Bảo hộ mía đường trong nước, ngành bánh kẹo thua thiệt kép
Doanh nghiệp bánh kẹo vừa phải mua đường giá cao mà vẫn phải bán sản phẩm cạnh tranh với các doanh nghiệp Thái Lan, Malaysia sử dụng đường kính với giá thấp hơn.
Ông Trần Hồng Thanh - Tổng giám đốc CTCP Bánh kẹo Hải Hà (mã HHC) chia sẻ về ảnh hưởng của chính sách bảo hộ ngành mía đường đối với các doanh nghiệp khác trong thời gian qua.
Thưa ông, hiện phần vốn sở hữu của nhà nước tại Haihaco còn rất lớn (51%). Điều này có ảnh hưởng gì tới tình hình sản xuất kinh doanh của công ty?
Trên thực tế thì vấn đề nào cũng có 2 mặt. Nếu Nhà nước giữ không bán phần sở hữu vốn tại công ty thì Công ty sẽ có định hướng phát triển là đơn vị thành viên của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, thực hiện theo đề án tái cơ cấu của Tổng công ty đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo Luật Doanh nghiệp mới năm 2014 thì công ty cổ phần không được coi là doanh nghiệp nhà nước, điều này cũng cởi mở hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế.
Nếu nhà nước không giữ vốn thì sẽ có nhiều cổ đông ngoài vào với nhiều mục tiêu khác nhau. Nếu để góp thêm nguồn lực nhằm quản trị và phát triển công ty thì rất tốt. Nhưng cũng có thể tạo nên sự bất ổn trong doanh nghiệp nếu nhà đầu tư mới không tham gia vì hoạt động sản xuất kinh doanh mà vì một số lợi thế từ mặt bằng của doanh nghiệp, hoặc vì mục đích khác.
Tuy nhiên, nếu nhà nước nắm phần vốn quá lớn thì quyền quyết định phụ thuộc vào người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty. Hiện tại trong đề án tái cơ cấu Tổng công ty thuốc lá Việt Nam thì không có chủ trương bán bớt vốn nhà nước khỏi Haihaco.
Việc bảo hộ ngành mía đường đã làm chi phí sản xuất kinh doanh của Haihaco “đội” lên thế nào, thưa ông?
Hiện nay giá đường của thế giới cũng như giá đường Việt Nam thường xuyên thay đổi, báo cáo của công ty cũng có đề cập đến chênh lệch giữa giá đường thế giới và Việt Nam tùy từng thời điểm khoảng từ 1.000 đồng - 4.000 đồng/kg. Lượng đường Haihaco tiêu thụ 1 năm khoảng 7.000 tấn đường, nên chi phí đầu vào cũng chênh lệch rất lớn.
Xung quanh chính sách bảo hộ này thật ra đã có rất nhiều nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có ý kiến. Chính sách này bảo hộ cho ngành mía đường nhưng thật ra người nông dân trồng mía trong vòng 15-20 năm bảo hộ cũng không thể giàu lên được bởi tập quán canh tác lạc hậu, ít được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cũng như chế biến năng suất thấp.
Chính sách này chỉ khiến các nhà máy đường thu lợi bởi vẫn thu mua mía với giá thấp và không phải chịu sức ép cạnh tranh giá đường kính với các nước trong khu vực. Thuận lợi này dồn lên một số doanh nghiệp ngành mía đường, còn đối với người tiêu dùng và các doanh nghiệp sử dụng đường để chế biến sẽ chịu thiệt hại.
Nếu nhà nước vẫn tiếp tục giữ chính sách này thì về lâu dài người dân Việt Nam sẽ phải sử dụng đường kính với giá cao hơn giá thị trường khu vực, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm sẽ thiếu sức cạnh tranh.
Thuế suất nhập khẩu bánh kẹo về 0% thì ngành bánh kẹo sẽ chịu thiệt hại vì cạnh tranh không sòng phẳng bởi doanh nghiệp nội vừa phải mua đường giá cao mà vẫn phải bán sản phẩm cạnh tranh với các doanh nghiệp Thái Lan, Malaysia sử dụng đường kính với giá thấp hơn.
