Canh bạc của Trung Quốc: Từ bỏ BĐS và TMĐT chuyển sang xe điện, nhịn đau tái cơ cấu nhằm tự cường
Trong vòng 10 năm, Trung Quốc từ nền kinh tế phụ thuộc vào luật chơi nước ngoài đã chuyển mình thành thị trường tự cường, buộc doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế phải tuân theo tiêu chuẩn của mình.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay dù các số liệu mới đây chỉ ra nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng nhưng những mảng mà thị trường này tập trung như xe điện, năng lượng mặt trời lại bộc lộ điểm sáng.
Theo WSJ, chính quyền Bắc Kinh đã thành công dịch chuyển trong 3 năm qua, rút khỏi sự phụ thuộc vào mảng bất động sản và những tập đoàn công nghệ Internet để hướng sang các ngành như xe điện, năng lượng mặt trời để làm động lực phát triển kinh tế.
Động thái này của Trung Quốc là có cơ sở khi giải quyết các vấn đề về bong bóng bất động sản, chứng khoán, giảm thiểu rủi ro tài chính và mất cân bằng thu nhập.
Nhờ những chính sách sáng suốt này mà các ngành bán dẫn, ắc quy cùng hàng loạt mảng công nghệ khác của Trung Quốc trở thành điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, thậm chí khiến nhiều nước Phương Tây như Mỹ cũng phải e dè.
Tờ WSJ cho hay tăng trưởng xuất khẩu thiết bị điện tử đã góp phần rất lớn giúp nền kinh tế Trung Quốc vượt qua nhiều khó khăn giai đoạn đầu thập niên 2020. Dù cuộc xung đột Mỹ-Trung hiện nay khiến những thành quả này trở nên không chắc chắn trong ngắn hạn nhưng về dài hạn, sự chuyển mình của nền kinh tế Trung Quốc là điều rõ ràng.
Từ bán nhà sang bán xe điện
Nền kinh tế Trung Quốc đang được nhận định là một siêu cường nhờ những biến chuyển bất ngờ trong 10 năm qua. Từ vị thế phải học hỏi và đi theo luật chơi của các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường Trung Quốc đã dần chuyển mình, tự cường để buộc các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài phải tuân theo tiêu chuẩn của mình.
Tổng GDP của Trung Quốc đã tăng từ 8.500 tỷ USD năm 2013 lên 18.100 tỷ USD năm 2022, thậm chí nếu tính theo sức mua tương đương (PPP) thì GDP của nước này đã vượt qua cả Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đây là một kỳ tích khi GDP của Trung Quốc năm 2013 chỉ bằng 50% Mỹ thì đến năm 2022 đã bằng 75%. Đáng ngạc nhiên hơn, nền kinh tế Trung Quốc đã hoàn toàn thay đổi về cơ cấu khi không còn dựa vào bong bóng thị trường bất động sản hay những mảng công nghệ Internet nhiều bất cập. Thay vào đó, các ngành công nghiệp đòi hỏi chất xám thực sự như xe điện, chất bán dẫn, năng lượng xanh...đã trở thành động lực mới cho tương lai phát triển.
Với quan điểm cực kỳ rõ ràng “Nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ”, chính quyền Bắc Kinh đã chấn chỉnh mạnh tay ngành bất động sản bất chấp đây là mỏ vàng ngân sách của các địa phương hay là động lực kinh tế chính.
Nếu vào năm 2012, khoảng một nửa trong số top 10 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc là ở mảng bất động sản thì đến năm 2022, không một đại gia nào trong top này làm giàu từ bán nhà cả.
Khi ngành bất động sản Trung Quốc lao đao hậu đại dịch và ông lớn Evergrande có nguy cơ vỡ nợ, nhiều đồn đoán rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ phải cứu giúp nhằm tránh một vụ xì hơi bong bóng gây sụp đổ dây chuyền. Thế nhưng Trung Quốc đã mặc kệ cho ông lớn bất động sản này vỡ nợ cùng nhiều doanh nghiệp buôn nhà đất khác và gần 1 năm đã trôi qua nhưng chẳng có gì xảy ra cả.
