Câu chuyện chưa kể về startup bí ẩn nhất thế giới - Magic Leap

24/04/2016 20:32 PM | Công nghệ

Cũng không giống với các startup đình đám khác, Magic Leap lại không bắt nguồn từ một sinh viên bỏ học và khởi nghiệp Thung lũng Silicon.

Nếu như thực tế ảo VR là nơi bạn có thể chìm đắm trong một thế giới của riêng mình, nhưng để nhìn thấy một trận chiến trong Star Wars trên bàn làm việc, hay chứng kiến những đàn cá khổng lồ đang bơi ngang qua phòng khách của mình, bạn cần đến sự trợ giúp của thực tế hỗn hợp (Mixed – reality: MR).

Nói cách khác, thực tế hỗn hợp là sự kết hợp giữa thực tế ảo với môi trường thực tế xung quanh bạn, một sự tổng hợp về hình ảnh, một công nghệ khó hơn nhiều so với thực tế ảo cổ điển.

Magic Leap không phải công ty duy nhất tạo ra công nghệ thực tế hỗn hợp này, nhưng đến thời điểm này, chất lượng tầm nhìn ảo trong sản phẩm của startup này đã vượt qua tất cả. Có lẽ sẽ có người cảm thấy điều đó có gì đó ngạo mạn trong tuyên bố này, khi cho đến nay startup này vẫn chưa ra mắt sản phẩm thực tế nào.

Tuy nhiên, sau khi Google là người đầu tiên rót tiền vào công ty này, các nhà đầu tư khác như Andreessen Horowitz, Kleiner Perkins, và nhiều người khác như Alibaba đã tiếp bước Google.

Tính đến nay, các nhà đầu tư đã rót tổng cộng 1,4 tỷ USD vào startup này. Một số tiền khổng lồ rót vào một startup, dù chưa có sản phẩm ra mắt trước công chúng, đã biến Magic Leap trở thành startup bí ẩn nhất thế giới.

Câu chuyện đằng sau Magic Leap

Nếu ngày nay Internet là mạng lưới của thông tin, thì có thể xem những gì chúng ta đang xây dựng trên các loại hình thực tế nhân tạo, như thực tế ảo, thực tế ảo hỗn hợp, là Internet của trải nghiệm, là biên giới tiếp theo của sự chia sẻ. Cũng như giá trị của thông tin trong Internet, trải nghiệm sẽ trở thành kho báu mới trong thế giới của VR và MR.

Nếu như trong Internet của thông tin, máy tính cá nhân, smartphone, tablet hay các thiết bị khác trở thành phương tiện để chúng ta chia sẻ thông tin, thì với trải nghiệm, đó là nhiệm vụ của các thiết bị thực tế ảo VR và thực tế ảo hỗn hợp MR.

Quả thật, với nền tảng của các thiết bị VR, chúng ta có thể tạo ra một Wikipedia về trải nghiệm, nơi bạn có thể chia sẻ những trải nghiệm, chứ không chỉ hình ảnh, như khi đứng trên miệng một ngọn núi lửa sắp phun trào, hay chứng kiến sự vĩ đại của các kim tự tháp, hoặc sự cô độc ở nơi không ai sinh sống như trên sao Hỏa, thậm chí bạn có thể đóng vai một con tôm hùm dưới mặt biển.

Tất cả những trải nghiệm đó, giờ có thể chia sẻ cho bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào và bất kỳ đâu, một cách trực tiếp.

Và đó là điều Magic Leap cố gắng truyền tải. Các công nghệ như của Magic Leap sẽ cho phép chúng ta tạo ra, truyền bá, chỉnh sửa, cá nhân hóa, phóng đại, khám phá, chia sẻ và chia sẻ lại các kinh nghiệm. Sự sáng tạo, truyền tải và tiêu thụ thông tin sẽ chuyển đổi sang sáng tạo, truyền tải và tiêu thụ trải nghiệm, được xác định trên nền tảng mới này. Như người sáng lập nên Magic Leap, ông Rony Abovitz kỳ vọng,

Sản phẩm của chúng tôi là chuyến hành trình của không gian nội tâm. Chúng tôi đang xây dựng nên Internet của hiện vật và trải nghiệm.”

Trong khi Magic Leap vẫn chưa đạt được đến những kỳ vọng lớn lao về công nghệ của họ mang đến, nhà sáng lập của công ty, Rony Abovitz lại là người không thích hợp hoàn hảo nhất để sáng tạo ra siêu công nghệ này. Như mọi đứa trẻ lớn lên ở Nam Florida, ông bị mê hoặc bởi khoa học viễn tưởng và robot.

Khi vẫn còn là một sinh viên sau đại học, ông đã thành lập một công ty sản xuất robot cho phẫu thuật. Đó là lúc thu nhập duy nhất của ông là số tiền 30 USD một tuần cho công việc vẽ tranh biếm họa cho tờ báo của trường đại học.

Thế nhưng, đằng sau khuôn mặt chắc nịch, luôn đeo kính và thường mỉm cười này là người luôn tràn đầy ý tưởng. Phần lớn các ý tưởng là sự kết hợp giữa vật lý và sinh học.

Quả thật, để tạo ra một cánh tay robot có thể giúp bác sỹ đưa dao vào từng thớ thịt trên người bệnh, bạn phải tuân theo các định luật vật lý và sinh học, hơn nữa còn phải có trí óc của một người.

Thật may, Abovitz cũng là một con người, và thông thạo những kiến thức trên. Và robot phẫu thuật của ông bắt đầu bán chạy. Năm 2008, công ty của ông, Ma k o niêm yết cổ phiếu. Đến năm 2013, ông kiếm được 1,65 tỷ USD khi bán công ty.

Rony Abovitz, người sáng lập Magic Leap.
Rony Abovitz, người sáng lập Magic Leap.

Đó là khởi đầu của một ý tưởng mới, liệu một con đầu gối ảo có thể thay thế được cho đầu gối thật. Liệu có thể thêm một đầu gối ảo vào trong một cuộc phẫu thuật đầu gối thực? Abovitz bắt đầu suy nghĩ về công nghệ, kết hợp thế giới ảo với cuộc phẫu thuật phức tạp trong thế giới thực.

Nhưng đó cũng là lúc ông bắt đầu tạo ra một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Để tạo ra một thế giới trên hành tinh khác, ông tìm đến Weta Workshop, công ty chuyên về hiệu ứng đặc biệt, đồng sở hữu bởi đạo diễn Peter Jackson .

Weta đã tham gia tạo hiệu ứng cho The Lord of the Rings và thế giới người Na’vi trong phim Avatar. Đối với Abovitz, họ tạo ra Hour Blue, một thế giới với cá voi bay và dơi lai khỉ.

Và đó là lúc ông thành lập nên Magic Leap để phát triển thế giới đó, vì liệu còn trải nghiệm nào tốt hơn cho một thế giới ngoài hành tinh bằng không gian ba chiều.

Năm 2012, Oculus ra mắt trên Kickstarter và các thiết bị VR sử dụng điện thoại khác ra mắt. Đó cũng là lúc Abovitz chệch khỏi mục tiêu chính ban đầu. Với kiến thức về y sinh, ông nhận ra VR là công nghệ tiên tiến nhất thế giới, mà con người có thể trở thành một phần của phần cứng.

Ý nghĩa của sự hiện diện mà bạn cảm thấy với các thiết bị VR và MR, không phải bởi hình ảnh mà do các nơ ron thần kinh. Abovitz xem thực tế nhân tạo như một công nghệ cộng sinh, giữa máy móc và máu thịt. “Tôi nhận ra rằng nếu cho trí tuệ và cơ thể những gì chúng muốn, chúng sẽ trả lại cho bạn nhiều hơn.”

