Apple và ngày tàn của triết lý "Only Apple"

04/02/2016 15:14 PM | Kinh doanh

Sau nhiều năm cung cấp những sản phẩm tuyệt vời cho khách hàng, như iPhone hay iPad, và để người sử dụng tiếp cận với những công ty phần mềm như Google, Apple giờ đã nhận ra nguy cơ thực sự của mình khi tăng trưởng giảm tốc.

Hiện nay, hầu hết mọi người đều cho rằng Apple là công ty sản xuất phần cứng thành công nhất trong làng công nghệ. Nhiều sản phẩm của hãng, như iPhone hay iPad, được khách hàng đánh giá thuộc loại tốt nhất có thể mua với điều kiện kỹ thuậy ngày nay.

Tuy nhiên, phần cứng không phải là yếu tố duy nhất làm nên thương hiệu Apple. Kể từ khi hãng sản xuất chiếc máy tính Mac đầu tiên vào năm 1984, Apple đã tập trung vào việc xây dựng những phần mềm mới nhằm đem lại trải nghiệm hoàn toàn khác biệt cho người dùng.

Cho dù là hệ thống điều hành hay các ứng dụng, người tiêu dùng đều đánh giá cao sản phẩm phần mềm của Apple nhờ tính kết hợp đồng bộ cao, thực dụng và thân thiện với người sử dụng, đúng như những gì mà cựu CEO Steve Jobs đã từng nói: “Chúng (sản phẩm của Apple) đều hoạt động tốt”.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Apple đã xao nhãng phần mềm để tập trung phát triển phần cứng, hay nghiên cứu những sản phẩm mới như đồng hồ thông minh iWatch hoặc xe tự động lái.

Hiện chưa rõ kết quả của những sản phẩm mới này ra sao, nhưng tăng trưởng của Apple thì đang có dấu hiệu chững lại và thậm chí bị Alphabet (Google) vượt qua về mức vốn hóa thị trường.

Quá thành công và xa rời thực tại?

Cả nhà sáng lập Steve Jobs và CEO hiện nay là Tim Cook đều muốn Apple sản xuất những sản phẩm tuyệt vời cho khách hàng, nhưng có một thực tế là hãng công nghệ này tự xây dựng phần mềm cho mình.

Vì vậy, nếu phần mềm của Apple không được đầu tư phát triển song song với phần cứng, chúng sẽ không thể hỗ trợ tốt cho nhau.

Mặc dù Apple cũng đã phát triển nhiều phần mềm khác nhau trong quá trình phát triển, nhưng thời gian gần đây hãng cho ra một số ứng dụng không thực sự xứng đáng với tên tuổi, hay nói cách khác là không thỏa mãn được nhu cầu khách hàng. Chúng ta có thể kể đến MobileMe, iTunes Ping, Apple Map hay gần đây nhất là Apple News.

Trong khi đó, những phần mềm cốt lõi làm nên tên tuổi của Apple như Photos (Ảnh), iTunes (Âm nhạc), iCloud (điện toán đám mây) và đặc biệt là Mail (Thư điện tử) lại đang gặp nhiều vấn đề cũng như phàn nàn từ khách hàng.

Trước đây, ứng dụng thư điện tử trên sản phẩm của Apple khá tốt, nhưng thời gian gần đây dịch vụ này ngày càng hoạt động kém hiệu quả. Người dùng bắt đầu than phiền tốc độ gửi và nhận thư Gmail chậm, một số thư bị mất trong khi một số khác không hiện lên.

Nguyên nhân này khiến nhiều người buộc phải chuyển sang dùng hòm thư qua website Gmail hay tải ứng dụng của Google về để dùng, một điều hiếm thấy với người dùng iOS trước đây.

Apple tuyên bố rằng rắc rối này nằm ngoài tầm kiểm soát khi Gmail sử dụng một loại kỹ thuật không có tiêu chuẩn chung nhằm tăng tốc độ hoạt động cho ứng dụng mail riêng của Google hay trên website của họ.

Đây là một tuyên bố thể hiện sự chủ quan của nhà sản xuất iPhone khi đẩy trách nhiệm về cho phía đối thủ thay vì nâng cấp phần mềm hay tìm biện pháp giải quyết.

Phải chăng những thành công rực rỡ của iPhone đã khiến Apple quên đi bản chất làm nên thương hiệu của hãng và cố gắng chạy đua theo lợi nhuận?

Khó khăn để quay lại

Tăng trưởng doanh số của iPhone đã chậm lại so với trước đây và Apple nhận ra điều đó.

Ngoài những nguyên nhân như kinh tế toàn cầu gặp khó, đồng USD tăng giá khiến hãng phải nâng giá bán... thì việc để ngày càng nhiều khách hàng phàn nàn về chất lượng phần mềm cũng là một lý do quan trọng.

Tập đoàn công nghệ này hiểu được điều đó và hãng muốn tập trung đầu tư vào phần mềm và các dịch vụ online hơn, giống như Google, Facebook hay Amazon.

Chiến lược này là khá khả thi khi Apple có nhiều ứng dụng đã thành công như iCloud, Apple Pay, Apple Music hay iTunes. Tuy vậy, một điều trớ trêu là kế hoạch này có phụ thuộc vào doanh số bán của các sản phẩm như iPhone.

Tình hình giá đồng USD tăng đã khiến Apple phải nâng giá sản phẩm để duy trì doanh thu, nhưng điều này lại ảnh hưởng đến số sản phẩm tiêu thụ được, đặc biệt là khi kinh tế toàn cầu đang gặp khó.

