.
Cộng đồng mạng và giới phát hành ghi nhận thời điểm hai đơn vị bán sách qua mạng là Tiki và Vinabook bắt đầu cuộc đua giảm giá vào ngày 5-3, với quyển sách Chúc một ngày tốt lành của Nguyễn Nhật Ánh vừa ra mắt bạn đọc.
Theo đó, các mức giảm giá của Tiki liên tục “phá đáy”: 20% - 25% - 30% - 40%.
Điều này kéo theo sự giảm giá của Vinabook, bởi đơn vị này đang thực hiện một cam kết tự nguyện: là nơi bán sách qua mạng rẻ nhất Việt Nam, khách hàng nào mua sách mà phát hiện có nơi nào bán rẻ hơn, Vinabook sẽ bù đắp bằng cách hoàn trả khoản chênh lệch đó.
Lý giải cho điều này, ông Thái Sơn - giám đốc Tiki - cho biết chương trình giảm giá sâu của Tiki nằm trong kế hoạch “Tháng sinh nhật: 3-2014”. Nhưng phía Vinabook cho biết họ cũng có trách nhiệm giữ cam kết “bán rẻ nhất” với khách hàng nên bắt buộc phải giảm theo Tiki.
Mức giảm sâu nhất của hai mạng bán sách này đạt được trước khi dừng “cuộc đua” theo đề nghị chính thức của NXB Trẻ là 46%. “Đây là mức giảm giá khủng” - ông Nguyễn Minh Nhựt, giám đốc NXB Trẻ, nhận xét.
Theo thông lệ, NXB Trẻ chiết khấu bán buôn cho đại lý cấp 1 lâu nay không quá 35%, cộng với 10% ưu đãi trong chương trình “Tháng 3 sách Trẻ”, việc giảm giá quyển Chúc một ngày tốt lành như trên chắc chắn là cả Tiki lẫn Vinabook đều chịu lỗ.
“Lẽ ra chúng tôi không có ý kiến vì giảm giá sách là công việc riêng của nhà phát hành, chúng tôi chỉ làm việc với mỗi đơn vị theo hợp đồng” - ông Minh Nhựt nói về lý do NXB phải đứng ra “hòa giải” cuộc cạnh tranh của Tiki và Vinabook. Nhưng ông Nhựt cho biết khi phát hiện có đơn vị thứ ba cũng có ý định giảm giá theo hai mạng Tiki và Vinabook, phía NXB Trẻ đã nhận được nhiều lời phàn nàn từ phía các đại lý phát hành của NXB Trẻ.
“Nếu không giải quyết phàn nàn của các nhà phát hành khác trước sự giảm giá sâu của Tiki và Vinabook, có nguy cơ chúng tôi bị vỡ hệ thống phát hành mà NXB Trẻ dày công xây dựng bấy lâu”.
Tại cuộc gặp, ông Thái Sơn cho biết việc giảm giá cũng cần tính đến một mức đủ để cân bằng lợi ích của ba bên: nhà sản xuất, nhà phát hành và bạn đọc. Điều này cũng được ông Nguyễn Hoàng Minh - đại diện truyền thông của Vinabook - chia sẻ.
Cuộc đua không thể kéo dài
Mặc dù Tiki công bố trong đợt giảm giá vừa qua, đơn vị này đã bán ra 9.000 quyển sách Chúc một ngày tốt lành và Vinabook cũng “bán ra rất nhiều, dù chưa thống kê”, việc chịu lỗ để giảm giá như trường hợp Tiki và Vinabook vừa qua có thể xem là kiểu cạnh tranh kỳ quặc.
Một chuyên gia trong lĩnh vực luật cạnh tranh cho biết mục đích cạnh tranh của mỗi đơn vị là để giành khách hàng về mình. Nhưng ở các nước có những điều luật buộc mỗi đơn vị phải cạnh tranh bằng thành quả sáng tạo và nghệ thuật quản lý hiệu quả.
Từ đó, giá thành sản phẩm cũng như dịch vụ sẽ hạ chứ không ai bấm bụng chịu lỗ để hạ giá sản phẩm trong một phân khúc phát hành như vậy.
Về phía khách hàng, khi Tiki và Vinabook vào cuộc đua giảm giá, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ sự hào hứng trước cơ hội có thể mua được sách Chúc một ngày tốt lành với “giá rẻ bất ngờ”.
Cô giáo trẻ A.D. viết trên trang Facebook của mình: “Công nhận lần đầu tiên thấy giảm giá sách Nguyễn Nhật Ánh kinh hoàng, chớp thời cơ chuyển qua tậu sách giá rẻ giao tận nơi vậy”.
Nhưng từ phía nhà phát hành chuyên nghiệp, ông Phạm Minh Thuận - tổng giám đốc Fahasa - cho rằng đối với các đơn vị phát hành, cuộc đua giảm giá là không thể kéo dài.
Các đơn vị thương mại điện tử thường giảm giá nhiều để thu hút độc giả, nhưng với mức chiết khấu như vậy thì kinh doanh không có lãi và không hiệu quả.
Nếu kéo dài mức khuyến mãi sốc thì doanh nghiệp không thể tồn tại được. Trường hợp quyển sách Chúc một ngày tốt lành đang trong chương trình khuyến mãi của NXB Trẻ nên các đơn vị phát hành đều được hưởng chiết khấu đặc biệt trong tháng 3: NXB Trẻ bán hòa vốn cho các đơn vị phát hành.
Sau ngày 20-3 mức chiết khấu của NXB Trẻ trở lại bình thường nên nếu các công ty thương mại điện tử vẫn duy trì mức chiết khấu như vậy họ sẽ lỗ rất nhiều.
Mặt khác, nếu không duy trì được mức chiết khấu như vậy thì khách hàng sẽ không thoải mái. Đây là hệ quả lợi bất cập hại, việc khuyến mãi sốc sẽ làm ảnh hưởng trở lại đối với các công ty này vì đã tạo cho khách hàng tâm lý chờ khuyến mãi sốc mới mua hàng.
Cuối cùng, “cuộc đua giảm giá” cũng kết thúc, bạn đọc mua sách qua mạng trở lại với các mức giảm giá thông thường.
Tuy nhiên, sự “kết thúc” ở đây chỉ là nói riêng các sách của NXB Trẻ. Hiện tại Vinabook vẫn giữ cam kết bán với giá rẻ nhất của mình, và Tiki thì cho biết ngoài NXB Trẻ ra, hiện có khoảng 150 nhà cung cấp có sách được bán trên mạng Tiki với mức giảm hơn 30%. Điều này không loại trừ sẽ có một cuộc đua giảm giá khác bất ngờ được khởi động trong tương lai.
Để các bên cùng thoải mái Các đơn vị bán hàng lâu nay đều biết rằng những chương trình bán hàng khuyến mãi nào giảm giá đến 50% thì phải xin phép sở công thương sở tại, nhưng ông Minh Nhựt cho biết việc giảm giá vừa qua cũng khiến NXB Trẻ phải nghĩ đến việc điều chỉnh nội dung hợp đồng với các đại lý phát hành sách trong thời gian sắp tới, chủ yếu là thông tin cho nhau về chương trình giảm giá, bám sát thực tiễn và sao cho các bên được thoải mái. |
>> 'Cuộc đấu sinh tử' của 2 nhà sách online lớn nhất Việt Nam
Theo Lam Điền