Thực tế nhân tạo khai phá những tính chất riêng trong giác quan của chúng ta. Nó xâm nhập một cách hiệu quả vào bộ não người theo nhiều cách, để tạo ra một chuỗi sự thuyết phục. Ví dụ, bạn có thể scan một con cá voi từ rất nhiều góc khác nhau, và dựng nó thành hình ảnh ba chiều, có thể hiển thị trên màn hình đeo trên tai, và quan sát từ một vị trí bất kỳ.

Ngay cả nếu chúng ta biết đối tượng là không thật, chúng ta vẫn cảm thấy một cách vô thức rằng sự hiện diện của nó là thật.

Kỹ sư hệ thống quang học của Magic Leap, ông Eric Browy.
Kỹ sư hệ thống quang học của Magic Leap, ông Eric Browy.

Tuy nhiên, các màn hình của thiết bị đeo này tạo ra một vấn đề khác, nó nằm ngay sát nhãn cầu mắt. Nếu thiết bị tạo ra một ảo giác về một con cá voi cách đó 30m, mắt bạn sẽ được tập trung vào hình ảnh cách đó 30m, nhưng thay vào đó, đôi mắt bạn sẽ tập trung vào một màn hình nhỏ nằm cách mắt một inch (khoảng 2,5 cm). Khi sử dụng lâu thiết bị này, những sai lệch về quang học sẽ làm suy yếu chuỗi của sự thuyết phục, và cuối cùng phá hỏng các trải nghiệm.

Giải pháp của Magic Leap là một hệ thống quang học, tạo ra ảo giác về chiều sâu theo cách mắt bạn tập trung vào các vật ở xa gần, và sẽ hội tụ hay phân kỳ với một khoảng cách chính xác.

Bên cạnh Magic Leap, còn hai thiết bị khác cũng cạnh tranh trong lĩnh vực MR này. Đó là Hololens của Microsoft, đã bắt đầu bán ra phiên bản cho các lập trình viên, và Meta, một startup khác, đã ra mắt thiết bị để khởi động cho việc gọi vốn trên Kickstarter. Cả ba thiết bị đeo MR này đều có chung đặc điểm, đó là dựa trên các hình ảnh được chiếu từ các góc cạnh khác nhau lên trên một vật liệu bán trong suốt – thường là một lớp kính được phủ một lớp vật liệu với độ dày nano.

Người dùng nhìn thế giới bên ngoài qua lớp kính, trong khi các đối tượng ảo được chiếu ra từ một nguồn sáng tại cạnh của chiếc kính, sau đó hình ảnh được tách thành chùm tia có kích thước nano, khi phản chiếu lại vào mắt người dùng.

Kính thực tế ảo Meta 1 của startup Meta.
Kính thực tế ảo Meta 1 của startup Meta.

Tuy nhiên, Magic Leap có một lợi thế, đó là các điểm ảnh biến mất. Phần lớn các màn hình hiển thị, thiết bị đeo VR đều gặp phải hiệu ứng “screen door” (các ô cửa trên màn hình) do một mạng lưới các pixel gây nên. Ngược lại, các hình ảnh ảo của Magic Leap lại mịn màng và vô cùng thực tế. Tuy nhiên, lợi thế này của Magic Leap có thể sẽ không duy trì được lâu khi chất lượng hiển thị trên các thiết bị VR và MR đang cải thiện nhanh chóng. Nhưng đó sẽ là một tương lai xa trước mắt.

Phóng viên của trang WIRED đã được dùng thử thiết bị của Magic Leap để xem một bộ phim HD trên màn hình chiếu phim ảo. Hình ảnh trong đoạn phim tươi sáng và sắc nét như xem qua một màn hình TV 55 inch vậy. Nhưng quan trọng hơn cả, khi phóng viên của WIRED tháo bỏ chiếc kính Magic Leap để quay trở lại thế giới thực tại, mọi việc diễn ra rất dễ dàng, chỉ như tháo bỏ một chiếc kính râm ra khỏi mắt. Hoàn toàn tự nhiên.

