Cả ĐNÁ mê mệt một sàn TMĐT: Trở thành hiện tượng nhờ cộng đồng siêu tương tác, giúp người bán đổi đời chỉ sau 1 video
Cả Đông Nam Á đang phát cuồng vì sàn TMĐT 1 năm tuổi, khiến vị thế của Shopee, Lazada lung lay.
Tám tháng trước, Evelyn Nateras lo sốt vó. Lượng đơn đặt hàng trực tuyến áo phông, cốc cà phê và thiệp chúc mừng tăng nhanh đột biến đến nỗi cô nàng không thể xoay xở.
Ở thời điểm hiện tại, số lượng các đơn đặt mới vẫn tăng dồn dập. Lợi nhuận thu được đủ để trang trải phí sửa chữa xe và gom góp mua thêm một căn nhà cho gia đình. Chính TikTok đã thay đổi cuộc đời người phụ nữ 32 tuổi này.
“Một video lan truyền đủ để thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bạn”, Nateras nói.
TikTok hồi năm ngoái đã tiết lộ tham vọng thương mại điện tử sau khi tiến hành thử nghiệm công cụ dành cho doanh nghiệp. Giờ đây, người dùng được tiếp cận thêm nhiều nội dung mua sắm hơn trên mục “For you”.
TikTok không phải là ứng dụng xã hội duy nhất chuyển hướng sang thương mại điện tử, song bộ phận cộng đồng siêu tương tác cùng thuật toán được điều chỉnh cẩn thận đã biến đây trở thành “hiện tượng” nếu đặt lên bàn cân với Shopee hay Lazada. Theo công ty nghiên cứu We Are Social của Anh, người dùng ĐNÁ thường dành trung bình khoảng 3 giờ/ngày trên nền tảng, nhiều hơn so với 2 giờ được người dùng Mỹ và Trung Quốc bỏ ra.
Diyana Mukhadi, 36 tuổi, một nhân viên bảo hiểm ở Kuala Lumpur, cho biết cô dành hàng giờ mỗi ngày trên TikTok và chi tới 300 ringgit (66 USD) hàng tháng cho các sản phẩm gia dụng, mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da. “Bạn không cần phải suy nghĩ nhiều. Bạn sẽ có cơ hội tìm thấy những sản phẩm mình thích”, cô nói.
Được biết, các thương hiệu nổi tiếng, doanh nghiệp nhỏ và bản thân những người sáng tạo đều có thể ghim sản phẩm ở giỏ hàng. Một số có thể gắn link dẫn người dùng tới gian hàng chính hãng, sau đó nhận hoa hồng trích từ giá trị mỗi đơn đặt.
Tuy nhiên, không phải người dùng nào cũng phân biệt được những shop bán hàng đáng tin cậy. Becky Entrican, 23 tuổi, cho biết cô đã mua một chiếc áo phông sau khi video quảng cáo 11.000 lượt thích xuất hiện trên trang “For you”. Sang đến tận tháng Hai, mặt hàng này vẫn chưa được ship đến.
“Tôi thấy mình khá giỏi trong việc phân biệt những trò lừa đảo. Tuy nhiên, kể từ sau lần mua đó, tôi ‘cạch’ TikTok rồi”, Becky Entrican nói.
Ngoài ra, dù cho TikTok Shop đã chặn một số mặt hàng nhạy cảm với các tài khoản dưới 18 tuổi, trẻ vị thành niên vẫn có thể bắt gặp một số các sản phẩm không phù hợp như thuốc kê đơn, thuốc giảm cân… Đáp lại, đại diện TikTok Misha Rindisbacher cho biết công ty không cho phép bán hoặc quảng cáo thuốc giảm cân vì như vậy là vi phạm quy định.
“Người bán phải được xem xét kỹ lưỡng và lẽ ra, phía TikTok Shop phải có một quy trình phê duyệt thay vì không quan tâm hoặc kiểm tra cẩu thả”, chuyên gia nghiên cứu điều tra cấp cao của Media Matters Olivia Little nói và cho biết để trở thành người tiêu dùng thông thái, bạn nên kiểm tra chéo các trang web tương tự để xem xét mức độ uy tín của shop bán. Bạn cũng nên đọc kỹ các đánh giá sản phẩm để chắc chắn rằng mình không mua phải những món đồ kém chất lượng.
Được biết, TikTok Shop đang được đón nhận nồng hậu tại Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa ước tính (GMV) đã tăng gấp 7 lần từ 600 triệu USD vào năm 2021 lên 4,4 tỷ USD vào năm ngoái.
Vào tháng 7, TikTok tự hào rằng trong số 325 triệu người dùng hàng tháng trong khu vực, cứ 4 người lại có 1 người mua hàng trên TikTok Shop. Shant Oknayan, Giám đốc kinh doanh khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Trung Đông của TikTok, cho biết: “Chúng tôi sở hữu nội dung và một nền tảng thương mại không đối thủ nào có được”.
Trên toàn cầu, TikTok đặt mục tiêu tăng gấp 4 lần hoạt động kinh doanh thương mại điện tử lên 20 tỷ USD doanh thu hàng hóa trong năm nay, ngay cả trong hoàn cảnh vẫn bị lấn át bởi những nền tảng lão làng như Shopee.
