Cảnh báo 17% đất canh tác toàn cầu bị ô nhiễm kim loại nặng
Có tới 17% diện tích đất canh tác trên toàn cầu bị nhiễm ít nhất một loại kim loại nặng độc hại, đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe của khoảng 900 triệu đến 1,4 tỷ người.
Đây là kết quả của nghiên cứu được công bố ngày 17/4 trên tạp chí Khoa học (Science).
Nghiên cứu đầu tiên này cung cấp cái nhìn tổng quan toàn cầu về mức độ ô nhiễm kim loại nặng trong đất. Các nhà khoa học đã tiến hành một phân tích tổng hợp quy mô lớn, sử dụng dữ liệu từ gần 800.000 mẫu đất thu thập từ nhiều nghiên cứu trước đó để đưa ra kết luận này.
Để đảm bảo tính chính xác và đại diện của dữ liệu, nhóm nghiên cứu đã cẩn trọng loại bỏ các mẫu được thu thập có chủ đích tại các khu vực đã biết là bị ô nhiễm. Sau đó, họ ứng dụng các thuật toán học máy tiên tiến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích gần 800.000 mẫu đất, xác định các khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Nhóm nghiên cứu - do chuyên gia môi trường Deyi Hou từ Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) dẫn đầu - tập trung vào các khu vực có nồng độ của ít nhất 1 trong 7 kim loại nặng vượt quá ngưỡng an toàn khuyến nghị cho nông nghiệp và sức khỏe con người.
Bảy kim loại này bao gồm arsen, cadmium, coban, crom, đồng, niken và chì. Các kim loại nặng này có thể gây tổn hại cho sức khỏe con người, động vật và thực vật ở các liều lượng khác nhau. Chúng dễ dàng xâm nhập vào các hệ sinh thái khác nhau thông qua chuỗi thức ăn và nguồn nước, gây ra những hậu quả lâu dài và khó lường.
Kết quả cho thấy có 14% đến 17% tổng diện tích đất canh tác trên toàn cầu chứa ít nhất một trong các kim loại nặng trên. Đáng chú ý, có từ 900 triệu đến 1,4 tỷ người hiện đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao này.
Nguyên nhân gây ra ô nhiễm kim loại nặng trong đất có thể xuất phát từ cả những quá trình địa chất tự nhiên và các hoạt động của con người - bao gồm chất thải công nghiệp, hoạt động nông nghiệp không bền vững và khai thác mỏ.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng dữ liệu ở một số khu vực còn hạn chế, đặc biệt là châu Phi, gây khó khăn cho việc xây dựng các chương trình mục tiêu để giảm thiểu rủi ro.
Do đó, nghiên cứu này được xem như một cảnh báo khoa học khẩn cấp đối với các nhà hoạch định chính sách và nông dân, kêu gọi họ thực hiện các biện pháp cần thiết và ngay lập tức để giải quyết vấn đề nghiêm trọng này.