99,6% nợ xấu ngân hàng đã được xử lý thế nào?

25/12/2015 10:24 AM |

Tính đến 30/11/2015, khoảng 99,6% nợ xấu của các tổ chức tín dụng (ước tính tại thời điểm cuối tháng 9-2012) đã được xử lý. Vậy các khoản nợ xấu tại Việt Nam thực tế được xử lý thế nào?

Thông tin tại buổi họp báo về hoạt động ngân hàng năm 2015 và nhiệm vụ năm 2016 ngày 24/12 đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Tính đến 30-11-2015, khoảng 99,6% nợ xấu của các tổ chức tín dung (ước tính tại thời điểm cuối tháng 9-2012) đã được xử lý. Đến 30-11-2015, nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72%, hoàn thành mục tiêu đề ra 3%.

Đây là một con số rất đẹp. Vậy nợ xấu đã được xử lý thế nào?

“Hệ thống các ngân hàng tự quản lý 55% tổng nợ xấu trong 3 năm vừa qua, số nợ xấu bán cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) chiếm 45% tổng nợ xấu”, TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV – chia sẻ tại một hội thảo ngân hàng gần đây.

Xử lý nợ xấu của Việt Nam là dẹp cho quang đường

Liên quan đến việc xử lý nợ xấu, ông Lực cho rằng chúng ta đã rất cố gắng và quyết liệt. Năm 2012, nợ xấu toàn hệ thống là 17,21%, tương đương 465 ngàn tỷ đồng.

“Trong 3 năm vừa qua, về cơ bản chúng ta đã đưa tỷ lệ này về được dưới 3%, tất nhiên chưa triệt để”, ông Lực nói.

“Câu chuyện xử lý nợ xấu của chúng ta giống như xử lý khi tai nạn giao thông: Phải dẹp bớt các xe cộ để quang đường trước đã. Phải gom nợ xấu vào một chỗ, để hai bên thông thoáng và cho nhau vay tiếp”.

Bên cạnh con số nợ xấu, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Đến ngày 21-12-2015, tín dụng tăng 17,17% so với đầu năm, cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011-2014. Ước cả năm 2015, tín dụng có thể đạt khoảng 18%.

Dòng vốn tín dụng tiếp tục được phân bổ hợp lý, hướng tới các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Đặc biệt, hiện thanh khoản VND của các hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục đảm bảo và có dư thừa, sẵn sàng đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, thị trường tiền tệ ổn định.

Do vậy, nhằm hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục giảm khoảng 0,2-0,5%/năm, giảm khoảng 50% so với thời điểm cuối năm 2011

Đồng thời, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực xuống mức khoảng 6,5-6,6%/năm; tiếp tục yêu cầu các TCTD rà soát giảm lãi suất cho vay của các khoản vay cũ về mức lãi suất cho vay hiện hành.

Về tỷ giá và thị trường ngoại tệ, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, tình trạng “đô la hoá” tiếp tục giảm, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Trong năm 2015, NHNN đã linh hoạt điều chỉnh tăng 3% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá từ ±1% lên ±3% nhằm ứng phó kịp thời với các tác động bất lợi từ thị trường tài chính quốc tế.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM