Công chức muốn lập hội phải được cơ quan đồng ý?
Thẩm tra dự án Luật Về hội được trình Quốc hội chiều 12/11, Ủy ban Pháp luật cho rằng còn băn khoăn về nhiều nội dung, trong đó có quy định về công chức lập hội và tham gia hội.
Đề nghị làm rõ
Theo quy định tại dự thảo luật thì một trong các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội và quyền tham gia hội là trường hợp “cán bộ, công chức chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức”.
Ủy ban Pháp luật băn khoăn, theo Luật Cán bộ, công chức thì cán bộ, công chức là những người đang công tác trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.
Vậy, theo quy định của dự thảo luật thì cán bộ, công chức đang công tác trong các cơ quan này muốn lập hội, tham gia hội thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào?
Mặt khác, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ viên chức Nhà nước và cán bộ xã, phường, thị trấn có bị hạn chế quyền lập hội và quyền tham gia hội không?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến cho rằng, thực tế hiện nay có một số lượng không nhỏ cán bộ, công chức đang là thành viên của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp mà việc tham gia này là cần thiết và chính đáng. Vì vậy, ý kiến này đề nghị, đối với cán bộ, công chức đang công tác thì chỉ nên hạn chế việc đứng ra thành lập hội và tham gia ban lãnh đạo hội.
Liên quan đến quy định mang tính quản lý Nhà nước, cơ quan thẩm tra cho rằng cần phân biệt quyền hội họp và quyền lập hội.
Đối với hội không phải đăng ký (như hội đồng niên, đồng ngũ, đồng môn dòng họ...), Chính phủ đề nghị không áp dụng luật này vì các hội này không có điều lệ, hoạt động chỉ mang tính gặp gỡ, trao đổi thông tin, không có người đại diện của hội trước pháp luật.
Theo Chủ nhiệm Lý thì cần phân biệt quyền hội họp và quyền lập hội của công dân được quy định tại điều 25 của Hiến pháp. Những việc như gặp gỡ, trao đổi thông tin của những người đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, dòng họ… mà không có tổ chức chặt chẽ, thì đó chỉ là việc công dân giao lưu, hội họp, không phải là tổ chức hội mà luật này điều chỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều tổ chức đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về hội, tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc của hội, có người đứng đầu đại diện cho hội (nhưng không đăng ký hoặc không được đăng ký) thì không có tư cách pháp nhân và không chịu sự điều chỉnh của pháp luật hiện hành về hội.
Do đó, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc dự thảo luật không áp dụng đối với “hội do công dân Việt Nam tự nguyện thành lập nhằm mục đích gặp gỡ, giao lưu không phải đăng ký theo quy định của luật này” là vấn đề cần được cân nhắc.
Bởi vì, số lượng của loại hội này là rất lớn, mặt khác quy định của dự thảo luật chưa bao quát hết các loại hội không phải đăng ký, nhưng cũng được coi là hội và không được luật này điều chỉnh thì việc quản lý, xử lý vi phạm pháp luật đối với loại tổ chức này sẽ rất khó thực hiện.
Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về hội, Ủy ban Pháp luật cho rằng cần nghiên cứu để có sự điều chỉnh thích hợp đối với các loại hình tổ chức hội không phải đăng ký.
Người nước ngoài có được vào hội?
Vẫn liên quan đến vấn đề quản lý, nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra tán thành việc cho phép người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch đang sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội trong một số trường hợp cụ thể.
Việc này nhằm bảo đảm việc triển khai thực hiện công ước về quyền con người mà Nhà nước ta đã tham gia và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay, Chủ nhiệm Lý nêu quan điểm.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh vấn đề này cần được quy định ngay trong luật, mà không giao Chính phủ quy định.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề quan trọng cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ, phải làm rõ người nước ngoài được tham gia hội của công dân Việt Nam, hay chỉ tham gia hội của người nước ngoài được thành lập tại Việt Nam. hoặc hội được thành lập ở nước ngoài và được phép hoạt động tại Việt Nam?