CEO Lozi: “Làm startup, bớt lo lắng đi sẽ dễ thành công hơn”
Trung quan niệm rằng, khởi nghiệp là một cuộc hành trình mà bạn sẽ liên tục thử thách mình với những khó khăn khác nhau. Và chắc chắn, trước khi tìm được con đường đúng nhất, bạn sẽ gặp hết thất bại này đến thất bại khác. Thế nhưng, không nghĩ, không sợ thất bại thì bạn sẽ chẳng bao giờ phải phải lo lắng.
Có thể ví Lozi (Startup chuyên về bình chọn địa điểm ăn uống tại Việt Nam) như một đứa trẻ sơ sinh khi sáng lập vào tháng 1/2014.
Dù chỉ ra đời được hơn 2 năm, nhưng đến nay, Lozi đã có hơn 2.000 cửa hàng đăng ký; 2,7 triệu người dùng thường xuyên và doanh thu 300.000 USD năm 2015 từ 200 USD mỗi cửa hàng phải trả hằng tháng để được quảng cáo trên ứng dụng này.
Quan trọng hơn, Startup này đã gọi vốn thành công khi thu được hơn 1 triệu USD, từ Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan. Ứng dụng gọi món này hiện được định giá 2 triệu USD.
Tuy nhiên, cũng như bất kỳ startup nào khác, lúc không có tiền hay lúc có tiền, Lozi vẫn phải đau đầu để giải quyết những vấn đề khác nhau. Nếu lúc không có tiền, Lozi loay hoay tìm ra hướng để tồn tại thì lúc được bơm vốn, startup này lại phải tìm cách sử dụng đồng tiền hiệu quả nhất.
Không có bài toán nào đơn giản, đặc biệt khi CEO và những co-fouder của Lozi vẫn là những người rất trẻ, thuộc thế hệ 9X. Liệu một startup non trẻ có chịu nổi áp lực từ những gì được kỳ vọng? Hay sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn tìm hướng đi, thậm chí mở rộng "lung tung" vì áp lực khi được rót vốn đầu tư?
Nguyễn Hoàng Trung – người cha đẻ 25 tuổi của Lozi đã cười lớn khi được hỏi anh áp lực gì từ những nhà đầu tư, đặc biệt là khi các quỹ đầu tư giờ đã nắm tỉ trọng lớn trong Lozi.
Chàng trai gốc Quảng Ngãi cho biết, cuộc sống này còn có rất nhiều điều đáng để chúng ta quan tâm hơn là việc CEO hay nhóm co-founders của một công ty nào đó mất hay còn quyền kiểm soát:
“Mối bận tâm lớn nhất của chúng tôi hiện tại là làm thế nào cải thiện cuộc sống của nhiều người hơn thông qua một ứng dụng tập trung mạnh vào hình ảnh; Lozi sẽ là ứng dụng tìm kiếm tất cả những gì xung quanh bạn”.
Lozi sẽ phát triển ra sao sau khi gọi vốn thành công hàng triệu USD?
Dù lần đầu tiếp nhận nguồn vốn lớn, song anh hiểu “áp lực” của các Startup khi được các nhà đầu tư rót tiền.
Họ luôn phải tự hỏi đâu là cách mới để tiếp cận người dùng? Và đâu sẽ là bước đi tiếp theo trên ván cờ thị trường? Viễn cảnh sắp tới của Startup này sẽ ra sao khi có điều kiện hơn về tài chính?
Câu hỏi không dễ trả lời. Thế nhưng, theo Trung, tốt nhất chúng ta hãy thôi có những suy nghĩ rườm rà và ngừng lo lắng. “Startup khi được rót vốn, họ sẽ chỉ chết khi họ đã cố gắng hàng ngàn cách khác nhau để đưa công ty đi lên, nhưng không có cách nào hiệu quả”, Hoàng Trung cho hay.
