2016 - năm bắt đầu hội nhập toàn diện, triệt để

04/01/2016 08:49 AM | Kinh doanh

Bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế chúng ta trong năm qua chen lẫn những gam màu sáng tối cũng là điều dễ hiểu khi tình hình thế giới năm 2015 vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa ổn định.

Giá dầu giảm sâu, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong khi kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực, tất cả như những đợt sóng của thời kỳ hội nhập tác động vào các chỉ số tăng trưởng vẫn còn khiêm tốn của Việt Nam.

Về mặt tích cực thì GDP tăng, lạm phát thấp, về mặt tiêu cực thì nợ công chạm trần, ngân sách thiếu hụt khá trầm trọng. Thế nhưng nhìn một cách tổng thể, nền kinh tế đang trên đà vượt khó, mà nếu có được sự hỗ trợ của những chủ trương đổi mới mạnh dạn hơn nữa, chúng ta có thể đặt để niềm tin vào sự phát triển trong tương lại gần.

Những điểm sáng

Vào cuối năm, Tổng cục Thống kê đã công bố những số liệu lạc quan: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,68%, mức tăng trưởng này vượt mục tiêu 6,2% đề ra vào đầu năm và được đánh giá là “nền kinh tế đã phục hồi rõ nét”.

Số liệu sau đây có thể giúp chúng ta dễ hình dung hơn, đó là GDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD, tăng 57 USD so với năm ngoái. Và nếu tính theo PPP (đối chiếu sức mua tương đương) thì thu nhập đầu người của chúng ta đã vượt qua 4.000 đô la Mỹ.

Sẽ càng vui hơn khi năm nay lạm phát thấp đã tạo sự ổn định trong đời sống kinh tế xã hội. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá cả (CPI) bình quân năm 2015 tăng 0,63% so với năm 2014, là mức thấp nhất trong 14 năm qua.

Như vậy, so với mục tiêu ban đầu lạm phát 5% hay dự báo CPI chỉ dưới 2% thì năm nay, lạm phát đã ghi một dấu ấn thấp kỷ lục trong hơn một thập niên qua, chưa tới 1%.

Làm đậm nét hơn cho bức tranh kinh tế, có thể kể đến những cố gắng trong thu hút đầu tư nước ngoài được đánh dấu bằng những cột mốc của cơ quan thống kê, theo đó trong năm 2015 cả nước có thêm 2.023 dự án FDI được cấp phép mới và 814 dự án tăng thêm vốn, đạt 22,76 tỷ USD, trong đó vốn FDI thực hiện là 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm trước.

Kết quả này có được từ sự tổng hòa của nhiều nguyên nhân, trong đó có tình hình ổn định chính trị cùng với những chính sách cởi mở, khiến các nhà đầu tư quốc tế chọn Việt Nam là điểm dừng chân.

Dưới tầm nhìn hồi phục kinh tế thì chúng ta vẫn có được một danh sách khá dài, trong đó kinh doanh bất động sản đã bước một chân ra khỏi vòng suy thoái, kéo theo ngành xây dựng cùng hàng loạt ngành nghề liên quan.

Thị trường địa ốc khởi sắc
Thị trường địa ốc khởi sắc

Gam màu xám của bức tranh kinh tế

Do hội nhập gần như toàn diện vào nền kinh tế thế giới, cho nên bất cứ biến động tiêu cực nào dù nhỏ cũng dễ làm tổn thương đến đời sống kinh tế trong nước.

Cụ thể là trong năm qua, đồng đô la Mỹ lên giá so với đồng tiền của hầu hết quốc gia trên thế giới, trong khi đó chúng ta lại theo đuổi chính sách neo tỷ giá vào đồng ngoại tệ mạnh này khiến cho sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế giảm đi nhiều.

Tác động thứ hai cũng không kém phần nghiêm trọng là giá dầu mỏ giảm mạnh làm ảnh hưởng đến triển vọng thu ngân sách. Ngân sách của chúng ta trở nên xấu đi gây thâm hụt cũng như thêm gánh nặng nợ công. Mặt khác, lạm phát thấp tạo sự ổn định đời sống xã hội, nhưng đồng thời cũng làm cho việc thu thuế giảm đáng kể, đặc biệt là thuế VAT.

Thế nhưng điều đáng nói hơn cả, chúng ta vẫn là nền kinh tế nhập siêu và đang lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2015 nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 32,3 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm trước.

