"Cánh én" The Coffee House và nỗ lực "làm nên mùa xuân" thay đổi định kiến cà phê Việt là sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ
Theo nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh, "một cánh én không thể làm nên mùa xuân" cho ngành cà phê Việt Nam, nhưng mỗi mùa xuân đều bắt nguồn từ cánh én đầu tiên và The Coffee House nguyện làm cánh én đầu tiên đó. Thế nên, dù cô đơn nhưng họ lại cảm thấy hạnh phúc.
Những đám mây u ám đang phủ lên ngành cà phê Việt Nam. Với mức giá trung bình 29.000 đồng/kg (ngày 9/5), giá cà phê đang ở mức thấp nhất trong trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, mức đầu tư của người nông dân cho 1kg cà phê là vào khoảng 35.000 đồng/kg. Người ta thường bảo, ngành nông nghiệp Việt thường "được mùa mất giá và mất mùa được giá", nhưng quy luật bất thành văn đó lại không đúng với ngành cà phê vụ mùa 2018 – 2019, khi vừa mất mùa vừa mất giá.
Thực trạng này đã được dự báo trước trong năm 2018, khi giá cà phê đã giảm trung bình 16%. Khủng hoảng giá này đã gây thiệt hại cho ngành hơn 3.000 tỷ đồng. Kéo theo đó, diện tích trồng cà phê trong năm 2018 đạt khoảng 688.400 ha, thu hẹp hơn 15% so với năm 2017. Xuất khẩu cà phê đạt 1,882 triệu tấn, trị giá 3,5 tỷ USD, tăng trên 20% về lượng nhưng chỉ tăng nhẹ 1,2% về giá trị so với năm 2017.
Theo anh Nguyễn Văn Hòa – Chuyên gia quản lý chất lượng hạt cà phê nhân xanh tại The Coffee House, có rất nhiều nguyên nhân tạo nên thảm trạng trên. Đầu tiên là bởi giá cà phê thế giới xuống thấp kéo theo giá cà phê Việt Nam cũng bị giảm theo. Thứ hai là chất lượng đầu ra của vụ mùa năm 2019 kém hơn năm 2018 do hạn hán kéo dài. Thứ ba là bởi cây cà phê không còn mang lại giá trị kinh tế nên nhiều nông dân chặt bỏ để trồng các loại cây trồng khác.
Còn với anh Lê Trung Hưng – Chuyên gia có hơn 20 năm trong ngành thu mua cà phê, thì nguyên nhân sâu xa và cốt lõi nhất dẫn đến việc giá cà phê lao dốc là bởi chất lượng cà phê của Việt Nam còn quá thấp.
"Cà phê Việt Nam cũng có 'thương hiệu', đó là ‘cà phê chất lượng thấp giá rẻ’", anh Lê Trung Hưng chua sót nhận định.
Chất lượng là một điểm yếu chết người của ngành cà phê Việt Nam. Sản lượng cà phê của Việt Nam mỗi năm rất lớn, nhưng tiêu thụ trong nước chỉ vào khoảng 10% còn 90% là xuất khẩu, mà cà phê chất lượng cao chỉ chiếm chưa tới 10% tỷ trọng thu hoạch. Do đó dù khối lượng xuất khẩu lớn những giá trị thu lại chẳng bao nhiêu. Hầu hết cà phê Việt nam đều nằm dưới thang điểm 70 của Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới – SCA, mà phải trên 70 điểm mới là cà phê chất lượng cao.
Theo anh Lê Trung Hưng, nâng cao chất lượng hạt cà phê là con đường duy nhất để nông dân trồng cà phê của Việt Nam có thu nhập ổn định, đồng thời nâng cao được thương hiệu cà phê Việt. Việc diện tích trồng cà phê giảm xuống không hẳn là điều gì đó quá xấu, cây cà phê đã làm hết nhiệm vụ "cứu đói" cho bà con nông dân, đây là giai đoạn phát triển về chất chứ không phải lượng. Diện tích cà phê ít nhưng chất lượng cao tốt hơn nhiều nhưng chất lượng thấp.
Hầu hết cà phê kiểu Ý Espresso ở châu Âu đều có phần nền là cà phê Robusta của Việt Nam, nhưng mấy ai biết điều đó.
Tuy nhiên, theo anh Hưng, không phải tất cả các loại cà phê của Việt Nam đều đang rớt giá, ví dụ như các loại cà phê đặc sản. Hiện tại, thị trường cà phê đặc sản Việt Nam đang tương đối sôi động, giá cà phê đặc sản cũng khá cao, nhiều lúc còn cao hơn giá trị thật của nó.
"Đây là điều vừa đáng mừng vừa đáng lo. Vì nếu giá cà phê nhân đặc sản quá cao, sẽ có những nhà cung cấp mang hàng từ Brazil hay Colombia về Việt Nam chào bán, lúc đó có thể chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Theo quan điểm của tôi, cà phê đặc sản Việt nên được bán đúng với giá trị thật, nếu không sẽ tạo ra một thị trường bát nháo, gây rủi ro cao, lợi bất cập hại", anh Lê Trung Hưng cảnh báo.
