Tết này vẫn được ăn bánh kẹo nội?

24/12/2014 15:42 PM | Kinh doanh

Mặc dù, hai "đại gia" của bánh kẹo Việt Nam là Bibica và Kinh Đô đều công bố đưa ra thị trường sản lượng lớn nhưng trước sự lấn át của hàng ngoại, chưa biết, cơ hội ăn bánh kẹo Việt có còn trong những mùa Tết tiếp theo?

Tăng đầu tư

Chuẩn bị cho mùa kinh doanh Tết Con Dê, ngay từ đầu tháng 12, cả hai đại gia Kinh Đô và Bibica đều đã công bố tăng sản lượng hàng Tết. Cụ thể, Bibica đưa ra thị trường khoảng 1.350 tấn bánh kẹo và chocolate, tăng 20% so với Tết năm 2014.

Đại diện Công ty Bibica cho biết, năm nay, có khoảng 30% sản phẩm Bibica được giữ nguyên giá năm 2014, số còn lại có mức tăng 5% do chi phí đầu vào tăng. Dù đã được điều chỉnh giá nhưng các sản phẩm cao cấp của Bibica vẫn thấp hơn so với hàng ngoại (có chất lượng tương đương) từ 20 - 30%.

Ông Nguyễn Xuân Luân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, cho biết, Kinh Đô đã sẵn sàng tung ra thị trường 5.000 tấn bánh kẹo, tăng hơn 10% so với năm 2014 để đáp ứng nhu cầu biếu tặng, thưởng thức đa dạng của người tiêu dùng.

"Nhằm hướng đến việc phục vụ tốt nhất cho nhu cầu mua sắm vào dịp Tết và để người tiêu dùng yên tâm chọn những loại bánh kẹo uy tín, chất lượng, Kinh Đô tập trung hợp lý hóa các chi phí sản xuất, bán hàng... để có thể giữ mức giá hợp lý, giúp người tiêu dùng yên tâm thưởng thức hương vị Xuân", ông Luân cho biết.

Báo cáo nghiên cứu thị trường bánh kẹo Việt Nam của Công ty Khảo sát thị trường Quốc tế (BMI), cho thấy, năm 2013, doanh thu của ngành này đạt 24.600 tỷ đồng, lợi nhuận 2.400 tỷ đồng. Dự kiến, năm nay, doanh thu của ngành sẽ lên đến 27.270 tỷ đồng, tăng 7,9%, cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á 3% và 1,5% của thế giới.

Đến năm 2018, doanh thu toàn ngành bánh kẹo Việt Nam đạt khoảng 40.000 tỷ đồng. Tuy là mặt hàng được tiêu thụ quanh năm nhưng doanh thu từ mùa Tết có khi chiếm đến 30% doanh thu cả năm, vì vậy, các doanh nghiệp (DN) không ngần ngại dành kinh phí lớn cho nghiên cứu sản phẩm mới, marketing, quảng bá thương hiệu...

Theo công bố của Công ty Nghiên cứu thị trường Millward Brown Việt Nam vào đầu năm 2014, Kinh Đô đứng vị trí thứ 2 trong Top 10 thương hiệu gắn kết với Tết Nguyên đán.

Vì vậy, năm nay, dù đang trong quá trình chuyển giao mãng bánh kẹo cho tập đoàn bánh kẹo đến từ Mỹ là Mondelez International nhưng Kinh Đô vẫn tiếp tục đầu tư các chương trình truyền thông bằng các hoạt động mới mẻ và thiết thực như tổ chức các xe Tết Kinh Đô mang không khí lễ hội đến các tỉnh thành, tái hiện các trò chơi dân gian vui nhộn tại các trung tâm thương mại tại TP.HCM, Hà Nội, tổ chức các trò chơi trên website Tết cũng như Facebook Kinh Đô...

Hàng ngoại lấn át

Một điều không thể phủ nhận là thị trường bánh kẹo có tổng giá trị hơn 1 tỷ USD với sản lượng 500.000 tấn/năm của Việt Nam hiện đang nằm trong tay các DN ngoại. Và ngành bánh kẹo trong mùa Tết này đang chứng kiến sự thay đổi giữa hàng ngoại và hàng nội khi các thương hiệu lớn đang lần lượt rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài.

Với việc bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Mondelez International, có lẽ, năm nay là cái Tết cuối cùng người tiêu dùng còn cơ hội sử dụng bánh kẹo Kinh Đô 100% hàng Việt. Bởi, đến giữa năm 2015, thương vụ này sẽ hoàn tất và thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô sẽ thuộc về nhà đầu tư đến từ Mỹ.