Đặc biệt, việc đả kích ngành bất động sản để chuyển hướng công nghệ khiến giá nhà Trung Quốc đi xuống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo khi tầng lớp đầu cơ dần biến mất đã khiến xã hội Trung Quốc trở nên bền vững hơn. Những nguy cơ của hệ thống tài chính khi vay vốn quá cao để đầu cơ nhà đất dần biến mất.
Rõ ràng, Trung Quốc đang dần từ bỏ mảng bất động sản vốn quá nhiều rủi ro, chỉ làm giàu cho một bộ phận mà không đem lại sự phát triển kỹ thuật hay giúp nâng tầm nền kinh tế trong chuỗi cung ứng. Thay vào đó, chính quyền Bắc Kinh dồn sức cho công nghệ mà cụ thể hơn là những “phần cứng” đem lại chất xám như xe điện, chất bán dẫn.
Đối với nhiều người, việc Trung Quốc chấn chỉnh ngành công nghệ Internet như Alibaba là do tỷ phú Jack Ma “vạ miệng”. Thế nhưng đây được coi là một trong những bước đi chiến lược của Bắc Kinh nhằm chuyển hướng khỏi mảng công nghệ “phần mềm” như thương mại điện tử, bán hàng online chẳng đem lại nhiều lợi ích dài hạn, chất xám hay giúp nước này nâng tầm trên thị trường.
Cho dù Alibaba hay JD.com có lớn đến đâu đi chăng nữa thì những tập đoàn này chỉ được biết đến tại Trung Quốc và chẳng vươn tầm cạnh tranh được với các đối thủ tương tự nước ngoài. Các công ty này hướng nhiều đến lợi nhuận, bán hàng chứ không thực sự phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế để giúp Trung Quốc đi lên trong chuỗi cung ứng.
Cái mà Trung Quốc muốn hướng đến là công nghệ chip, chất bán dẫn, xe điện...những thứ không chỉ có thể đem về lợi nhuận mà còn có thể ứng dụng mọi mặt đời sống, từ kinh doanh cho đến quốc phòng, đồng thời nâng tầm toàn nền kinh tế thành đối trọng với nhiều cường quốc khác.
Lấy ví dụ ngành chip, dù nước này mới chỉ tự sản xuất được 15-25 nm, kém xa so với 5-14nm của Mỹ và Hàn Quốc nhưng Trung Quốc lại tự chủ hoàn toàn chuỗi sản xuất từ đầu đến cuối. Đây là một trong những lý do khiến chính quyền Washington ráo riết kêu gọi các đồng mình cấm xuất khẩu máy móc, thiết bị hay các công nghệ tiên tiến trong mảng chip bán dẫn để kìm chân Bắc Kinh.
Tuy nhiên đây cũng chỉ còn là vấn đề thời gian khi một số thiết bị ASML, hãng sản xuất thiết bị in khắc thạch bản cho chip điện tử hàng đầu thế giới đã bị Trung Quốc phá vỡ thế độc quyền vào năm 2019. Dù không phải thiết bị hay công nghệ tiên tiến nhất nhưng đây là bước khởi đầu cho thấy Trung Quốc dần không còn phải phụ thuộc vào nước ngoài cũng như tuân theo luật chơi của người khác nữa, thay vào đó cường quốc này đang dần tự chủ để thiết lập tiêu chuẩn cho riêng mình.
Giờ đây, hàng loạt các tập đoàn lớn như Apple, Tesla phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc mà không tìm được thị trường nào khác thay thế. Vô số những công ty nước ngoài như LVMH, Starbucks...coi thị trường 1,4 tỷ dân là mỏ vàng và chấp nhận tuân theo những tiêu chuẩn của họ.