Hành trình của Lozi kể từ khi các nhà đầu tư rót vốn trong thời gian qua với anh là cả một câu chuyện thú vị. “Nhà đầu tư đã luôn tôn trọng và thấu hiểu áp lực mà Lozi tự tạo ra Vì lẽ đó, Lozi xem họ như những người bạn cùng chia sẻ".
Bạn có thể nói chuyện, tâm sự và tìm kiếm lời khuyên bởi, họ cũng từng là những người khởi nghiệp trong hành trình tìm kiếm cơ hội", Trung cho hay.
Dù còn trẻ nhưng CEO 9X đã có những suy nghĩ rất già dặn và chuyên nghiệp.
Anh quan niệm rằng, khởi nghiệp là một cuộc hành trình mà bạn sẽ liên tục thử thách mình với những khó khăn khác nhau. Và chắc chắn, trước khi tìm được con đường đúng nhất, bạn sẽ gặp hết thất bại này đến thất bại khác. Thế nhưng, không nghĩ, không sợ thất bại thì bạn sẽ chẳng bao giờ phải phải lo lắng.
Khi nói về lợi nhuận - điều mà trong dài hạn bất kỳ Startup hay DN nào cũng hướng đến, Trung cho biết, đây không phải là điều mà Lozi quan tâm tại thời điểm hiện tại. Bởi anh quan niệm, với một công ty khởi nghiệp sẽ không thể cùng một lúc đòi hỏi song song 2 điều: Tăng trưởng và Lợi nhuận.
"Một công ty khởi nghiệp cũng giống như một đứa trẻ sơ sinh, bạn cần cho nó ăn cho đến khi nó đủ lớn để đi làm. Bạn càng cố gắng vặt kiệt sức làm việc của nó càng sớm, thì sẽ càng giảm đi cơ hội để nó tạo ra số tiền lớn", Trung nói.
- Foody vừa liên kết với Uber để khách hàng di chuyển bằng Uber tới các địa điểm trên ứng dụng này. Lozi có muốn làm điều tương tự?
- Đây cũng không phải là điều mà Lozi muốn làm.
Sử dụng API của Uber để ứng dụng vào sản phẩm của mình là điều bình thường như việc bao lâu nay các website ứng dụng "Nút Like" Facebook vào trong trang web. Mọi ứng dụng đều có thể làm được trong vài dòng code mà không cần phải gặp mặt bất kì ai từ Uber.
Mỗi công ty có một chiến lược riêng của mình. Với Lozi, điều quan trọng là hãy làm những thứ thật sự giải quyết được nhiều vấn đề người dùng và thật sự mang dấu ấn riêng của mình.
- Vậy đâu là thế mạnh của Lozi trước các đối thủ mạnh hiện nay?
- Tốc độ.
- Lozi có dự tính làm hệ thống thanh toán nữa không? Nếu có thì khi nào sẽ triển khai?
- Còn quá sớm để Lozi có thể nói về hệ thống thanh toán. Với Lozi, mọi sự thay đổi đều có thể diễn ra bất cứ một lúc nào.
Điều gi đúng ngày hôm nay, không có nghĩa là vẫn đúng vào ngày mai và đó cũng là cách mà mình nhìn về thế giới này. Vậy nên, không có gì là chắc chắn tại lúc này.
Nhưng, trong ngắn hạn, đây không phải là sự quan tâm lớn nhất của Lozi.
- Phương án mở rộng tiếp theo của Lozi là gì?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng các danh mục (category) địa điểm có thể xuất hiện trên Lozi. Sau đồ ăn, Lozi đã mở rộng thời trang, đồ ăn ship, các cửa hàng làm tóc, móng và làm đẹp khác. Sắp tới, Lozi còn sẽ mở rộng thêm nhiều thể loại địa điểm khác nữa.
- Mục tiêu mà Lozi đặt ra trong năm nay?
- Trở thành ứng dụng tìm kiếm đồ ăn, quần áo, đồ ăn ship và mọi thứ từ cửa hàng xung quanh bạn.