Anh có thích nước Mỹ không?

04/08/2015 15:46 PM | Kinh doanh

“TPP là sân chơi do Mỹ bày ra, vậy anh có thích nước Mỹ không?”

Trong câu chuyện bên lề buổi Hội thảo “20 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ: Nhìn từ góc độ kinh tế” vừa qua, một anh bạn đồng nghiệp cũ hiện đang theo học chương trình kinh tế Fulbright tại Việt Nam đã phản biện ý kiến của tôi về những bất lợi khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP bằng câu hỏi ngược: “TPP là sân chơi do Mỹ bày ra, vậy anh có thích nước Mỹ không?”.

Tôi tự hỏi nếu đưa câu hỏi này cho 28 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam (thống kê mới nhất của Google năm 2015), thì có bao nhiêu phần trăm người sẽ ấn nút “like”? Còn đối với các diễn giả của buổi hội thảo và hàng trăm nhà doanh nghiệp thì có vẻ như tình cảm dành cho nước Mỹ chưa bao giờ nhiều như hôm đó.

"Không đánh nhau không thành bằng hữu"

Bà Rena Bitter, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM dẫn chứng cho những thành tựu ngoại giao song phương của hai nước mới đây, đó là chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Hoa Kỳ và hội kiến với Tổng thống Barack Obama. Theo Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ, đây là lần đầu tiên một Tổng Bí thư Việt Nam sang thăm chính thức Hoa Kỳ và hai nước đã ra thông cáo chung ghi nhận những thành tựu chung trong định hướng phát triển.

“Mối quan hệ giữa hai nước sẽ càng tăng khi TPP được hoàn thiện và kiến tạo một khu vực kinh tế bao trùm 40% nền kinh tế thế giới. Cùng với đó, sự hợp tác về giáo dục giữa hai nước cũng đạt được kết quả tích cực, hiện số sinh viên Việt Nam học tập và nghiên cứu tại Hoa Kỳ là 17.000 sinh viên, đứng thứ 8 trong số các cộng đồng sinh viên nước ngoài du học tại Hoa Kỳ. Trong thời gian tới, sự hợp tác về giáo dục sẽ được nâng lên tầm cao mới khi Đại học Fulbright Việt Nam được khai trương”, bà Rena Bitter kỳ vọng.

Với vai trò là một nhà chính trị và người làm chính sách, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh – nguyên tổng lãnh sự Việt Nam tại Thành phố SanFrancisco cho rằng, TPP là một khuôn mẫu hợp tác của thời đại mới giữa những quốc gia có sự khác biệt về trình độ phát triển và thể chế chính trị, nhưng có cùng mục tiêu là hướng đến xóa bỏ rào cản thương mại và đem lại sự phồn vinh cho quốc gia.

Việt Nam đã trở thành đối tác toàn diện quan trọng của Hoa Kỳ về thương mại, đầu tư và là nhân tố quan trọng trong chiến lược “tái cân bằng” chiến lược của Hòa Kỳ tại Châu Á – Thái Bình Dương. TPP sẽ là động lực phát triển cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam từ lớn đến nhỏ, từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ và nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, du lịch.

“Cách đây khoảng 2 tháng, Bộ Công Thương có buổi làm việc với một số nghị sĩ của cả 2 chính Đảng tại Thượng viện Hoa Kỳ để tìm hiểu về tình hình đàm phán TPP. Các nghị sĩ khẳng định rằng dù Hoa Kỳ có một số nhận thức khác biệt với Việt Nam, nhưng mục tiêu chung mà hai nước có thể cùng nhau đạt được là lợi ích quốc gia, người dân và cộng đồng doanh nghiệp để mang đến sự thịnh vượng. Chúng ta phải “sòng phẳng” nhìn nhận là khi Việt Nam nhận được các lợi ích từ TPP thì  cũng đồng thời phải mở cửa thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Bộ Công Thương vừa xác nhận Việt Nam đã hoàn tất việc đàm phán song phương TPP với Hoa Kỳ và đây chắc chắn là tin vui với một người có nhiều duyên nợ với nước Mỹ như ông Lương Văn Tự  - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại và nguyên Trưởng đoàn đàm phán WTO.

Ông Tự nhớ lại, quãng thời gian những năm đầu thập niên 90 khi ông đi dự các hội nghị quốc tế, vì sắp xếp theo mẫu tự ABC nên đoàn Việt Nam luôn ngồi cạnh đoàn Mỹ như một định mệnh, lúc đó quan hệ chưa được như bây giờ, hai đoàn chỉ chào xã giao rồi thôi. Năm 2000 khi Việt Nam – Hoa Kỳ ký Hiệp định thương mại bỏ 300 dòng thuế thì mối quan hệ đã cải thiện nhiều nhưng vẫn còn một hòn đá tảng là luật cấm vận Jackson Vanik thì phải đến năm 2006 khi Việt Nam gia nhập WTO mới được Quốc hội Hoa Kỳ bãi bỏ.

