Cá tra Việt Nam bị ‘triệt đường’ vào Mỹ
Nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam dự tính phải chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường châu Á, chủ yếu là Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) từ ngày 2-8-2017 sẽ kiểm tra 100% lô hàng cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nước này. Quyết định của USDA căn cứ vào chương trình thanh tra cá da trơn (hay còn gọi cá thuộc bộ Siluriformes) theo đạo luật Farm Bill. Như vậy chỉ hơn một tuần nữa, những lô hàng cá tra Việt Nam sẽ bị cơ quan chức năng của Mỹ kiểm tra từng lô một. Chi phí kiểm hàng, lưu kho sẽ tăng lên khiến nhiều doanh nghiệp (DN) tạm ngừng ý định xuất khẩu sang thị trường này.
Cá tra chịu cảnh “một cổ hai tròng”
Công ty Cổ phần Gò Đàng (Godaco) có hai nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu được Cơ quan kiểm tra và an toàn thực phẩm Mỹ (FSIS, thuộc USDA) chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu sang nước này.
Thế nhưng ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Godaco, cho biết DN không dám xuất khẩu cá tra sang Mỹ vì chi phí đã cao nay còn cao hơn. Theo ông Đạo, DN Việt Nam xuất khẩu cá tra sang Mỹ đang chịu cảnh “một cổ hai tròng” là thuế chống bán phá giá quá cao của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) bị áp nhiều năm nay, giờ thêm quy định kiểm tra 100% lô hàng của USDA. Với những khoản phải chịu thêm như chi phí kiểm tra, chi phí lưu kho vì kiểm tra từng lô hàng thì DN xuất khẩu chỉ có lỗ.
“Hiện nay Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chỉ kiểm tra xác suất 3%-5% trên tổng lô hàng, ví dụ 100 container chỉ kiểm 3-5 container. Nhưng tới đây tất cả lô hàng của Việt Nam xuất sang Mỹ sẽ bị đưa vào kho ngoại quan. Sau đó cơ quan chức năng của Mỹ sẽ lôi từng container ra kiểm tra, nếu đạt các tiêu chuẩn mới cho nhập. DN vừa mất tiền lưu kho, tiền kiểm hàng từng lô hàng” - ông Đạo cho biết.
Chỉ tập trung xuất khẩu sang các thị trường châu Á, châu Âu vì sợ các rào cản từ thị trường Mỹ, ông Nguyễn Anh Thư, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Mỹ (Anmyfishco), cho biết sắp tới DN cũng bị ảnh hưởng gián tiếp. Lý do, khi gặp khó ở thị trường Mỹ, các DN xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ giảm thị phần, chuyển hướng sang các thị trường khác. Khi đó thị trường xuất khẩu cá tra ở châu Á, châu Âu sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt hơn.
Lượng cá tra xuất khẩu sang TQ sắp tới sẽ tăng mạnh, trong khi lượng cá xuất sang thị trường Mỹ giảm mạnh. Ảnh: Q.HUY
Lại tìm đường sang… Trung Quốc
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết thời gian qua các DN Việt Nam đã chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, chỉ tiêu kiểm soát theo quy định của thị trường Mỹ nên việc có kiểm tra 100% lô hàng cá tra vẫn không lo vi phạm chất lượng.
“Khó khăn là các kho được chỉ định (i-house) ở Mỹ liệu có đủ cho nhu cầu của DN Việt Nam khi phải kiểm tra 100% không, bởi điều đó dẫn đến lưu kho kéo dài. Trước đây DN có quyền chọn kho trong quá trình chờ thông quan nhưng theo quy định mới, kho chứa phải được chỉ định. Ở Mỹ hiện chỉ có khoảng 40 kho được chỉ định nhưng còn phải chứa các mặt hàng khác như thịt gia súc, gia cầm. DN lo ngại một số kho mới được chỉ định ở xa nơi bán hàng, gây khó khăn cho họ. Do đó, cơ quan chức năng Việt Nam cần sớm làm việc với phía Mỹ để tháo gỡ những vướng mắc này nhằm tránh việc hàng hóa bị ách tắc, không kịp giao cho khách hàng” - ông Hòe chia sẻ.
Trước tình hình trên, nhiều DN cá tra Việt đã và đang tìm đường sang Trung Quốc (TQ). Trong sáu tháng đầu năm, xuất khẩu sang TQ dần vượt lên dẫn đầu thị trường “ăn” nhiều cá tra Việt Nam nhất với hơn 133 triệu USD, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong nửa đầu năm 2017 chỉ đạt hơn 118 triệu USD, sang châu Âu chỉ 78 triệu USD, đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Godaco, sức tiêu thụ của thị trường TQ ngày càng lớn, chi phí vận chuyển thấp, không có rào cản kỹ thuật, áp thuế bất hợp lý như thị trường Mỹ. Thế nhưng ông Đạo dự báo thị trường TQ sẽ không còn dễ dãi như những năm trước đây và cũng bắt đầu đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, EU. Vì thế, các DN xuất khẩu cá tra nước ta cần tập trung làm tốt chất lượng để khai thác bền vững thị trường rộng lớn này.
Phải xác định Mỹ vẫn là thị trường chủ lực
Từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho cá tra tại các thị trường Mỹ, EU. Phải xác định Mỹ vẫn là thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam. Bộ sẽ cùng các cơ quan liên quan đàm phán tháo gỡ thị trường, nhất là đấu tranh với đạo luật Farm Bill của Mỹ.
Đối với thị trường châu Âu, chúng ta cũng sẽ chủ động ứng phó với các rào cản, đặc biệt là xử lý việc bôi nhọ sản phẩm cá tra trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Còn thị trường TQ, sản phẩm cá tra cần đẩy mạnh xuất khẩu theo đường chính ngạch, tuy nhiên cần phải tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng.
Ông VŨ VĂN TÁM, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Cá tra Việt có thể xuất sang Nhật
Gần đây, một số siêu thị lớn của Nhật và một số cửa hàng nằm trong nhóm gồm 1.700 cửa hàng của hệ thống Aeon (Nhật) có bày bán sản phẩm cá tra Việt Nam.
Để cá tra Việt Nam có thể tiếp cận với thị hiếu tiêu dùng Nhật không đơn giản là đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn phải có chiến lược thuyết phục người Nhật thay đổi khẩu vị. DN cần tích cực quảng bá giới thiệu sản phẩm, đầu tư sản xuất các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, những sản phẩm tiện lợi.
Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng Thư ký VASEP