Air Mekong tạm ngưng bay, thị phần thuộc về Vietnam Airlines

19/02/2013 16:58 PM | Kinh doanh


Phó Cục trưởng cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết hãng Air Mekong sẽ tạm ngừng bay từ 28/2 và lịch bay của hãng cũng chỉ mới đăng ký đến ngày này.

Đại diện Air Mekong cho biết hãng phải tạm dừng bay một thời gian kể từ 1/3 để tái cơ cấu đội máy bay Bombardier không phù hợp. Lý do được đưa ra là để thay đổi đội bay.
Hãng hàng không Air Mekong đang khai thác 4 chiếc Bombardier CRJ900 (90 chỗ do Canada sản xuất), thuê của SkyWest (Mỹ).
 
Theo Cục Hàng không Việt Nam, sau ngày 28/2, tuy ngừng bay nhưng hãng sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động thương mại đã đăng ký khác. 
 
Trước đó, Air Mekong đã bị Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu hàng không (Vinapco) tám lần gửi văn bản để thúc nợ tiền xăng do không trả nợ đúng hạn và vượt mức bảo lãnh của ngân hàng.
 
Hiện mỗi ngày chi phí nhiên liệu bay của Air Mekong khoảng 1,3 tỉ đồng. Đại diện Cục Hàng không VN cho biết, trong trường hợp xấu nhất Vinapco có thể ngừng bơm xăng theo hợp đồng hai bên.
 
Đại diện Hãng hàng không tư nhân Air Mekong (AMK) thừa nhận chuyện bị Công ty Xăng dầu hàng không (Vinapco) thúc trả nợ, đồng thời cho biết đã nâng số tiền trả mỗi ngày cho Vinapco lên 1,8 tỉ đồng, trong đó 1,3 tỉ đồng tiền nhiên liệu cho bốn máy bay và 500 triệu đồng cho khoản nợ còn lại.
 
Air Mekong là hãng hàng không tư nhân thứ ba được cấp phép tại Việt Nam, sau Indochina Airlines và Vietjet Air và chính thức bay từ cuối năm 2010. Air Mekong cũng là hãng hàng không tư nhân thứ hai phải tuyên bố tạm ngừng bay sau hãng hàng không Indochina Airlines của nhạc sỹ Hà Dũng.
 
Cục phó Đinh Việt Thắng cho biết Cục Hàng không và Bộ GTVT đã rút thương quyền bay và giấy phép kinh doanh của hãng này do những khó khăn về tài chính.
 
Thị phần thuộc về Vietnam Airlines
 
Trước đó, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã thống nhất trình Chính phủ phương án sáp nhập vốn của Jetstar Pacific vào Vietnam Airlines được xem là khả thi nhất nhằm cứu Jetstar trước bờ vực phá sản.
 
Đây cũng sẽ là vụ sáp nhập đầu tiên trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam.
 
Vị thế độc quyền (tự nhiên) của Vietnam Airlines đang dần được phá vỡ trước sự cạnh tranh của các hãng hàng không giá rẻ. Năm 2012, lần đầu tiên VNA không đạt chỉ tiêu tăng trưởng trên thị trường nội địa.
 
Vietnam Airlines (VNA) thừa nhận tình hình cạnh tranh trên thị trường hàng không gia tăng mạnh mẽ. VNA đang mất đáng kể thị phần trên một số đường bay lớn trong nước sau khi Air Mekong (AMK) và đặc biệt là VietJet Air (VJA) đi vào khai thác ổn định, bổ sung máy bay để tăng tần suất.
 
Báo cáo của VNA cho thấy, đến giữa tháng 12/2012, VNA chỉ còn kiểm soát được 69,7% thị phần nội địa, giảm 4,47% so năm 2011. Trên thực tế, nếu không linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, cộng với tiết kiệm tối đa chi phí và được bù đắp từ tăng trưởng hành khách trên các tuyến quốc tế, VNA chắc chắn không thể đạt tổng doanh thu 50.891 tỷ đồng, tăng 6,3%; lợi nhuận đạt 69,8 tỷ đồng, tăng 239% so với năm 2011.
 
Năm 2013 thị trường hàng không nội địa dự kiến tăng trưởng từ 4-5% chủ yếu nhờ các hãng hàng không giá rẻ giảm giá. Trong khi VNA chủ động lùi lịch nhận 03 tàu bay mới và Jetstar giảm số tàu từ 07 xuống 05 thì VJA vẫn công bố sẽ bổ sung thêm từ 2-8 tàu bay mới nhằm tăng tải trên thị trường nội địa và phục vụ việc bay quốc tế.
 
Theo Hiếu Lam
Đất Việt

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM