Chiến lược thâu tóm của 'vua cá' Dương Ngọc Minh (Phần 1)

17/03/2014 09:57 AM | Kinh doanh

Hùng Vương là một trong số ít các doanh nghiệp xuất khẩu doanh thu hàng trăm triệu đô của Việt Nam có chuỗi kinh doanh khép kín khá hoàn chỉnh.

Nội dung nổi bật:

- Hùng Vương là một trong số ít các doanh nghiệp xuất khẩu doanh thu hàng trăm triệu đô của Việt Nam có chuỗi kinh doanh khép kín khá hoàn chỉnh. Đây là kết quả của chiến lược phát triển thông qua thâu tóm của vua cá Dương Ngọc Minh. 

- Nếu như năm đầu tiên thành lập, 2003, doanh số của Hùng Vương chỉ đạt vỏn vẹn 8 tỉ đồng, thì đến 2012 doanh thu đạt 8.000 tỉ đồng, gấp 1.000 lần. Một mũi tên trúng hai đích, chiến lược thâu tóm không chỉ giúp Hùng Vương tăng trưởng nhanh mà còn là những mảng ghép chiến lược hoàn hảo cho con đường phát triển bền vững của doanh nghiệp này.

- Cuối năm 2013 Hùng Vương thông báo tổ chức Đại hội Cổ đông bất thường để thông qua kế hoạch huy động vốn bằng cách phát hành thêm 30 triệu cổ phiếu, trong đó có 20 triệu bán cho 2 đối tác chiến lược Singapore. Việc ông chọn đối tác là tổ chức tài chính Singapore không phải do Hùng Vương thiếu tiền mà vì họ có quan hệ tốt với một tập đoàn siêu thị nắm thị phần lớn ở Indonesia. Đây được kỳ vọng là mảnh ghép hoàn hảo bởi Hùng Vương vẫn còn thiếu khâu thương mại và phân phối chính để đưa sản phẩm ra thị trường nhanh chóng.


Với hơn 5 cuộc thâu tóm trong vòng 5 năm, ông chủ của Thủy sản Hùng Vương Dương Ngọc Minh đang đứng vào hàng ngũ hiếm hoi những nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt thực hiện chiến lược tăng trưởng bằng M&A một cách lão luyện.

Cuối tháng 12.2013 các nhà đầu tư khá bất ngờ khi Công ty Cổ phần Hùng Vương thông báo tổ chức Đại hội Cổ đông bất thường để thông qua kế hoạch huy động vốn bằng cách phát hành thêm 30 triệu cổ phiếu, trong đó có 20 triệu bán cho 2 đối tác chiến lược Singapore. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 300 tỉ đồng. Bất ngờ ở chỗ Hùng Vương lúc đó không thiếu tiền.

Mảnh ghép hoàn hảo 

Trong cuộc trò chuyện bên lề buổi Đại hội, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Dương Ngọc Minh mới tiết lộ nhiều điều quan trọng. Theo ông Minh, việc ông chọn đối tác là tổ chức tài chính Singapore vì họ có quan hệ tốt với một tập đoàn siêu thị nắm thị phần lớn ở Indonesia. Thông qua việc hợp tác với tập đoàn siêu thị, sản phẩm của Hùng Vương sẽ có mặt ở thị trường tiêu dùng có hơn 240 triệu dân này.

Một tham vọng khác cũng được hé lộ. Ông chủ của Hùng Vương cho biết sẽ hợp tác đưa hàng vào khoảng 50 chợ tại Mỹ, thông qua con đường hợp tác và mua từ 30-51% cổ phần tại các chợ này. Theo ông Minh, doanh thu hằng năm của các chợ nói trên vào khoảng 700 triệu USD cho các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam như nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, như gạo, bún, miến, phở, sữa, cà phê, gia vị…

Rõ ràng, mục đích của ông Minh không chỉ là huy động vốn. Các cổ đông mới được ông Minh kỳ vọng sẽ mang lại mảnh ghép hoàn hảo cho Hùng Vương. Ông trùm ngành chế biến thủy sản này vẫn còn thiếu khâu thương mại và phân phối chính để đưa sản phẩm ra thị trường nhanh chóng.

