Bức tranh hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam ra sao trong năm 2017?
Mới đây, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia công bố báo cáo về tình hình kinh tế - tài chính năm 2017 và triển vọng năm 2018. Theo đó hệ thống các tổ chức tín dụng có nhiều điểm sáng trong hoạt động kinh doanh năm 2017
Về tín dụng cho nền kinh tế
Năm 2017, tăng trưởng tín dụng tương đương với năm 2016 (khoảng 19%). Thị phần tín dụng tập trung chủ yếu ở nhóm NHTM NN và NHTM CP, lần lượt chiếm 51,8% và 41,3% toàn hệ thống. Tín dụng giữ tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong 3 năm liên tiếp, từ năm 2015. Năm 2018, tín dụng có khả năng tiếp tục đà tăng trưởng ổn định như những năm trước (vào khoảng 18% – 19%). Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn giảm. Tín dụng trung dài hạn chiếm 53,7% tổng tín dụng (cuối năm 2016 là 55,1%).
Ngoài ra, tín dụng bằng VND chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tín dụng (91,6%). Cơ cấu tín dụng theo ngành nghề chuyển biến tích cực.
Tín dụng vào các ngành công nghiệp, thương mại và hoạt động dịch vụ tăng 21,8% so với năm 2016, chiếm 78,4% tổng tín dụng (năm 2016 chiếm 77,8%). Tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp tăng khoảng 18,7% (chiếm 8,11% tổng tín dụng). Tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng này tăng 12,2% so với năm 2016, chiếm 15,8% trong tổng tín dụng (năm 2016 là 17,1%).
Tín dụng tiêu dùng tăng cao, khoảng 65% (năm 2016 tăng 50,2%), chiếm 18% trong tổng tín dụng (năm 2016 là 12,3%). Trong đó, chủ yếu là cho vay với mục đích mua, sửa chữa nhà ở, chiếm 52,9% (năm 2016 là 49,5%); Cho vay mua trang thiết bị gia đình tăng 6,5%, chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại tăng 35,2%, chiếm 8,3%. Trong năm 2018, tín dụng tiêu dùng có thể tiếp tục tăng trưởng cao và là một trong những mảng hoạt động chiến lược, nhiều tiềm năng của các TCTD.
Về huy động vốn
Năm 2017, tiền gửi khách hàng (gồm tổ chức kinh tế và dân cư) tăng khoảng 19% (năm 2016 tăng 19,3%). Huy động thông qua phát hành giấy tờ có giá tăng mạnh (ước tăng 38%) do một số TCTD phát hành GTCG nhằm tăng vốn cấp 2 để cải thiện hệ số CAR và cơ cấu lại kỳ hạn nguồn vốn huy động. Vốn huy động bằng VND chiếm 90,5% tổng vốn huy động (năm 2016 là 89,1%).
Huy động bằng ngoại tệ chiếm tỷ trọng khoảng 9,5% (năm 2016 là 10,9%). Tỷ trọng huy động ngoại tệ giảm do trần lãi suất huy động USD ở mức 0%, tỷ giá USD/VND ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm. Vốn huy động có kỳ hạn chiếm 80,9% tổng huy động (năm 2016 chiếm 79,7%), còn lại là vốn huy động không kỳ hạn.
Về thanh khoản
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng tương đối ổn định nhờ việc NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ, và cung ứng tiền ròng khoảng gần 124 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống khoảng 87,3% (năm 2016 là 85,6%). Trong đó, tỷ lệ LDR bằng VND là 88,6%, bằng ngoại tệ là 75,8%.
Lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm mạnh về cuối năm. Khác với năm 2016, lãi suất liên ngân hàng ở mức rất thấp, giảm mạnh so với cuối năm 2016. Tính đến ngày 21/12/2017, lãi suất O/N ở mức 0,9%, lãi suất 1 tuần là 1,1%, lãi suất 1 tháng là 2,2% (giảm so với cuối tháng 12/2016 khoảng 3-4,2 điểm % các kỳ hạn).
Về lãi suất
Lãi suất trên thị trường 1 ổn định kể từ năm 2015. Lãi suất huy động bình quân khá ổn định. Lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,4-7,2%. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm khoảng 0,5-1% so với đầu năm. Đối với khu vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất cho vay ở mức 6,8-11%/năm.
Mặc dù thanh khoản hệ thống khá tốt, các điều kiện vĩ mô tương đối thuận lợi, lãi suất có tín hiệu giảm nhưng chưa như kỳ vọng vì: Thứ nhất, thị trường tiền gửi và thị trường liên ngân hàng kém liên thông. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức khá thấp trong khi lãi suất trên thị trường tiền gửi giảm không nhiều, do thanh khoản dồi dào trên thị trường tập trung chủ yếu ở các TCTD lớn. Một số TCTD nhỏ hoặc thuộc diện tái cơ cấu thiếu vốn vẫn khó khăn trong việc cận dòng vốn lãi suất thấp trên thị trường liên ngân hàng, buộc phải giữ nguyên hoặc tăng lãi suất huy động trên thị trường tiền gửi.
Thứ hai, nợ xấu vẫn là rào cản lớn cho việc hạ lãi suất trong khi NIM của các TCTD vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực. NIM của hệ thống ngân hàng tuy có xu hướng tăng trở lại (ở mức từ 2,74% năm 2014 lên mức khoảng 3% năm 2017) nhưng vẫn thấp so với các nước như Thái Lan (3,07%), Indonesia (5,82%), Philippines (3,58%). Điều này khiến các TCTD không có nhiều động lực để giảm lãi suất cho vay.