Sau tất cả, Nguyễn Hải Ninh – Nhà sáng lập và CEO của The Coffee House chính là người thấm thía nhất sự tăm tối của thị trường cà phê ở thời điểm hiện tại.
Nhà sáng lập và CEO của The Coffee House Nguyễn Hải Ninh.
Không biết là nên vui hay nên buồn, khi lúc The Coffee House bắt đầu thực hiện chiến dịch "Từ nông trại đến tách cà phê", bằng việc mua lại mảng cà phê của Cầu Đất Farm, để trực tiếp tham gia cùng bà con nông dân làm nên những hạt cà phê chất lượng cao, thì cũng là lúc ngành cà phê Việt Nam liên tiếp gặp khó.
Đỉnh điểm, trong thời gian gần đây, không ít nông dân trồng cà phê đã đến gặp trực tiếp Nguyễn Hải Ninh để hỏi xem công ty anh còn thu mua cà phê nữa hay không.
"Thường thì để bán cà phê, người nông dân sẽ đến gặp team thu mua của The Coffee House chứ không phải gặp tôi, việc họ đến gặp trực tiếp tôi cho thấy họ đang tuyệt vọng đến nhường nào.
Thêm nữa, nếu bán với giá thị trường trên dưới 30.000 đồng họ sẽ bị lỗ, chỉ khi bán với giá 60.000 đồng/kg (cà phê Arabica) cho The Coffee House thì họ mới có chút lời. Trong vụ mùa cà phê năm nay, ở mặt bằng chung, chỉ những ai làm giỏi lắm thì huề vốn còn đâu toàn lỗ", CEO The Coffee House cho biết.
Mặc dù, nếu mua với giá thị trường thay vì trung bình 60.000 đồng/kg, với việc tiêu thụ và xuất khẩu từ 300 đến 400 tấn cà phê/năm, The Coffee House sẽ tiết kiệm được vài tỷ đồng, một con số không nhỏ với doanh nghiệp startup như họ, nhưng The Coffee House không làm vậy, vì "chỉ khi người nông dân có lợi nhuận thì họ mới cố gắng làm chuẩn chất lượng cao". Ngay cả khi giá cà phê 60.000 đồng/kg, doanh nghiệp này cũng cố gắng mua với giá 100.000 đồng/kg.
Dù không muốn, nhưng với sức lực nhỏ bé của The Coffee House, Nguyễn Hải Ninh đành phải từ chối lời chào mua cà phê của nhiều bác nông dân. Theo thú nhận của CEO này, cảm giác của anh cũng tệ ngang ngửa người nông dân khi cất tiếng từ chối họ. Thế nên, anh càng cảm thấy quyết tâm hơn với con đường làm cà phê chất lượng cao mà mình đã chọn với chiến dịch "Từ nông trại đến tách cà phê".
Hiện tại, phần lớn chất lượng cà phê mà The Coffee House thu được từ diện tích sở hữu cũng như liên kết đều đạt từ 70 điểm trở lên, chấm theo thang điểm của SCA.
Ngoài liên kết với người nông dân, mời các chuyên gia trong và ngoài nước đến đào tạo cho họ cách nuôi trồng cà phê chất lượng cao, cam kết đầu ra; The Coffee House còn có ý định mở một Học viện cà phê, mở một trung tâm kiểm định chất lượng cà phê chuẩn thế giới tại Việt Nam, mở concept quán cà phê gần các vùng nguyên liệu như Đà Lạt, Buôn Ma Thuộc…
Bằng nhiều cách khác nhau, The Coffee House muốn tôn vinh cà phê Việt và cà phê chất lượng cao, muốn khuyến khích người tiêu dùng sử dụng cà phê tốt và người nông dân trồng cà phê Việt Nam thay đổi tư duy nuôi trồng, ưu tiên chất lượng hơn là số lượng.
"Hiện tại, The Coffee House có 160 cửa hàng bán 10 triệu cốc cà phê mỗi năm và dự kiến sẽ có 200 cửa hàng vào năm 2020. Và kể cả khi sản lượng đầu vào của chúng tôi có tăng lên 10 lần thì vẫn không bõ bèn gì với sản lượng mà ngành cà phê tạo ra mỗi năm. Do đó, một mình chúng tôi không thể làm thay đổi được bộ mặt của ngành cà phê Việt Nam.
Một cánh én không thể làm nên mùa xuân, nhưng mỗi mùa xuân đều bắt nguồn từ cánh én đầu tiên và The Coffee House nguyện làm cánh én đầu tiên đó. Thế nên, dù cô đơn nhưng chúng tôi lại cảm thấy hạnh phúc", anh Nguyễn Hải Ninh bày tỏ.
Thay vì để người khác – thị trường thế giới quyết định vận mệnh của mình, giới cà phê Việt Nam hãy cùng nhau đứng lên tự quyết định vận mệnh của bản thân.