Chính sách này chỉ bảo vệ được ngành mía đường trong vài ba năm tới nhưng lại làm thiệt hại đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp ngành mía đường cũng sẽ ỷ lại vào việc bảo hộ này mà không có động lực để thay đổi tập quán canh tác, giảm chi phí và đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật để hạ giá thành.
Theo quy định của AFTA thì đến 2018 sẽ ngừng cấp hạn ngạch nhập khẩu đường kính, nhưng chính sách này còn bao nhiêu năm thì doanh nghiệp ngành thực phẩm chế biến có sử dụng đường kính còn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh chừng đấy năm.
Nếu giá đường kính Việt Nam ngang bằng với giá đường quốc tế thì khả năng cạnh tranh với bánh kẹo nhập khẩu và tăng trưởng hàng xuất khẩu của các công ty sản xuất bánh kẹo Việt Nam sẽ sòng phẳng hơn nhiều.
Nếu bỏ chính sách này sớm, các doanh nghiệp mía đường và người nông dân trồng mía ban đầu có thể gặp khó khăn nhưng về sau phải thay đổi tập quán canh tác, tăng năng suất lao động thì sẽ thuận lợi hơn về lâu dài. Như từ trước đến nay, những mặt hàng được bảo hộ sẽ không phát triển, những mặt hàng không được bảo hộ chỉ khó khăn ban đầu và sẽ có nhiều cơ hội phát triển về sau.
Về đề nghị Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu đường vào Việt Nam, quan điểm của công ty là cho nhập khẩu từng bước để các doanh nghiệp quen dần với giá cạnh tranh trong khu vực. Tuy nhiên vừa qua Hiệp hội mía đường có ý kiến là cho nhập khẩu nhưng nằm trong hạn ngạch nhập khẩu 80.000 tấn của năm 2015, nếu điều này được áp dụng thì trên thực tế sẽ không có ý nghĩa bởi trước sau gì nhà nước cũng sẽ cho nhập đường kính trong năm.
Theo thỏa thuận trong AFTA, năm nay Bộ Công thương sẽ cấp hạn ngạch nhập khẩu khoảng 80.000 tấn đường kính. Nếu đã mở thì phải mở toàn diện như đối với mặt hàng thực phẩm chế biến. Bánh kẹo ngoại hiện nay vẫn cho nhập khẩu không hạn chế nhưng doanh nghiệp bánh kẹo vẫn không chết. Về lâu dài, các doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận chuyện này. Nếu yếu quá thì phải chấp nhận phá sản để nhà đầu tư khác mua lại và làm tốt hơn. Càng kéo dài thì nền kinh tế càng thiếu sức cạnh tranh.
Ông có thể cho biết thị phần của Haihaco hiện nay là bao nhiêu?
Theo ước tính của công ty, thì doanh số của Hải Hà hiện nay chiếm khoảng 7% ngành bánh kẹo.
Vừa qua Kinh Đô đã bán lại 80% mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại, điều này ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp bánh kẹo nội, thưa ông?
Thực ra trước nay các doanh nghiệp nội vẫn cạnh tranh bình đẳng với nhau. Thương vụ M&A này cũng tạo sức ép khá lớn đối với các doanh nghiệp ngành bánh kẹo do tên tuổi và tiềm lực tài chính của đối tác đó. Nhưng tôi cho rằng không có doanh nghiệp này mua thì doanh nghiệp khác cũng sẽ mua, không cạnh tranh với đối tác này thì cũng sẽ phải cạnh tranh với đối tác khác, không chỉ trong nước mà còn với các đối thủ nước ngoài. Đây cũng là một vấn đề khó khăn nhưng cũng tạo ra động lực để các doanh nghiệp trong nước tăng cường đầu tư và phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Theo NGUYÊN MINH