Mô hình sở hữu tập đoàn Hùng Vương
Mô hình sở hữu tập đoàn Hùng Vương

Hùng Vương là một trong số ít các doanh nghiệp xuất khẩu doanh thu hàng trăm triệu đô của Việt Nam có chuỗi kinh doanh khép kín khá hoàn chỉnh. 8 nhà máy chế biến của Hùng Vương và Agifish có công suất chế biến hàng trăm ngàn tấn cá mỗi năm. Nguồn cá được lấy từ 350 ha diện tích vùng nuôi mà họ đang sở hữu, giúp công ty này chủ động được 70% nguyên liệu. Trong khi đó, với công suất 1 triệu tấn thức ăn gia súc/năm, Việt Thắng cộng với Hùng Vương Tây Nam và Hùng Vương Vĩnh Long hoàn toàn đảm bảo nguồn thức ăn cho cá và tôm.

Hệ thống khép kín bao gồm thức ăn - con giống - nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu này đã tạo ra lợi thế cạnh tranh có thể nói là vô song cho Hùng Vương, khi có thể kiểm soát được toàn bộ chuỗi giá trị. Tuy nhiên, thứ mà Hùng Vương không thể kiểm soát được là thị trường.

Dù có những thị trường truyền thống khá ổn định nhưng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đầu ra là thứ khó kiểm soát nhất. Nó không chỉ phụ thuộc vào chính sách của nước nhập khẩu mà còn vào các nhà phân phối. 

Rủi ro tại thị trường Mỹ là một ví dụ. Theo Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, sản lượng và giá trị cá tra xuất khẩu sang Mỹ đang đóng góp lần lượt 14% và 19% vào tổng doanh số của Hùng Vương. 

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đang điều tra áp thuế chống bán phá giá cho cá tra của Hùng Vương (bao gồm cả Agifish) với mức 2,15 USD/kg. Kết quả sẽ được công bố vào cuối tháng 3 này. Và nếu bị kết luận phải áp thuế thì để giữ thị phần, Hùng Vương có thể phải chấp nhận đánh đổi lợi nhuận của mình giữ giá cho nhà phân phối, hoặc là tìm một thị trường khác thay thế.

Đường tắt M&A

Dương Ngọc Minh bước chân vào lĩnh vực cá tra một cách khá tình ngờ. Ông kể rằng, năm 2003, Tiền Giang mở Khu Công nghiệp Mỹ Tho và kêu gọi đấu giá xây nhà máy. Ông quyết định xây nhà máy đông lạnh để chế biến cá ngừ, vốn là mặt hàng xuất khẩu rất được ưa chuộng trong những năm đó. Nhưng khi nhà máy xây xong thì cá ngừ bị thất mùa, nhà máy đói nguyên liệu. Ông bỏ cá ngừ, chuyển sang chế biến cá tra xuất khẩu. Đây là thời điểm mà ngành cá tra bắt đầu phát triển nóng ở Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp như Nam Việt, Vietfish, Agifish hay Bianfishco đã phất lên nhờ con cá tra.

Doanh thu và lợi nhuận của Hùng Vương
Doanh thu và lợi nhuận của Hùng Vương

Riêng Hùng Vương phải đến năm 2008 mới bắt đầu nổi lên như một ông lớn trong ngành cá, khi ông Minh bắt đầu chiến lược khai phá những thị trường mới, đặc biệt là Đông Âu và Nga. Nổi bật trong số đó là bản hợp đồng lớn và dài hạn cung cấp cá cho quân đội Ukraine. Năm 2009 Nga mở cửa thị trường cho thủy sản Việt Nam thì ngay trong năm đó Hùng Vương đã dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này.

Tuy nhiên, cột mốc quan trọng nhất quyết định sự tăng trưởng ấn tượng của Hùng Vương là khi ông chủ của nó quyết định dùng chiến lược thâu tóm.

Nếu như năm đầu tiên thành lập, 2003, doanh số của Hùng Vương chỉ đạt vỏn vẹn 8 tỉ đồng, thì đến 2012 họ đã xác lập kỷ lục doanh thu 8.000 tỉ đồng, gấp 1.000 lần. Một mũi tên trúng hai đích, chiến lược thâu tóm không chỉ giúp Hùng Vương tăng trưởng nhanh mà còn là những mảng ghép chiến lược hoàn hảo cho con đường phát triển bền vững của doanh nghiệp này.

