Alibaba IPO: Câu chuyện 'kém vui' giới kinh doanh Mỹ?

10/09/2014 08:38 AM | Kinh doanh

Nhiều người đang kỳ vọng nhiều vào phi vụ IPO lớn nhất trong lịch sử sàn New York của Alibaba, nhưng bên cạnh đó cũng có một số rủi ro và cảnh báo.

Giới chuyên gia nhận định, việc IPO trên sàn New York (Mỹ) sắp tới của Alibaba sẽ trở thành phi vụ lớn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, nhìn nhận dưới một số góc độ khác, nếu Alibaba IPO thành công, đây có thể trở thành chuyện “kém vui” với giới kinh doanh Mỹ.

Theo đó, công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Hàng Châu hy vọng sẽ thu hút được 21 tỷ USD từ việc bán cổ phiếu và nâng giá trị của công ty lên 160 tỷ USD. Điều này sẽ biến Alibaba trở thành một trong những công ty công nghệ được giao dịch có giá trị nhất tại Mỹ, gần như ngang hàng với Facebook và cả những công ty gạo cội như IBM.

Ngoài ra, việc IPO sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Mỹ được trực tiếp sở hữu cổ phiếu trong một thị trường nước ngoài khép kín. Điều này có thể còn mang tới một số lợi ích nhất định cho các công ty khởi nghiệp ở Mỹ và nó có thể là một cú hích cho ngành thương mại điện tử tại Mỹ. 

Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng có một số rủi ro và cảnh báo. Dưới đây là một số điều như vậy:

Alibaba từng có ý định IPO nhưng bất thành

Gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc đã cố gắng trở thành công ty đại chúng vào năm 2008 trên sản chứng khoán Sang Seng (Hong Kong). Tuy nhiên sau đó, công ty này phải huỷ bỏ niêm yết do mất 20 tỷ USD giá trị thị trường bởi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính.

Người Mỹ đầu tư vào Alibaba thực ra không có nhiều quyền biểu quyết

Những nhà đầu tư Mỹ mua cổ phần của Alibaba thông qua một cấu trúc kế toán được gọi là VIE. Cấu trúc này được dùng từ những năm 1990 cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có quyền sở hữu giới hạn tại những công ty của Trung Quốc. 

Alibaba cũng thiết lập quyền sở hữu VIE thông qua việc thành lập pháp nhân Alibaba Group Hoding Limited có trụ sở tại quần đảo Cayman vào năm 1999. Hiện vẫn chưa rõ về việc quyền sở hữu VIE sẽ được thực hiện như thế nào theo pháp luật Trung Quốc, nhưng có một số vấn đề thực sự đáng lo ngại. 

Drew Bernstein, đối tác quản lý tại chi nhánh Trung Quốc của công ty kế toán Marcum Bernstein Pinchuk cho biết: “Tôi chưa chứng kiến một trường hợp nào trong 15 năm qua mà các nhà đầu tư Hoa Kỳ được sở hữu tài sản độc lập của họ tại những công ty Trung Quốc thông qua thoả thuận VIE”. 

Nhiều người đặt câu hỏi, liệu VIE có phải chỉ là chiêu thức bổ sung nguồn giám sát đối với những nhà đầu tư Mỹ hay không?

Phi vụ IPO của Alibaba còn có thể là dấu chấm hết cho sự thống trị của ngành thương mại điện tử tại Mỹ

Nếu thương vụ này thành công, nó có thể mở ra một kỷ nguyên giao dịch quốc tế mới và lấy đi vị trí thống trị của một số công ty thương mại điện tử lớn tại Mỹ như Amazon và eBay. Tất nhiên việc này không thể thực hiện trong một sớm, một chiều, nhưng nó đang dấy lên một mối lo ngại thật sự. 

Josh Green, đồng sáng lập và giám đốc điều hành Pạniva, nhà cung cấp thông tin thương mại toàn cầu nói: “Bạn cứ tưởng tượng Facebook và Google xâm phạm lãnh thổ của nhau như thế nào thì cuộc chiến giữa Amazon và Alibaba sẽ diễn ra đúng như vậy. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn nhìn nhận Amazon đang là kẻ thống trị tại thị trường Mỹ, còn Alibaba là ở thị trường Trung Quốc”.

Đứng trên một góc độ khác, thương vụ IPO của Alibaba có thể tạo cơ hội cho những công ty nhỏ của Mỹ tham gia vào mọi lĩnh vực từ vận chuyển tới thanh toán kỹ thuật số và bán lẻ trực tuyến. Các công ty khởi nghiệp có thể được hưởng lợi theo nhiều cách khác nhau bởi bản thân Alibaba cũng rất khao khát được đầu tư vào những công ty khởi nghiệp tiềm năng ở Mỹ. Việc đàm phán thoả thuận hợp tác với dịch vụ nhắn tin Snapchat và phi vụ đầu tư 120 triệu USD vào công ty game trực tuyến Kabam là hai ví dụ điển hình nhất. 

Bên cạnh đó, một số chuyên gia đầu tư như Maha Ibrahim lại nhìn phi vụ IPO của Aliababa như một món hời. Thậm chí, ông này tuyên bố: “Bạn không thể chỉ nhìn Alibaba như một gã khổng lồ mới nổi tại Trung Quốc. Nó lớn hơn Amazon rất nhiều và đang hoạt động trong một thị trường thật sự rộng lớn”.

Triển vọng tăng trưởng

Mặc dù cả về kích thước lẫn tiềm năng phát triển đều đang ở mức đáng kinh ngạc, thậm chí người ta lo ngại Alibaba có thể chiếm lĩnh toàn bộ mảng kinh doanh thương mại điện tử tại ít nhất hai thị trường lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. 

Tuy nhiên, doanh thu năm 2013 của Alibaba là dưới 10 tỷ USD, ít hơn so với cả Amazon là 80 tỷ USD và Google là 60 tỷ USD. 

Trong khi đó, lợi nhuận 3 tháng đầu năm 2013 của Alibaba là 3 tỷ USD vượt qua lợi nhuận cả năm 2013 của cả Amazon và eBay. 

Ngoài ra, với biên lợi nhuận hoạt động đạt hơn 40%, Alibaba vượt qua Google, Amazon và eBay đang chỉ bằng một nửa hoặc ít hơn.

Với những tín hiệu như vậy, người ta hoàn toàn có cơ sở để tin vào sự phát triển vượt bậc của Alibaba trong tương lai.

>> Alibaba dự kiến IPO trong tuần từ 8/9

Vân Đàm

vandoan

Cùng chuyên mục
XEM