“Năm 2014 thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ đã lên đến 35 tỉ USD, đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam là hơn 11 tỉ USD. Điều này cũng minh chứng rằng cả 2 nước đều mong muốn thịnh vượng và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người. Phải có quyết tâm chính trị cao thì TPP mới có thể kết thúc và sẽ đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới phù hợp với xu hướng phát triển của nhân loại là hội nhập và cùng nhau phát triển như cựu tổng thống Bill Clinton đã nói: Việt Nam và Hoa Kỳ tự giải phóng cho mình để phát triển”, ông Lương Văn Tự chia sẻ cảm nghĩ của mình.

Những kỳ vọng về nước Mỹ

Ông Lê Quốc Ân - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), đồng thời là Trưởng ban cố vấn Vitas chia sẻ rằng trước năm 2000, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam chỉ hơn 45 triệu USD, nhưng đến năm 2014 con số này đã gần chạm 10 tỷ USD, chiếm 10% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Mỹ. Nếu có TPP, hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn vì được hưởng thuế 0% thay vì chịu mức thuế chung bình quân 17%  như đang phải chịu hiện nay, khi đó kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vào Mỹ dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi.

Ngoài việc gia tăng rất nhanh giá trị xuất khẩu, theo ông Ân, lợi ích khi có TPP đó là việc cải thiện chuỗi giá trị gia tăng của ngành dệt may Việt Nam, đầu tư từ các khu vực kinh tế đổ mạnh vào ngành dệt may, khiến quy mô sản xuất tăng lên. Trước đây doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi xuất qua Mỹ phải qua ít nhất 3 trung gian, nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm ăn trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ, hoặc chỉ qua một trung gian.

“Các nhà nhập khẩu và bán lẻ Mỹ luôn muốn đặt đơn hàng trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam, họ không thích đặt gia công, mà muốn nhà cung cấp phải cung cấp trọn gói, như lo cả phần nguyên phụ liệu. Bởi vậy, trong hơn 24,5 tỷ USD xuất khẩu của ngành dệt may có được năm 2014, giá trị thặng dư Việt Nam được giữ lại lên tới gần 50% chủ yếu nhờ vào thị trường Mỹ”, ông Ân dẫn chứng.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai – cựu CEO đầu tiên của Pepsico Việt Nam đưa ra nhận định, trong 12 nước tham gia TPP thì Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất với mức tăng GDP dự báo từ 1,03% đến 2,11%, tương ứng với giá trị tuyệt đối từ 1,4 tỉ USD đến 2,9 tỉ USD. Gia nhập TPP, GDP Việt Nam có thể tăng thêm 35,7 tỉ USD tới năm 2025.

Một lợi ích nữa là sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ với nền kinh tế thế giới nói chung và châu Á nói riêng là nổi bật và gần như hiệu ứng tích cực hoặc tiêu cực hoàn toàn tùy thuộc chính sách đối ngoại thể hiện qua mối quan hệ của Hoa Kỳ với  quốc gia đó. Việt Nam không phải là ngoại lệ khi bắt đầu đổi mới và hội nhập với thế giới.

Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ cho biết ý kiến của ông về thị trường Mỹ là vô cùng tiềm năng nhưng cũng có yêu cầu vô cùng khắt khe về chất lượng. Ông cho biết vào thời điểm này có rất nhiều nhà nhập khẩu tôn, thép từ Hoa Kỳ đã đặt vấn đề hợp tác với Hoa Sen nhưng mức giá bán mà ông chào bán vẫn cao hơn sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Nhật Bản từ 100 USD/tấn. Đây là chiến lược lâu dài của Hoa Sen vì Hoa Kỳ là thị trường doanh nghiệp rất dễ bị kiện chống bán phá giá.

“Tôi nghĩ rằng 20 năm tới thị trường Hoa Kỳ sẽ là thị trường xuất khẩu số 1 của hàng hóa Việt Nam. Nhưng cơ cấu hàng hóa sẽ thay đổi theo hướng tỉ lệ hàng công nghiệp và công nghệ cao chiếm tỉ trọng ngày càng lớn”, ông Lê Phước Vũ chia sẻ.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du – giảng viên chương trình Fulbright Việt Nam nói lên ước mơ của mình về một đường bay thẳng sẽ kết nối Việt Nam – Hoa Kỳ trong tương lai gần. Đó vừa là hình tượng nhưng cũng vừa thực tế là quan hệ giao thương giữa hai nước trong bốn thập kỉ qua đều phải qua một bên trung gian giống như việc hành khách bay tuyến Việt Nam – Hoa Kỳ bắt buộc phải quá cảnh ở một nước thứ 3. Đó cũng sẽ là cầu nối đưa hàng triệu Việt kiều, hàng chục ngàn du học sinh và hàng tỉ USD đầu tư trở về Việt Nam.

"Tóm lại, giờ đây là lúc các quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói chung, các hoạt động giao thương kinh tế và thương mại nói riêng bước vào giai đoạn sống động và thực chất hơn bao giờ hết", vị Tiến sĩ được đào tạo ở Đại học Harvard nhận định.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM