BlackBerry chi hơn 100 triệu USD mua công ty bảo mật
Nhằm tăng cường sức mạnh phần mềm, BlackBerry sẽ mua WatchDox, công ty chuyên về bảo mật với giá từ 100 đến 150 triệu USD.
Hãng điện thoại Canada muốn bù đắp những yếu kém trong mảng phần cứng bằng cách tập trung nhiều hơn cho phần mềm. Công ty đang thực hiện những bước tiến quan trọng theo định hướng này, đặc biệt liên quan đến bảo mật và DRM.
Theo báo cáo ban đầu từ Israel và vừa được BlackBerry xác nhận, hãng đang tiến hành mua WatchDox, startup phát triển công nghệ đa nền tảng để quản lý bản quyền kỹ thuật số và cho phép các doanh nghiệp chia sẻ file bảo mật hơn. Thông tin cho thấy BlackBerry sẽ chi từ 100 đến 150 triệu USD cho thương vụ và cũng tận dụng nhóm 100 người của WatchDox tại Israel để xây dựng cơ sở R&D tại đây.
BlackBerry không tiết lộ điều khoản giao dịch. Kế hoạch là tích hợp công nghệ của WatchDox như dịch vụ giá trị gia tăng cho dịch vụ Enterprise Mobility Management (EMM) của công ty. Nó sẽ xuất hiện trong BES12.
Trong một thông báo, Tổng Giám đốc John Chen cho biết BlackBerry tiếp tục mở rộng tiềm năng của bảo mật dữ liệu để tăng tính cộng tác, chia sẻ thay vì tạo ra các hạn chế. Thương vụ đại diện cho một bước tiến quan trọng khi BlackBerry đang chuyển dịch thành nền tảng liên lạc di động cao cấp hơn, hỗ trợ mọi nền tảng và thiết bị. Cùng với việc mua lại Secusmart năm 2014, bắt tay với Samsung, nỗ lực phát triển nội bộ và lần này là WatchDox, BlackBerry có đủ khả năng bảo mật từ gọi thoại, tin nhắn, dữ liệu cho đến đồng bộ, chia sẻ tập tin doanh nghiệp.
WatchDox được thành lập năm 2008 với tên gốc là Confidela. Confidela tung ra WatchDox năm 2009 trước khi đổi tên theo sản phẩm chính. Công ty có trụ sở tại Palo Alto và thu hút gần 36 triệu USD đầu tư. Trong quá khứ, Chủ tịch WatchDox là nhà đồng sáng lập Trusteer, một hãng bảo mật khác được IBM mua lại năm 2013.
Sự phát triển của WatchDox đến trong bối cảnh lo ngại về rủi ro bảo mật của doanh nghiệp lẫn cá nhân ngày một tăng. Khi thiết bị di động được dùng trong công việc và chia sẻ tài liệu nhiều hơn, các dịch vụ đám mây để lưu trữ cũng bùng nổ, đồng thời mở ra cánh cửa cho việc xâm phạm dữ liệu.
Các tổ chức chuyên rò rỉ tài liệu như WikiLeaks được xem là “người hùng” của cư dân mạng song lại bị các doanh nghiệp xem như mối đe dọa lớn, buộc họ phải chú ý đến các biện pháp an ninh tốt hơn cả bên trong lẫn bên ngoài.
WatchDox cho phép một doanh nghiệp chia sẻ tài liệu an toàn giữa các nhân viên và cá nhân được phê duyệt. Khi tài liệu này lọt ra ngoài vòng tin cậy, chẳng hạn được gửi cho người khác bên ngoài, công cụ bảo mật sẽ đi theo chúng. Như vậy, một video clip hay hợp đồng nhạy cảm không thể bị tải về và đăng tràn lan trên mạng. Hiện, sản phẩm DRM của WatchDox không tập trung vào phân phối các file tập trung mà nhằm bảo vệ những nội dung nhạy cảm để nó không bị rò rỉ hay lạm dụng.
Vụ thâu tóm sẽ giúp BlackBerry đi trước một bước trong lĩnh vực an ninh doanh nghiệp. WatchDox đang hợp tác với nhiều tổ chức khác nhau như năng lượng, tài chính, chính phủ, chăm sóc y tế, công nghệ và có hơn 150 doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500 là khách hàng. Về phía BlackBerry, sở hữu công nghệ riêng sẽ giúp phân biệt sản phẩm bảo mật của hãng với các đối tác như Samsung.
Quý trước, BlackBerry ghi nhận lợi nhuận 28 triệu USD nhưng phần lớn là nhờ vào cắt giảm chi phí chứ không phải tăng trưởng kinh doanh. Doanh thu đạt 660 triệu USD, giảm từ 976 triệu USD của một năm trước đó. Dù vẫn cam kết gắn bó với phần cứng, BlackBerry đang đặt cược nhiều hơn vào phần mềm bất chấp doanh số không quá cao. Cho đến thời điểm hiện tại, công ty Canada đã thực hiện 25 vụ thâu tóm, nổi bật là mua lại Certicom (có khách hàng là Cơ quan An ninh Mỹ) và Secusmart.
>> BlackBerry hồi sinh thần kỳ: Cái tài của CEO John Chen
Theo Du Lam