Tuy nhiên, “nếu TikTok Shop cứ cố mở rộng mà không kiểm tra cẩn thận sản phẩm và ưu tiên sự an toàn cho người dùng, đây chắc chắn sẽ trở thành một cơn ác mộng” - Alesha Gay, chủ một doanh nghiệp bán dầu thơm trên ứng dụng cho biết.
Câu chuyện về người đàn ông tên Mo Huabin sống tại Thâm Quyến là một ví dụ điển hình. Chia sẻ với tờ Financial Times, anh cho biết mình đã “trúng số độc đắc” khi các video quảng cáo “cà phê enzim giúp giảm cân” lan truyền trên TikTok.
Video này được đăng từ đầu năm ngoái; phân cảnh quay trước và sau liệu trình giảm cân đã thu hút được hàng triệu lượt xem. Số lượng đơn hàng tăng cao dù giá không hề rẻ: 124 USD (3 triệu đồng) cho 1 gói điều trị giảm 15-25 kg.
“Cà phê giảm cân thực ra vẫn chỉ là một loại cà phê thông thường và không có gì đặc biệt”, Huabin thừa nhận. “Khi đó tôi cũng không biết sao nó trở nên nổi tiếng như vậy”.
Theo Financial Times, khác với nền tảng chị em Douyin bị kiểm soát chặt chẽ tại Trung Quốc, TikTok may mắn được “thả nổi” nhờ thuật toán cho phép bất kỳ nội dung nào cũng có thể lên top xu hướng. Chính điều này đã giúp những người bán như Mo Huabin lách luật. Với “cà phê giảm cân”, anh chàng còn sử dụng video cắt ghép hình ảnh Dana Brems - một bác sĩ ở Los Angeles kiêm KOL trên mạng xã hội, nhằm tăng độ tin cậy.
Nhiều người khác cũng bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên TikTok Shop với chiêu thức tương tự. Họ chi tiền chạy quảng cáo cho ByteDance để giúp video lên xu hướng, sau đó đưa người dùng đến trang web của bên thứ ba để hoàn tất giao dịch mua bán. Những tài khoản này rõ ràng đã vi phạm quy tắc nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại.
“TikTok ưu tiên lợi nhuận hơn việc thực hiện nghiêm các quy định về hàng hóa trên nền tảng”, CEO của một công ty thương mại điện tử ở London nói.
Để không vô tình biến mình trở thành nạn nhân của những sản phẩm giả mạo, tờ Washington Post đã đưa ra 3 lời khuyên:
1. Đề phòng nếu người bán tắt bình luận
Theo Tatum Hunter, một cây viết của Washington Post, việc các bình luận bị tắt có thể là dấu hiệu cho thấy TikToker này đang lảng tránh những phàn nàn từ khách hàng. Chính vì vậy, trước khi mua, hãy đọc đánh giá cân nhắc kỹ bởi chúng thường đã được xác minh bởi TikTok và khá đáng tin.
2. Đề phòng với những sản phẩm liên quan đến sức khỏe
Nếu đó là những sản phẩm bạn có thể ăn hoặc thoa lên da, hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng. Mua một chiếc áo lỗi có thể bỏ, nhưng một món đồ skincare hỏng sẽ đưa bạn tới phòng khám da liễu. Bản thân bạn cũng không muốn mạo hiểm mua những loại vitamin giả hoặc đồ trang điểm fake đúng không!
3. Kiểm tra chính xác hoàn trả
Juozas Kaziukenas, người sáng lập công ty nghiên cứu thương mại điện tử Marketplace Pulse cho biết người mua hàng nên kiểm tra kỹ chính sách hoàn trả để tránh mất tiền oan. Họ có thể yêu cầu hoàn lại tiền nếu mua phải những sản phẩm không ưng ý.
Dù còn tồn tại nhiều bất cập xoay quanh các sản phẩm kém chất lượng, song không thể phủ nhận sức hút đặc biệt của ứng dụng mua sắm TikTok Shop nói riêng và TikTok nói chung. Financial Times mới đây đã dẫn chứng một tài khoản Indonesia có tên @Octaviana_tas_grosir với 3 triệu lượt theo dõi làm ví dụ. Người dùng này tận dụng lượng follower đông đảo để làm giàu; hiện đã mở được 3 nhà kho và tạo ra rất nhiều việc làm cho mọi người.
TikTok, với những mục tiêu đầy tham vọng, vẫn đang dự đoán mức tăng trưởng vượt bậc ở châu Á. Một giám đốc điều hành trong khu vực cho biết con số doanh thu ước tính 15 tỷ USD trong năm nay là “khiêm tốn” nếu so với sức hút của ứng dụng hiện tại.
“TikTok hiện đang chi một số tiền đáng kinh ngạc để khuyến khích cả người mua và người bán”, Jonathan Woo, nhà phân tích cấp cao của Phillip Securities Research, nói đồng thời ước tính các ưu đãi rơi vào khoảng 600 triệu đến 800 triệu USD/năm.
Hiện tại, dữ liệu từ công ty phân tích trang web Similarweb cho thấy Shopee vẫn là thị trường trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á, nắm giữ 30%-50% lưu lượng truy cập trên toàn khu vực trong 3 tháng qua. Lazada giữ vị trí thứ hai với 10%-30% lưu lượng truy cập.
Theo: Washington Post, FT, CNBC