Cẩm nang giúp công ty gia đình Việt giữ được cơ nghiệp trăm năm: Hãy khuyến khích con cái khởi nghiệp ở bên ngoài hoặc trải nghiệm từ dưới lên, thay vì nhấc thẳng họ từ ghế nhà trường tới chiếc ghế to nhất
Trước khi trao quyền lực tối cao trong doanh nghiệp gia đình, các chủ doanh nghiệp hãy để người kế nghiệp tôi luyện trước bản lĩnh kinh doanh trong các startup. Ngoài ra, một giám đốc U30 sẽ rất khó hòa hợp khi làm việc với Ban giám đốc toàn U50/U60, thế nên hãy đào tạo một ekip cùng thế hệ cho người được chọn.
Trên thế giới, các doanh nghiệp gia đình đóng góp 40% trong tổng GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, theo số liệu được công bố gần đây, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% vào tổng GDP của đất nước.
Mạnh mẽ là thế, nhưng rất ít doanh nghiệp gia đình trên thế giới có thể giữ được cơ nghiệp của mình trăm năm. Theo khảo sát của PwC, thì chỉ 30% doanh nghiệp chuyển giao thành công ở thế hệ thứ hai, chỉ 12% doanh nghiệp chuyển giao thành công ở thế hệ thứ ba và và chỉ 3% doanh nghiệp chuyển giao thành công ở thế hệ thứ tư. Còn tại Việt Nam, chỉ có 57% doanh nghiệp tiết lộ sẽ có kế hoạch bàn giao trong 10 năm tới.
"Một nghiên cứu của Williams và Preisser nhằm trả lời cho câu hỏi ‘Vì sao các doanh nghiệp gia đình lại không chuyển giao thế hệ thành công?’ cho thấy: 60% là do thiếu sự trao đổi thông tin giữa các thế hệ, 25% thiếu chuẩn bị và kế hoạch (chỉ 23% có kế hoạch bằng văn bản rõ ràng chắc chắn về sự kế thừa), 15% do những nguyên nhân khác như quyết định về tài chính kém, tư vấn về pháp lý không tốt", ông Phạm Phú Trường – Tổng Giám đốc GIBC, cho biết.
Ngoài ra, theo quan sát của ông Trường, sự thay đổi nhanh của công nghệ dẫn đến sự thay đổi của giá trị sống, nhiều bạn trẻ muốn tách khỏi gia đình để khởi nghiệp riêng, DNA về kinh doanh trong gia đình không được con cái kế thừa... cũng là những nguyên nhân khác khiến sự kế thừa trong các doanh nghiệp gia đình đứt đoạn.
Hoàn toàn đồng tình với nhận định của ông Phạm Phú Trường, ông Bùi Tuấn Minh – Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, nêu cụ thể: Trong vài năm gần đây, có không ít công ty gia đình tại Việt Nam phải đóng cửa, bán bớt hoặc bán dần tài sản để chuyển sang công ty cổ phần hay TNHH. Dù cho con cái đi học nước ngoài, nhưng không ít chủ doanh nghiệp vẫn không tin người kế thừa, cho rằng chúng không đủ trình độ và non kinh nghiệm.
Ông Bùi Tuấn Minh – Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam
"Muốn công cuộc chuyển giao thế hệ thành công, các doanh nghiệp gia đình phải chuyên nghiệp hóa các mối quan hệ trong gia đình, lên kế hoạch chuyển giao từ rất sớm – khoảng lúc 40 tuổi đến 50 tuổi là phải làm xong. Bên cạnh đó, chúng ta phải công bằng giữa con gái và con trai.
Chúng tôi từng đi phỏng vấn nhiều về chuyện chuyển giao, có nghe các chủ doanh nghiệp kể rằng: Tôi đã cho đứa này đi học cái này đứa kia đi học cái kia, rồi học xong chúng sẽ nắm mảng này mảng kia… Theo quan điểm của tôi, tốt nhất, các chủ doanh nghiệp nên viết xuống các kế hoạch, cập nhật qua từng năm tháng sẽ giúp tiến trình chuyển giao rõ ràng hơn nhiều.
Chúng ta cũng phải đưa ra trường hợp: nếu con cái của mình không có khả năng hoặc không mong ước kế nghiệp gia đình thì phải làm sao? Quan trọng nữa, các thế hệ phải ngồi lại nói chuyện cùng nhau, tìm cách chấp nhận sự khác biệt của nhau", ông Bùi Tuấn Minh đề nghị.
Nệm Liên Á là một trong những doanh nghiệp gia đình có sự chuyển giao thế hệ rất thành công. Dưới thời của người con Lâm Ngọc Minh, Nệm Liên Á đang vươn lên số 1 thị trường về doanh số, vượt qua những cái tên đình đám như Vạn Thành, KymDan.
Theo ông Lâm Ngọc Minh, sự chuyển giao thế hệ trong doanh nghiệp của gia đình ông diễn ra khá chắc chắn và chậm rãi. Ở những năm 2000s, ông được ba mình cho ngồi vào chiếc ghế Phó Giám đốc điều hành, phụ trách việc ra giá bán, tiếp thị, bán hàng… Và sau khi chứng minh được năng lực của mình ở vị trí này, ông mới từ từ được cất nhắc lên vị trí CEO.
Trong suốt thời gian chuyển giao, đã có không ít xung đột diễn ra giữa hai cha con nhà họ Lâm, ví dụ như lúc ông Minh quyết định mời một nhà thiết kế thời trang Việt Kiều Pháp về làm cho Nệm Liên Á trong sự phản đối của ba mình. Tuy nhiên, cuối cùng ông Minh vẫn được quyết định theo ý mình. Sau những lần ra quyết định đúng, tất nhiên ông Minh sẽ được ba mình trao cho nhiều quyền hành hơn.
"Sở dĩ Nệm Liên Á có thể chuyển giao thế hệ thành công, một phần là bởi ba tôi cho phép tôi được quyền thất bại. Tất nhiên là những thất bại trong khuôn khổ cho phép, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Tôi đã học rất nhiều điều qua thất bại hơn là thành công", ông Lâm Ngọc Minh nhận định.
Nệm Liên Á đã hoàn tất việc chuyển giao, còn Công ty CP Minh Dương vẫn chưa. Công ty thuộc ngành gỗ này hiện có 3.000 công nhân với 17 năm hình thành và phát triển. Dù ông bà chủ Minh Dương có khá nhiều người con, nhưng hiện tại, chỉ duy nhất chị Dương Thị Minh Tuệ là vào làm trong công ty gia đình, nắm giữ vị trí Giám đốc phát triển kinh doanh.
Chị Dương Thị Minh Tuệ - Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty CP Minh Dương
"Khi tôi mới vào làm trong công ty, tôi cũng đã gặp rất nhiều va chạm, tôi buộc mình phải chiêm nghiệm và tự điều chỉnh sau những va chạm đó. Không ít lần tôi đã phải tự hỏi mình là ai, vào đây để làm gì và mình có thể đóng góp được điều gì cho công ty, mình là mảnh ghép gì…?
Tôi cũng đã cố gắng chia sẻ với ba mẹ những vấn đề mà tôi không tự giải quyết được hoặc những khó khăn/áp lực mà tôi đang cảm thấy, sau đó chúng tôi cùng ngồi tìm giải pháp tốt cho cả hai. Tôi biết nền tảng của mình chưa đủ tốt, mình còn có nhiều lỗ hổng, nên mình phải tự phát triển bản thân hơn nữa.
Tôi luôn tự nhủ, nếu tôi đủ năng lực tôi sẽ cố học tập để bù đắp những gì còn thiếu, còn nếu tôi không đủ năng lực, có lẽ sẽ có những người ngồi lên vị trí đó tốt hơn tôi", chị Minh Tuệ trăn trở.
Để làm rõ hơn vấn đề, chuyên gia kinh tế Lê Phụng Hào cho rằng, chúng ta phải phân biệt rõ giữa thừa kế và kế nghiệp. Từ kinh nghiệm thực tiễn qua rất nhiều năm đi tư vấn cho các doanh nghiệp gia đình, theo ông, để thành công chuyển giao thế hệ, các ba mẹ nên tiến hành hai bước sau: khuyến khích con cái khởi nghiệp và chuyển giao thế hệ thì phải đồng bộ.
"Nên khuyến khích người kế thừa thành lập doanh nghiệp riêng, giúp chúng có môi trường để trải nghiệp chuyện kinh doanh, sau đó mới quay lại kế nghiệp gia đình. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp phải đào tạo và xây dựng cho người kế nghiệp một đội ngũ đồng điệu, ít nhất là phải về tuổi tác.
Trong thời điểm người kế thừa ra ngoài học tập – trải nghiệm, người chủ doanh nghiệp phải xây dựng một đội ngũ chủ chốt là người trẻ. Chuyển giao thế hệ là phải đồng bộ, không thể mỗi vị trí Giám đốc là người trẻ còn những vị trí còn lại trong Ban lãnh đạo toàn là người già. Thêm nữa, trong thời đại số như thế này, mô hình kinh doanh thay đổi liên tục, doanh nghiệp cần một đội ngũ trẻ để thích ứng nhanh với thời cuộc.
Miễn sao, thế hệ sau kế thừa được DNA của thế hệ trước, là cơ nghiệp của gia đình đó có thể giữ được trăm năm", ông Lê Phụng Hào nhấn mạnh.
Theo đó, để thành công chuyển giao thế hệ trong doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam, đầu tiên chủ doanh nghiệp phải có kế hoạch thật sớm – chi tiết – cụ thể - đồng bộ, người kế thừa nên được trải nghiệm kinh doanh từ bên ngoài hoặc từ dưới lên thay vì nhấc họ từ nhà trường đến chiếc ghế to nhất, cần phải có sự truyền thông và thấu hiểu giữa các thế hệ...