Clip demo của Magic Leap.
Clip demo của Magic Leap.

Vậy 1,4 tỷ USD rót vào startup bí ẩn này có xứng đáng?

Mặc dù đến giờ vẫn còn quá sớm để nói công nghệ của Magic Leap là dẫn đầu so với các đối thủ khác, nhưng tiềm năng của một thiết bị như Magic Leap, nếu hiển thị hoàn hảo như kỳ vọng, sẽ là vô cùng khổng lồ. Đó là một màn hình nhỏ có thể trở thành màn hình thống trị tất cả. Nếu một màn hình gần sát mắt, có thể mang đến đủ độ phân giải, độ sáng, độ rộng và sự phong phú về màu sắc, nó có thể hiển thị một màn hình ảo với bất kỳ kích thước nào.

Chơi game bằng Hololens.
Chơi game bằng Hololens.

Hãy nhìn vào các màn hình ngày nay, bạn sẽ mường tượng được quy mô của tiềm năng đó. Hàng ngày bạn sẽ thường tiếp xúc với ít nhất ba loại màn hình, điện thoại, máy tính và Tivi. Nhưng nếu có một thiết bị đeo nằm gọn trong túi của bạn, có thể thay thế toàn bộ các loại màn hình khác nhau đó. Lúc đó bạn sẽ không còn phải băn khoăn về việc liệu màn hình điện thoại quá vướng víu để cầm theo, nhưng lại quá nhỏ để vừa với nhu cầu sử dụng của bạn.

Đó cũng là một trong các tham vọng mà Hololens của Microsoft nhắm tới: thay thế tất cả các loại màn hình khác nhau trong công sở bằng thiết bị đeo. Viễn cảnh mà công ty đang hình dung là các nhân viên đang di chuyển các màn hình ảo xung quanh mình, và click vào một màn hình để được chuyển thẳng đến phòng họp 3D với các đồng nghiệp khác, đang sống ở các thành phố khác nhau.

Điều tương tự cũng sắp diễn ra ở Magic Leap, khi nhóm phát triển sẽ sớm loại bỏ các màn hình desktop để thay thế bằng màn hình ảo. Meron Gribertz, người sáng lập của startup Meta, cho biết chiếc kính thực tế hỗn hợp Meta 2 sẽ thay thế các màn hình máy tính của công ty trong vòng một năm nữa.

Chiếc kính Meta 2 của startup Meta.
Chiếc kính Meta 2 của startup Meta.

Với các tiềm năng trên, không thấy lạ tại sao Apple, Samsung hay nhiều công ty khác đang chú ý tới những công nghệ mới này. Khi thành sự thực, đó sẽ là một bước chuyển biến lớn trong nhiều ngành công nghiệp toàn cầu. Đó là các nhà thiết kế chip, sản xuất thiết bị điện tử, các tập đoàn viễn thông, các nhà sản xuất linh kiện, các nhà thiết kế phần mềm và nội dung chuyên giải trí.

Tuy nhiên vẫn là quá sớm đế nói trước điều gì sẽ xảy ra. Cho đến nay, Magic Leap đã đăng ký hơn 150 bằng sáng chế, nhưng họ vẫn chưa công khai một sản phẩm mẫu nào. Quan trọng hơn, chúng ta vẫn chưa biết đủ về nhận thức của con người để biết chắc điều gì sẽ hiệu quả nhất trong thế giới ảo, sẽ có nhiều người chơi trong thực tế ảo biến mất để hình dung chính xác hơn. Chúng ta phải bước qua thung lũng của sự hiểm nguy trước khi đến được những đỉnh cao mới.

Theo Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục
XEM