Rõ ràng, Apple đang vướng vào một vòng luẩn quẩn khi doanh thu iPhone tăng trưởng chậm lại khiến hãng chuyển hướng sang mảng dịch vụ trực tuyến, nhưng phân khúc này lại bị ràng buộc vào doanh số bán iPhone.

Thông thường, nếu Apple là một hãng chuyên về phần mềm, công ty có thể hạ giá bán sản phẩm để tăng doanh số bán cũng như doanh thu từ mảng dịch vụ trực tuyến đi kèm. Tiếc thay, Apple lại chuyên về phần cứng và hãng hầu như sẽ không hạ giá bán.

Nếu nhìn cả quá trình lịch sử, câu chuyện của Apple thực ra vô cùng đơn giản. Trước đây họ bán iPhone, iPad hay iMac và tất cả mọi người đều hài lòng, từ khách hàng cho đến cổ đông.

Hiện nay, Apple vẫn bán iPhone, iPad hay iMac nhưng không phải tất cả mọi người đều hài lòng và tăng trưởng doanh số đang giảm tốc nhanh chóng. Công ty dự kiến doanh thu quý I/2016 sẽ vào khoảng 50-53 tỷ USD, thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm trước.

Để khiến mọi người hài lòng hơn, Apple quyết định chuyển hướng tập trung sang mảng dịch vụ trực tuyến. Trong báo cáo kinh doanh của Apple, CEO Tim Cook nhận định tiềm năng của mảng dịch vụ online là khá lớn và công ty nên tập trung vào phân khúc này nhiều hơn nữa.

Dẫu vậy, dường như Apple quên mất những đối thủ tầm cỡ như Amazon, Facebook hay Google. Trong năm 2016, nhiều chuyên gia dự đoán Amazon sẽ tăng trưởng 23%, Facebook sẽ tăng 38% doanh thu còn Google ước tính tăng 15%.

Với những con số trên, Apple sẽ gặp khó nếu muốn chuyến hướng tập trung đầu tư của mình.

Nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett đã từng nói “Bạn có thể tổ chức một buổi diễn nhạc rock, hay một buổi diễn múa ba lê đều được, miễn là bạn đừng tổ chức buổi biểu diễn nhạc rock và quảng cáo đó là buổi diễn ba lê.”

CEO Jeff Bezos của Amazon rất thích câu nói này và cho rằng chừng nào công ty vẫn rõ ràng họ đang làm gì cũng như sẽ tập trung đầu tư vào đâu, các cổ đông ít ra sẽ thấu hiểu cho họ.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp muốn thay đổi chiến lược tập trung hoặc không rõ họ sẽ đầu tư vào đâu, mọi chuyện sẽ trở nên nguy hiểm hơn.

“Sẽ rất khó khăn cho một công ty niếm yết đại chúng thay đổi chiến lược tập trung kinh doanh. Vì vậy, nếu bạn đang tổ chức một buổi nhạc rock nhưng lại chuyển hướng muốn tổ chức một buổi múa ba lê thì quá trình thay đổi này sẽ vô cùng khó khăn”, ông Bezos nói.

Ngày tàn của quan điểm “Only Apple”?

Quan niệm “Only Apple” là một khái niệm được CEO Tim Cook rất ưa thích. Trong đó, ông Cook cho rằng Apple là công ty duy nhất có thể kết hợp hoàn hảo hệ thống điều hành, phần cứng và dịch vụ, qua đó tạo nên những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách hàng.

Tuy nhiên, quan điểm này có vẻ không còn chính xác khi những tập đoàn lớn như Google, Microsoft hay Amazon cũng có đầy đủ cả 3 mảng trên và đang ngày càng làm tốt vai trò kết hợp này, trong khi Apple lại ngày càng tập trung vào phần cứng và sao nhãng 2 mảng còn lại.

Microsoft muốn người dùng chạy Windows trên tất cả các thiết bị, Google thì cố gắng để khách hàng sử dụng dịch vụ của họ trên mọi sản phẩm công nghệ. Điều này cũng tương tự như khi Apple muốn tất cả người tiêu dùng mua sản phẩm của hãng.


CEO Tim Cook của Apple

CEO Tim Cook của Apple

Nếu người dùng không sử dụng 1 trong những sản phẩm của các hãng trên, nhiều khả năng họ sẽ cảm thấy lạc hậu hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống hay công việc.

Rõ ràng, xuất phát điểm của những tập đoàn công nghệ trên là khác nhau, nhưng họ đều có một mục tiêu chung là đem lại trải nghiệm tuyệt vời nhất cho người dùng. Xét trên phương diện này, quan niệm “Only Apple” có lẽ đang dần lỗi thời.

Với xu thế thuê ngoài sản xuất ngày càng rộng rãi như hiện nay, phần mềm có thể mới là vũ khí chủ chốt tạo nên lợi thế cho các công ty công nghệ chứ không phải phần cứng.

Việc Apple đang đau đầu khi cố gắng cho ra những sản phẩm đột phá như iPhone để duy trì tăng trưởng là một minh chứng rõ ràng.

Không phải tự nhiên mà những startup với lợi thế chủ yếu về ứng dụng và phần mềm lại thu hút được hàng tỷ USD gọi vốn và kinh doanh ngày càng có lãi thời gian gần đây.

Sau nhiều năm cung cấp những sản phẩm tuyệt vời cho khách hàng, như iPhone hay iPad, và đề người sử dụng tiếp cận với những công ty phần mềm như Google, Apple giờ đã nhận ra nguy cơ thực sự của mình khi tăng trưởng giảm tốc.

Tuy vậy, có vẻ hãng đang gặp khó khi muốn thay đổi.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM