Các ngân hàng châu Á hứng chịu nhiều thiệt hại từ dịch cúm Covid-19
Tăng trưởng kinh tế chậm lại bởi dịch cúm Covid-19 sẽ tổn hại đến chất lượng tài sản, giảm lợi nhuận của các nhà băng. Chẳng hạn, giá bất động sản có thể giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại, gây thiệt hại lớn với các khoản cho vay thế chấp bất động sản của ngân hàng.
Theo báo cáo mới nhất được công bố ngày 12/2 của Moody’s Investors Service, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, Moody’s dự báo rằng lợi nhuận và chất lượng tài sản của các ngân hàng tại Châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng thông qua các ngành du lịch, tiêu dùng cá nhân, chuỗi cung ứng, hàng hóa, bất động sản và thị trường tài chính.
Phó chủ tịch đồng thời là Giám đốc tín dụng cấp cao của Moody’s VP nhận định: "Nếu sự bùng phát vẫn tiếp tục gia tăng và sự gián đoạn mà nó gây ra cho các ngành kinh tế không được ngăn chặn trong vài tháng tới, chúng tôi dự đoán rằng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến các ngân hàng tại Châu Á Thái Bình Dương thông qua nhiều kênh khác nhau."
Ông cũng cho biết thêm, "Mặc dù những ảnh hưởng về kinh tế vĩ mô có thể phải mất nhiều quý mới thực sự trở nên rõ nét, tuy nhiên một số sự kiện chẳng hạn như giá hàng hóa giảm, có thể nhanh chóng gây ra tác động đến các ngân hàng."
Sự bùng phát của dịch cúm Covid-19 xảy ra vào thời điểm các ngân hàng tại Châu Á - Thái Bình Dương đang vật lộn với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tín dụng chậm lại, cũng như lãi suất giảm. Điều này sẽ làm suy yếu lợi nhuận và chất lượng tài sản của các ngân hàng. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, Moody’s dự báo rằng các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng thông qua ngành du lịch, tiêu dùng cá nhân, chuỗi cung ứng, hàng hóa, bất động sản và thị trường tài chính.
Cơ quan này hy vọng rằng các chính phủ và cơ quan quản lý sẽ có các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế nếu sự gián đoạn gây ra bởi virus Covid-19 trở nên tồi tệ hơn, như mở rộng chính sách tài khóa, nới lỏng chính sách tiền tệ, loại bỏ một số biện pháp thận trọng vĩ mô, cũng như hỗ trợ cho các ngành công nghiệp và người đi vay chịu ảnh hưởng. Những biện pháp như vậy sẽ phần nào giảm thiểu tác động tiêu cực đối với các ngân hàng.
Cụ thể, Moody nhận định, khi mọi người đi du lịch ít hơn, tăng trưởng kinh tế và điều kiện việc làm sẽ suy yếu tại các nền kinh tế phụ thuộc vào du khách nước ngoài. Điều này sẽ làm tổn hại đến chất lượng tài sản của các ngân hàng, lần lượt làm giảm chi phí tín dụng và lợi nhuận của ngân hàng.
Về phía tiêu dùng tư nhân, các hộ gia đình có xu hướng chi tiêu ít hơn trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát do tránh ra ngoài để mua sắm hoặc vui chơi ăn uống. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phụ thuộc vào chi tiêu tư nhân trong nước. Các ngân hàng sẽ phải đối mặt với tổn thất tín dụng từ việc các khoản cho vay đối với các doanh nghiệp này ít hơn.
Cùng với đó, việc đóng cửa nhiều nhà máy ở Trung Quốc sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử và ô tô. Trong trường hợp đó, rủi ro tín dụng cho các ngân hàng sẽ phát sinh từ việc tài trợ cho các nhà cung cấp hoặc nhà thầu phụ thuộc vào đơn đặt hàng từ các công ty công nghệ hoặc ô tô lớn.
Ngoài ra về mặt hàng hóa, với nhu cầu ít hơn từ thị trường Trung Quốc có thể làm giảm giá hàng hóa. Khi đó, tăng trưởng kinh tế ở các nước xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc có thể chậm lại, "sức khỏe tài chính" của các công ty này sẽ xấu đi, điều này sẽ gây rủi ro cho chất lượng tài sản của các ngân hàng.
Với bất động sản, giá bất động sản có thể giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại và niềm tin của nhà đầu tư trở nên yếu hơn, dẫn đến thiệt hại lớn hơn đối với các khoản cho vay thế chấp bất động sản của ngân hàng.
Đối với thị trường tài chính, giá của các tài sản tài chính có khả năng giảm nếu sự gián đoạn từ đợt bùng phát virus Covid-19 vẫn còn tiếp diễn. Điều này dẫn đến sự sụt giảm giá trị của chứng khoán định giá theo giá thị trường mà các ngân hàng nắm giữ, làm giảm doanh thu tài chính của ngân hàng.
Tham khảo TheInsiderStories