Vì vậy, những mùa Tết tới, dù bánh kẹo vẫn mang thương hiệu Kinh Đô nhưng sản phẩm đã không còn là hàng Việt, của DN Việt. Trong khi đó, thương hiệu Bibica vẫn đang trong thế giằng co giữa DN trong nước và phía đối tác Lotte.

Mặc dù Bibica đã có sự "trợ lực" từ SSI nhưng nhiều nhận định cho rằng, SSI là nhà đầu tư tài chính nên nếu có lợi họ cũng sẵn sàng "nhường cổ phần" cho nhà đầu tư ngoại. Kinh Đô và Bibica hiện chiếm hơn 40 thị phần bánh kẹo trong nước, vì thế, khi hai thương hiệu này không còn thuộc về DN Việt thì cơ hội sử dụng bánh kẹo Việt của người tiêu dùng cũng giảm đáng để.

Trong nước, các thương hiệu bánh kẹo Việt đang dần rơi vào tay đối tác ngoại thì trên thị trường, bánh kẹo nhập khẩu cũng đã tràn ngập. Không những thế, bánh kẹo nhập khẩu thông qua kênh phân phối hiện đại đang ngày càng có lợi thế tiếp cận người tiêu dùng.

Chẳng hạn, tại các siêu thị như Lotte, Giant, Big C, Citimart..., hiện bánh kẹo ngoại đang phủ đầy các kệ. Citimart sau khi bắt tay với đối tác Nhật đổi tên thành Citimart - Aeon, thì tại tất cả 27 siêu thị của hệ thống này đều có gian hàng bày bán bánh kẹo đến từ Nhật mang tên Top Value.

Tương tự, tại hệ thống siêu thị Lotte có quầy hàng bánh kẹo của các nhãn hiệu đến từ Hàn Quốc. Giant cũng có các quầy dành riêng cho các thương hiệu bánh kẹo ngoại giới thiệu sản phẩm bằng cách cho khách ăn thử.

Hệ thống siêu thị Aeon thì khỏi nói, không chỉ bán kẹo Nhật mà tất cả các mặt hàng từ thực phẩm tươi sống cho đến hóa mỹ phẩm nhập khẩu từ Nhật phủ đầy các kệ trong khu tự chọn và trong các gian hàng cho thuê.

Trong khi đó, ở những thương hiệu bán lẻ khác như Co.omart, Maximark, Vinatexmart..., tuy không có gian hàng ưu tiên cho bánh kẹo nhập nhưng hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Pháp, Đan Mạch... cũng chiếm diện tích lớn trên các kệ hàng.

Đại diện một siêu thị lớn tại TP.HCM cho biết, mặc dù chủ trương của DN là bán hàng Việt nhưng trước nhu cầu của người tiêu dùng nên siêu thị không thể không nhập bánh kẹo ngoại.

Trong khi các dòng bánh kẹo phân khúc cấp trung, cao trong nước bị lấn át trong kênh hiện đại thì ở phân khúc thấp hơn, tại các chợ truyền thống, bánh kẹo nội cũng bị cạnh tranh bởi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hàng phân khúc này có nhiều loại: đóng bao bì và cân theo ký, bán đầy chợ đầu mối Bình Tây và từ đó phân bủa đi các tỉnh. Nhiều tiểu thương chợ Bình Tây cho biết, mùa Tết năm nay, bánh kẹo và cả mứt Trung Quốc nhập về khá nhiều trong khi bánh kẹo các thương hiệu Kinh Đô, Bibica... vẫn chưa được tiêu thụ mạnh.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công Thương), tính trong cơ cấu ngành kỹ nghệ thực phẩm,doanh thu thị trường bánh kẹo lớn hơn cả thị trường mì ăn liền và bọt ngọt.

Cụ thể, ngành bánh kẹo chiếm đến 40,43% thị phần trong cơ cấu ngành, mì ăn liền chiếm vị trí thứ 2 với 34,54% và bột ngọt chiếm 24,83%. Bánh kẹo cũng là ngành có tốc độ phát triển cao và ổn định trong nhiều năm nay.

Nghiên cứu của BMI cũng chỉ rõ: thị trường bánh kẹo Việt Nam còn rất tiềm năng bởi mức tiêu thụ trên đầu người chỉ khoảng 2kg, thấp hơn mức trung bình của thế giới (2,8kg/người/năm). Đây chính là lý do các DN nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Và không biết vài mùa Tết nữa, sẽ còn bao nhiêu thương hiệu bánh kẹo Việt tồn tại trên thị trường?

>> Một Kinh Đô "không bánh kẹo" có còn hấp dẫn?

Theo Hồng Nga

Cùng chuyên mục
XEM