Nếu chỉ tính riêng kim ngạch nhập khẩu 49,3 tỷ USD thì đây là con số quá cao, tăng 13% so với năm 2014, lớn nhất trong các quốc gia chúng ta có quan hệ thương mại. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng điện thoại các loại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện. Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc năm qua khoảng 17 tỷ USD, phần lớn là xuất thô.

Thế mới thấy lời kêu gọi “thoát Trung” cũng chỉ là cách biểu lộ ý chí nhưng thực hiện sẽ không dễ dàng, ít nhất là trong tương lai gần.

Bên cạnh thị trường Trung Quốc, Việt Nam cũng gia tăng nhập siêu từ các thị trường lớn khác như Hàn Quốc với 18,7 tỷ USD, tăng 28%; ASEAN 5,5 tỷ USD, tăng 45%. Thị trường Nhật Bản sau nhiều năm xuất siêu, năm 2015 đã nhập siêu hơn 300 triệu USD. Mỹ và EU vẫn giữ được mức xuất siêu tương ứng 25,5 tỷ USD và 20,6 tỷ USD trong năm qua.

Triển vọng từ các hiệp định thương mại

Năm 2015 có thể coi là năm bội thu các hiệp định tự do thương mại của Việt Nam.

Sau năm năm nỗ lực đàm phán, 12 nước đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đối với chúng ta, do GDP vào loại thấp nhất so với các thành viên khác nên TPP mở ra cơ hội lớn đồng thời cũng là thách thức cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025.

Đối với xuất khẩu và đầu tư, sẽ phát triển theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thành viên khi thuế quan dần giảm về 0%, thu hút đầu tư vốn ngoại vào thị trường Việt Nam tăng cao.

Vào thời điểm cuối năm 2015, chúng ta lại ghi thêm điểm sau khi chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (EV-FTA), mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh. Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế, đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay. So với TPP, hưởng lợi của Việt Nam từ EV-FTA cũng không hề thua kém.

Trước đó, hồi tháng 5/2015 tại Kazakhsatn, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU) gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đã được ký kết (EEUV-FTA). Về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm vào khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.

Theo đánh giá bước đầu của Liên minh, sau khi hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020, tăng gần ba lần năm 2014.

Trong giai đoạn tới, khi thực hiện Hiệp định EV-FTA, phía Liên minh xóa bỏ thuế ngay đối với nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn của Việt Nam sang Liên minh như dệt may, giày dép, nông sản, thủy sản, hàng điện tử…

Trong khi đó, theo tiến trình hội nhập, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức hình thành vào ngày 1/1/2016. Việc cắt giảm thuế quan trong AEC là cao nhất hiện nay, cao hơn cả so với TPP và các FTA khác. Về tự do hàng hóa và dịch vụ thì sự cam kết trong AEC cũng cao nhất. Điều này tạo một cơ hội gần hơn cho doanh nghiệp khi AEC mở ra nhiều thị trường, tạo khí thế và động lực mới cho chu chuyển hàng hóa và lao động.

Biến thách thức thành cơ hội

Bình luận về thách thức và cơ hội của nền kinh tế chúng ta trong năm 2016, nhiều chuyên gia cho rằng, đối với Việt Nam, 2016 là năm bắt đầu của hội nhập toàn diện và triệt để, nghĩa là thị trường nội địa không còn là thị trường riêng của các doanh nghiệp trong nước, mà hàng hóa của các nước sẽ tràn vào Việt Nam. Điều này cho thấy cơ hội về xuất khẩu mở ra chưa nhiều nhưng những thách thức lại không ít đối với các hàng hóa của Việt Nam trên thị trường nội địa nếu doanh nghiệp không năng động.

Thách thức bộc lộ rõ trong năm 2016 là làm sao cân bằng được ngân sách, giảm được bội chi, đặc biệt là giảm tình trạng chi thường xuyên để nuôi một bộ máy hết sức cồng kềnh và trùng dụng, từ hệ thống nhà nước cho đến các tổ chức quần chúng như công đoàn, thanh niên, phụ nữ…

Khoản chi tiêu đó hiện nay chiếm đến 71% tổng số chi ngân sách là quá lớn. Do vậy năm 2016, chúng ta cần phải nỗ lực để cải cách thể chế, làm sao có được một bộ máy hành chính tương thích với các nước trong khu vực.

Trong những điều kiện như vậy thì doanh nghiệp tư nhân sẽ có vai trò khác, nếu không chủ đạo thì là chủ lực cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Theo PHẠM THÀNH SƠN

Cùng chuyên mục
XEM