Citigroup phá vỡ truyền thống, sử dụng không gian làm việc mở giống startup công nghệ

30/12/2015 08:31 AM | Kinh doanh

Citigroup đang cải tạo lại trụ sở chính tại New York của mình với hàng loạt những tiện nghi như phòng tập thể dục, nâng cấp máy pha cà phê cũng như thang máy. Tuy nhiên, nhân viên của hãng có thể sẽ cảm thấy “sốc” khi thấy văn phòng mới không có...tường ngăn.

Thật vậy, ngân hàng lớn thứ 3 nước Mỹ này đang có kế hoạch bố trí không gian làm việc mở, một kiểu thiết kế thường được các startup công nghệ sử dụng hơn là ngành ngân hàng.

Thậm chí, văn phòng làm việc của CEO Micheal Corbat cũng sẽ không có tường ngăn và hầu hết các nhân viên ngân hàng sẽ không có bàn làm việc riêng như truyền thống.

Citigroup cho biết thiết kế này sẽ tăng tính tương tác giữa các nhân viên và tiết kiệm chi phí khi nhiều nhân viên có thể làm việc hơn trong cùng một khoảng không gian.

Trước đó, văn phòng cũ của Citigroup được thiết kế theo phong cách cổ điển của ngành ngân hàng với sàn gỗ tối màu, tường được bọc bằng nỉ đỏ và hàng loạt những kệ sách dày liên quan đến luật ngành tài chính.

Việc bố trí lại trụ sở chính của Citigroup là nhằm tối giản không gian làm việc cũng như thể hiện sự bình đẳng giữa các nhân viên. Tuy nhiên, do không trụ sở mới không thiết kế bàn làm việc riêng nên các nhân viên phải tự bảo quản đồ đạc cá nhân.

Văn phòng mới có nhiều cửa sổ tạo cảm giác thoải mái, nhưng hầu như không có không gian riêng cho mọi nhân viên.


CEO Micheal Corbat và trụ sơ mới của Citigroup

CEO Micheal Corbat và trụ sơ mới của Citigroup

CEO Corbat ủng hộ thiết kế mới này dù biết rằng nhiều nhân viên ngân hàng có thể sẽ chưa quen. Chắc chắn sẽ có người không muốn sự thay đổi này khi họ đã quen với phong cách làm việc cũ. Tuy vậy, thiết kế này là nhằm hướng tới lợi ích chung của toàn công ty nên ông Corbat chấp nhận thử thách này.

Hiện các chuyên gia nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được liệu một văn phòng mở như trên có tăng cường sự tương tác giữa các nhân viên hay chỉ khiến họ mất tập trung.

Mặc dù vậy, ông Corbat dẫn chứng tỷ phú Micheal Bloomberg, nhà sáng lập hãng tin Bloomberg cũng luôn làm việc trong không gian mở, kể cả khi ông đắc cử thị trưởng thành phố New York.


Tỷ phú Micheal Bloomberg tại văn phòng thị trưởng New York

Tỷ phú Micheal Bloomberg tại văn phòng thị trưởng New York

Việc xây dựng không gian mở cũng đồng nghĩa hạn chế sự khác biệt trong hệ thống phân cấp, vốn là một yếu tố truyền thống thường được các ngân hàng xây dựng nhằm khích lệ nhân viên.

Trước đó, văn phòng của các CEO thường được đặt trên đỉnh của tòa nhà với nhiều tiện nghi cũng như thiết kế sang trọng. Văn phòng của các quản lý ngân hàng cũng được thiết kế rộng rãi, thoải mái hơn so với nhân viên nhằm thể hiện sự phân cấp.

Giám đốc Corbat cho biết ông muốn khuyến khích sự giao tiếp giữa các nhân viên nhằm trao đổi ý tưởng cũng như hoạt động kinh doanh của công ty.

“Bạn sẽ bị buộc phải nói chuyện với mọi người”, ông Corbat nói.

Văn phòng mới của ông Corbat chỉ rộng khoảng 30 m2 và cũng không có tường ngăn hay cửa. Chúng chỉ được bao bởi một lớp kính cao khoảng 2 mét. Những quản lý khác của công ty cũng chỉ có văn phòng rộng khoảng 16 m2 với thiết kế tương tự.

Khi quyết định chọn thiết kế này, CEO Corbat đã tuyên bố bất cứ ai có nghi vấn gì có thể gặp và nói chuyện trực tiếp với ông. Tuy nhiên, hầu hết nhân viên cho rằng đây là một câu nói tu từ. Rõ ràng, giám đốc điều hành mới của Citigroup quyết tâm muốn thay đổi phong cách làm việc của ngân hàng này và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Mặc dù vậy, giám đốc mảng ngân hàng đầu tư, ông Ray McGuire đã thực sự lên nói chuyện với CEO Corbat về điều này. Ông McGuire lo lắng rằng thiết kế mới sẽ khiến nhân viên không thoải mái và làm việc kém hiệu quả hơn.

“Khi bạn hoạt động trong một ngành kinh tế không ưa thích sự thay đổi và thành công quản lý một nhóm người, việc áp dụng những ý tưởng mới là điều rất khó khăn”, ông McGuire nói.

Dẫu vậy, Giám đốc Corbat đã thành công thuyết phục ông McGuire với quan điểm thiết kế văn phòng mới sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các nhân viên và thu hút các tài năng trẻ vào công ty, qua đó khiến việc phục vụ khách hàng trở nên hiệu quả hơn.


Trụ sở mới của Citigroup sẽ khá giống nhiều công ty công nghệ

Trụ sở mới của Citigroup sẽ khá giống nhiều công ty công nghệ

“Đằng nào thì nhiều nhân viên cũng thường xuyên ra ngoài gặp khách hàng hơn là ở văn phòng”, ông McGuire nói.

Những công ty tài chính khác cũng đang thiết kế lại trụ sở của mình theo phóng cách hiện đại hơn, nhưng phần lớn vẫn giữ không gian riêng cho hầu hết các quản lý cấp cao của mình chứ không loại bỏ hoàn toàn như Citigroup. Trước đó, tập đoàn Citi đã tham khảo văn phòng của đối thủ Goldman Sachs và công ty Facebook.

Hiện chỉ có 3 tầng trên cùng của trụ sở Citigroup đang được xây lại nhằm chuẩn bị cho các quản lý cấp cao nhất chuyển vào trong tháng tới. Việc thay đổi không gian mở cho những tầng dưới sẽ được thực hiện dần trong 4 năm tiếp theo. Sau khi hoàn thành, trụ sở mới của Citigroup sẽ đủ chỗ cho 12.500 nhân viên, cao hơn mức cũ 9.000 người.

Công ty hiện cho biết họ sẽ xem xét cẩn thận ảnh hưởng của những thiết kế mới này đối với nhân viên. Những thiết bị “hút âm” nhằm hạn chế sự lan truyền âm thanh từ các cuộc nói chuyện đến môi trường xung quanh sẽ được gắn vào tường hay trần nhà, giúp nhân viên đỡ mất tập trung. Những can phòng nhỏ cũng sẽ được thiết kế cho các cuộc họp hay làm việc nhóm. Một số khu vực sẽ được bố trí kính mờ nhằm tạo cảm giác riêng tư.

Ông Don Callahan, người giám sát việc thiết kế lại văn phòng của Citigroup cho biết những phòng giao dịch tại ngân hàng với không gian mở có hiệu suất làm việc rất cao và nếu thiết kế này được áp dụng cho các tầng khác, hiệu suất làm việc của công ty có thể sã được cải tiến.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM