Cái giá của sự phụ thuộc vào Trung Quốc: Evergrande đang ‘nhấn chìm’ con tàu kinh tế Australia như thế nào?
Phép màu tăng trưởng gần 30 năm của Australia sụp đổ khi Trung Quốc không cần họ nữa.
Theo tờ SCMP, Australia là quốc gia giàu khoáng sản. Những người đầu tiên khai phá vùng đất này đã phát hiện lượng lớn quặng sắt, qua đó làm bùng nổ cả một ngành khai khoáng vào đầu thập niên 1990.
Thế nhưng hơn 100 năm sau, Australia lại vẫn dựa dẫm vào khai khoáng và xuất khẩu tài nguyên như quặng sắt để phát triển. Điều trớ trêu là đà tăng trưởng kinh tế kéo dài vài thập niên của Australia lại không đến từ người tiêu dùng trong nước mà là phụ thuộc vào Trung Quốc.
Xin được nhắc là 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Australia đến từ việc bán tài nguyên, khoáng sản cho nước ngoài, mà chủ yếu ở đây là Trung Quốc.
Kể từ năm 1991, Australia liên tục tăng trưởng và chỉ chịu cúi đầu vào năm 2020 trước đại dịch Covid-19. Tờ SCMP nhận định kết quả kinh tế đầy ấn tượng này có được là nhờ việc liên tục đào khoáng sản và bán tài nguyên cho nước khác.
Những nguyên liệu như sắt, than, đồng được bán với số lượng lớn cho Trung Quốc, nền kinh tế đã từng bùng nổ với thị trường bất động sản nóng bỏng và công cuộc mở rộng hệ thống đường sắt. Có thể nói chính nhu cầu cao từ Trung Quốc đã đẩy giá nguyên liệu tăng, qua đó đóng góp cho nền kinh tế Asutralia.
Năm 2020, quặng sắt đóng góp đến 41% tổng kim ngạch xuất khẩu của Australia với tổng giá trị lên đến 149 tỷ AUD, tương đương 110 tỷ USD.
Thế nhưng việc dựa dẫm vào quốc gia khác cũng có mặt trái của nó khi năm 2021, việc xuất khẩu khoáng sản bị đình trệ và cả nền kinh tế Australia đối mặt với khó khăn chưa từng thấy.
Những ngày tháng Trung Quốc mua nhiều khoáng sản từ Australia đã chấm dứt, vậy điều gì đang diễn ra?
Trung Quốc không cần Australia nữa
Theo SCMP, có 3 nguyên nhân chính khiến Trung Quốc không cần Australia nữa. Đầu tiên, xung đột thương mại giữa 2 nền kinh tế này khiến chính quyền Bắc Kinh giảm nhập khẩu từ Australia. Vậy là những mặt hàng từ đồng, đường, gỗ hay thậm chí là tôm hùm từ Australia đều bị Trung Quốc từ chối.
Tiếp đó, nhu cầu về quặng sắt, than đá hay đồng của Trung Quốc cũng giảm mạnh do thị trường bất động sản nơi đây gặp biến động. Sau nhiều năm tăng trưởng nóng, chính quyền Bắc Kinh quyết định siết chặt nguồn vốn của thị trường bất động sản khiến hàng loạt tập đoàn đối mặt khả năng vỡ nợ. Từ Evergrande đến Sinic và mới đây nhất là Fantasia.
Vụ việc Evergrande đang khiến nhu cầu sắt thép, than đá của Trung Quốc suy giảm mạnh.
Hàng loạt những "thành phố ma"-khu đô thị được xây nhưng chẳng có ai ở của Trung Quốc đã khiến chính quyền Bắc Kinh nhận ra họ không thực sự cần nhiều nguyên liệu nhập khẩu đến vậy.
Tờ Financial Times từng ước tính những thành phố ma này có thể chứa đến 90 triệu hộ gia đình Trung Quốc và khi chúng bị dỡ bỏ, những nguyên liệu như sắt thép của các công trình có thể được tái chế. Rõ ràng, Trung Quốc đang dư cung nguyên liệu và họ chẳng cần nhập khẩu quá nhiều từ Australia.
Xin được nhắc là các ngành luyện kim và công nghiệp nặng thường sử dụng than để tạo nhiệt độ cao. Bởi vậy việc dư cung sắt thép có thể khiến nhu cầu than giảm theo.
Yếu tố thứ 3 khiến Trung Quốc không cần Australia nữa là Châu Phi. Giới truyền thông Trung Quốc thường nói "Mọi con đường đều dẫn tới Bắc Kinh" để ám chỉ sự bành trướng của dòng vốn Trung Quốc khắp thế giới, từ Châu Á sang Châu Âu và đặc biệt là Châu Phi.
Có thể nói lục địa đen đã trở thành nguồn khai thác và nhập khẩu nguyên liệu mới của Trung Quốc. Tại đây, chính quyền Bắc Kinh có thể xây dựng nhiều dự án với ít luật lệ hơn, họ có thể thanh toán bằng đồng nhân dân tệ mà chẳng cần phụ thuộc vào các quy định tài chính như khi giao thương với Australia.
Thậm chí, Trung Quốc có thể chẳng cần trả tiền khai thác bởi những hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cùng các khoản vay ưu đãi cho chính phủ của các nước Châu Phi.
Nói một cách đơn giản hơn, Trung Quốc chẳng cần sắt, đồng hay than đá của Australia nữa và đây trở thành bài toán hóc búa về tăng trưởng cho xứ sở chuột túi.
Cái giá của phụ thuộc
Vụ Evergrande đã khiến thị trường bất động sản Trung Quốc rúng động và ngay cả sản lượng thép trong nước cũng giảm vì chẳng còn nhiều nhu cầu xây dựng nữa. Tệ hơn, giá quặng sắt hiện nay đã đắt gấp đôi so với mức bình quân 15 năm qua, ở 200 USD/tấn. Vậy tại sao lại phải nhập khẩu thêm từ Australia khi giá quá đắt mà nhu cầu không còn như trước đây?
Con đường nào cho Australia khi nền kinh tế quá phụ thuộc vào Trung Quốc?
Trong khi đó, Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia (NDRC) cho biết nguyên liệu tái chế từ các công trình thành phố ma bị dỡ bỏ sẽ đóng góp khoảng 320 triệu tấn thép cho nền kinh tế từ nay đến năm 2025, tương đương 23% tổng sản lượng toàn quốc.
Rõ ràng, Trung Quốc không quá cấp thiết để cần nhập khẩu từ Australia. Thậm chí kể cả là có thì họ cũng sẽ không chấp nhận với mức giá đắt đỏ như hiện nay. Hãy lấy ví dụ sắt thép, sau khi dùng xong nguyên liệu tái chế thì Trung Quốc hoàn toàn có thể tìm nguồn hàng từ Châu Phi thay vì Australia.
Năm 2012, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 70% số quặng sắt chở bằng đường biển trên thế giới, tương đương 680 triệu tấn và khoảng 60% trong số này đến từ Australia.
Ngày nay, tổng số quặng sắt từ các mỏ của Trung Quốc tại Congo hay Cameroon cũng đạt 400-600 triệu tấn/năm, gần bằng mức nhập khẩu cả năm của Trung Quốc năm 2012.
Tại Congo và Cameroon, chính phủ đều hợp tác với Trung Quốc để xây cơ sở hạ tầng, đường sắt, cảng biển... Thực tế là Australia hay Anh cũng muốn thực hiện các dự án này nhưng họ không đủ vốn ưu đãi bằng Trung Quốc. Với việc 70% nguồn vốn các dự án được tài trợ bằng vốn vay ưu đãi của Trung Quốc, rõ ràng nhập khẩu từ Châu Phi đem lại nhiều lợi ích hơn so với Australia.
Theo SCMP, giờ đây Australia sẽ phải suy nghĩ lại về tương lai phát triển khi Trung Quốc không cần họ nữa và đây là ví dụ điển hình cho việc quá phụ thuộc và một người mua.
*Nguồn:SCMP