Cuối năm 2008, Hùng Vương trở thành cổ đông lớn của Agifish khi nắm giữ 19,03% vốn. Đến năm 2010, công ty này nâng tỉ lệ sở hữu lên trên 51% và chính thức nắm quyền điều hành Agifish. Với 200 tỉ đồng mua cổ phiếu, Hùng Vương trở thành công ty mẹ của một doanh nghiệp với hơn 3.500 công nhân có tay nghề. “Nếu đầu tư từ đầu cũng mất 2 năm, chưa tính tới chi phí xây dựng thương hiệu, mạng lưới thị trường”, ông Minh tính toán.

Năm 2008 cũng là thời điểm Hùng Vương bắt đầu mua cổ phần Nhà máy Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng và đến đầu năm 2013 thì đạt tỉ lệ sở hữu 55,31%. Nếu mua Agifish giúp rút ngắn thời gian đầu tư thì việc mua lại thức ăn chăn nuôi Việt Thắng có vai trò chiến lược quan trọng đối với Hùng Vương.

“Việc nắm trong tay công ty chế biến thức ăn chăn nuôi sẽ giúp Hùng Vương chứng minh được nguồn gốc và bảo đảm dư lượng kháng sinh đúng tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Minh nói.

Nhà máy chế biến thủy sản của Hùng Vương
Nhà máy chế biến thủy sản của Hùng Vương

Đây là chuyện đau đầu của ngành thủy sản khi Việt Nam nằm trong top 3 nước đứng đầu về số lượng sản phẩm bị từ chối nhập khẩu tại 3 thị trường lớn nhất thế giới là châu Âu, Mỹ và Nhật. Gần đây đến lượt Hàn Quốc và Mexico cũng đã thông báo ngừng nhập khẩu tôm sú và tôm thẻ Việt Nam do dư lượng Ethoxyquin - một chất bảo quản giá rẻ được sử dụng phổ biến trong thức ăn chăn nuôi thủy sản ở Việt Nam - quá cao.

Chưa dừng lại ở đó, giữa năm 2011, ông Minh lại bỏ ra 37 tỉ đồng, chấp nhận trả gấp đôi giá thị trường để mua 2,8 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Lâm Thủy sản Bến Tre. “Rất khó để Hùng Vương đi kiếm vùng nuôi cỡ 20 ha vào thời điểm hiện nay. Đây là một mức giá hợp lý để sở hữu một công ty có 800 ha mặt nước nuôi trồng, tương đương khoảng hơn 1.000 ha đất”, ông Minh phân tích.

“Họ đã có sẵn cơ sở vật chất và con người. Vấn đề là thay đổi cách nhìn và cách làm thôi”, ông lý giải cho chiến lược tăng trưởng bằng M&A của mình. Theo ông, các công ty mà Hùng Vương tham gia đều có nền tảng của một doanh nghiệp tốt, có cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh xuất khẩu. Điểm yếu là cách quản trị doanh nghiệp dẫn đến hiệu quả làm ăn thấp. Chỉ cần kết hợp với kinh nghiệm quản lý của Hùng Vương là có thể hoàn thiện.

Thực tế, khi mua lại doanh nghiệp nào ông Minh cũng đều có lý do hợp lý và thuyết phục được cổ đông. Nhiều người trong ngành nhận xét ông là người rất giỏi về chuyên môn và kinh doanh. Tuy nhiên, giới tài chính cũng chia sẻ với nhau câu chuyện rằng ông Minh làm được điều này còn nhờ một cộng sự đắc lực về mặt tài chính, đó chính là SSI.

SSI là công ty chứng khoán bảo lãnh cho Hùng Vương phát hành lần đầu gần 60 triệu cổ phiếu vào cuối tháng 11.2009, đồng thời trở thành cổ đông và tham gia vào Hội đồng Quản trị của Hùng Vương từ đó đến nay.

>> Chiến lược thâu tóm của 'vua cá' Dương Ngọc Minh (Phần 2)

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM