Bí ẩn đằng sau những khoản "đi đêm" của Google
Hãy thử tìm kiếm trên Internet dòng chữ "Google lobbying"...
Mới đây, Google đã "ủng hộ" ứng cử viên Đảng Dân chủ, Jerry Brown 26.000 USD cho chiến dịch cuối cùng của ông trong cuộc đua tới chiếc ghế thống đốc bang California. Và Google cũng "gửi" 10.000 USD tới ứng viên Đảng Cộng hòa, Marco Rubio để ủng hộ cho chiến dịch tranh cử chiếc ghế Thượng viện Mỹ vào năm 2016.
Google bây giờ được mệnh danh là "kẻ tiêu tiền" lớn không chỉ ở Washington, mà còn tại thủ phủ của khắp các tiểu bang trên toàn nước Mỹ. Kể từ khi Tổng thống Obama nhậm chức, Google đã tiêu tốn 60 triệu USD cho các cuộc vận động hành lang ở riêng Washington.
Nhưng đây là thứ bạn sẽ không thể tìm thấy ngay cả với công tìm kiếm tốt nhất của Google:
Số tiền mà "gã khổng lồ công nghệ" đã chi cho các tổ chức thương mại và các nhóm "bên thứ ba" là bao nhiêu?
Một số cổ đông của Google cho rằng đây là thời điểm mà Google cần phải nói lên sự thật. Họ yêu cầu công ty phải công khai toàn bộ các khoản "đi đêm" trước đó.
"Yêu cầu của chúng tôi là hết sức bình thường. Rất nhiều công ty từng làm như vậy", Tim Smith - đại diện công ty quản lý tài sản Walden nói. Công ty trị giá 3 tỷ USD này hiện đang là một trong số những cổ đông của Google.
Walden đã thảo một nghị quyết, theo đó đề nghị Google phải hé lộ hoàn toàn về toàn bộ chi phí "đi đêm" và mục đích sử dụng của những khoản tiền đó. Một cuộc biểu quyết dự kiến sẽ được thực hiện tại Đại hội cổ đông thường niên của Google được diễn ra trong hôm nay.
Trên website của mình, Google liệt kê 43 hiệp hội thương mại mà công ty này tham gia, trong đó có Ad Council và National Cyber Security Alliance, mặc dù vậy Google nói rằng đây chỉ là "danh sách tượng trưng" và không tiết lộ số tiền đã quyên góp cho những tổ chức này.
Google cũng có những liên kết ràng buộc với hơn 100 nhóm "bên thứ ba" như AARP, Heritage Foundation và iKeepSafe, nhưng họ nói rằng mối liên quan này chỉ đơn thuần là "liên kết hỗ trợ".
Trung tâm của cuộc tranh cãi là về mối liên quan giữa Google và Phòng thương mại Hoa Kỳ.
Mối quan hệ này thực sự có vấn đề? Smith thấy một nghi vấn lớn trong các tuyên bố của Google về việc cam kết "bảo vệ môi trường", trong khi thực tế công ty này vẫn tài trợ cho Phòng thương mại Hoa Kỳ. Cụ thể Google đã bỏ ra hơn 1 tỷ USD cho các cuộc vận động hành lang từ năm 1998, bao gồm các chiến dịch nhằm ngăn chặn Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Tổng thống Obama trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Các công ty khác, chẳng hạn như Nike và Apple, đã thể hiện quan điểm rất công khai khi bày tỏ sự phản đối với Phòng thương mại Hoa Kỳ. Apple thậm chí còn rút lui khỏi tư cách thành viên.
Trước các cáo buộc này, Google đã lên tiếng phản đối đề nghị mới nhất từ Walden Asset Management, họ cho rằng điều này là "không thực tế và rất phiền toái" nếu tiết lộ quá chi tiết về các khoản tiền vận động hành lang của công ty.
Dự kiến, nghị quyết của nhóm cổ đông này gần như sẽ không được thông qua, bởi nhóm lãnh đạo của Google hiện đang sở hữu một lượng lớn cổ phiếu và nắm trong tay toàn quyền phủ quyết.