Nếu trước đây Apple tạo nên chuỗi cung ứng làm điện thoại cho Trung Quốc thì giờ đây tình thế đã đảo ngược. Nhà táo khuyết cần Trung Quốc hơn là ngược lại, cả về chuỗi cung ứng lẫn thị trường.
Điểm sáng
Bất chấp những lời nhận định tiêu cực, tờ WSJ cho rằng tăng trưởng GDP đạt 6,3% trong quý II của Trung Quốc so với cùng kỳ năm trước là khá ấn tượng khi nền kinh tế này từng thực hiện chiến dịch “Zero Covid” trong thời gian dài, thêm vào đó là xì hơi của hàng loạt những ngành kinh tế chủ chốt như bất động sản, công nghệ, giáo dục...
Dù vẫn mơ hồ nhưng WSJ cho rằng nhiều khả năng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể đạt được mức tăng trưởng 5% theo kế hoạch trong năm nay.
Một trong những yếu tố quan trọng cho nhận định trên là sự bùng nổ của ngành xe điện, năng lượng xanh và ắc quy, vốn đang được chính quyền Bắc Kinh thúc đẩy.
Trong nửa đầu năm 2023, đầu tư vào tài sản cố định của ngành thiết bị điện đã tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Con số này là tăng 20% trong mảng xe điện nói riêng. Tổng đầu tư cho mảng sản xuất tư nhân tại Trung Quốc tăng 8,6% trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, mặc dù thấp hơn tỷ lệ của năm 2022 so với 2021 nhưng lại vượt trội so với đầu tư chung toàn ngành công nghiệp.
Hiện tại, những ngành công nghệ mới này còn khá nhỏ so với các mảng đã được dày công xây dựng nhiều năm như sản xuất điện thoại, máy tính hay thương mại điện tử nhưng điều đó cũng cho thấy tiềm năng trong lĩnh vực mới mà Trung Quốc đầu tư.
Tính đến tháng 5/2023, mảng máy tính và thiết bị điện tử của Trung Quốc tuyển dụng số nhân lực nhiều gấp đôi so với ngành ô tô. Các nền tảng công nghệ Internet của nước này vẫn chiếm 1/4 số việc làm ở thành thị, trong khi xuất khẩu máy tính và điện thoại đạt kim ngạch đến hơn 24 tỷ USD vào tháng 5, cao hơn nhiều mức 14 tỷ USD xuất khẩu ắc quy Lithium, xe điện hay tấm năng lượng mặt trời.
Vậy nhưng nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng cũng như sự quyết tâm của chính quyền Bắc Kinh, tình hình hiện nay sẽ dần thay đổi. Xuất khẩu xe hơi và thiết bị ô tô của Trung Quốc đã tăng 40% trong tháng 6/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu ắc quy Lithium tăng 42% trong tháng 5/2023.
Điều đáng ngạc nhiên hơn là đà tăng trưởng này diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu tháng 6 của Trung Quốc trên toàn ngành giảm 12% chỉ vì nhu cầu yếu ở mảng máy tính lẫn điện thoại.
Theo WSJ, nền kinh tế Trung Quốc cũng như tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ hiện nay sẽ dần hồi phục sau khi chính quyền Bắc Kinh chuyển hướng từ bất động sản và công nghệ Internet sang những mảng mới. Người lao động sẽ dần định hướng lại nhu cầu tuyển dụng để thích nghi bởi các ngành sản xuất ô tô điện, ắc quy, bán dẫn...đều cần lượng lớn nhân lực.
Thêm vào đó, sự dẫn đầu của Trung Quốc trong những mảng mới này sẽ giúp nền kinh tế dần ổn định trở lại và tăng trưởng mạnh hơn về quy mô nếu không có biến động nào khác.
Rõ ràng, nền kinh tế Trung Quốc không chỉ đứng dậy, trở nên giàu có mà còn đem lại sự mạnh mẽ, tự cường nhờ canh bạc chuyển hướng cơ cấu thành công.
*Nguồn: WSJ