TS. Trương Văn Phước: Tín dụng có đóng góp xứng đáng nhưng không phải là nhân tố quyết định cho tăng trưởng

21/12/2017 10:16 AM | Kinh tế vĩ mô

Mới đây trong báo cáo, Taking Stock (Điểm lại) do Ngân hàng thế giới công bố có nhận định tốc độ tăng trưởng tín dụng tính đến tháng 10 đạt 18,5%. Tuy nhiên cơ quan này cũng quan ngại việc tín dụng tăng nhanh đem đến nhiều rủi ro về phân bổ hiệu quả cũng như nợ xấu.

Ngân hàng thế giới cho rằng giữa áp lực về giá cả, chính sách tiền tệ và tín dụng tiếp tục mục tiêu đảm bảo cân bằng sự ổn định và các mục tiêu tăng trưởng. Chỉ số giá tiêu dùng CPI hiện ở mức trung bình 3,0% với lạm phát cơ bản ổn định ở mức 1,3% so với cùng kỳ trong tháng 10. Với điều kiện thuận lợi từ lạm phát giảm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tháng 7 cắt giảm lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn 25 điểm cơ bản tương ứng 4,25 và 6,25%. Tăng trưởng tín dụng tính đến tháng 10 đạt mức 18,5%. 

Tuy nhiên cơ quan này cũng quan ngại tăng tín dụng nhanh, đặc biệt nếu được thúc đẩy bởi các mục tiêu hành chính trái ngược với các nguyên tắc cơ bản về kinh tế, có thể gây ra nhiều rủi ro và phân bổ tín dụng kém hiệu quả cũng như dẫn đến tình trạng gia tăng nợ xấu. Trong khi đó, hiện hệ thống ngân hàng đang thực hiện nhiều bước quan trọng để tăng cường giải quyết nợ xấu (NPL), kể cả thông qua Nghị quyết 42 vào tháng 6 năm 2017.

TS. Trương Văn Phước: Tín dụng có đóng góp xứng đáng nhưng không phải là nhân tố quyết định cho tăng trưởng - Ảnh 1.

Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP theo thống kê của Ngân hàng thế giới.

Xét về mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP, TS. Trương Văn Phước, Q.Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng mong muốn tăng trưởng tín dụng trên 20% được đưa ra từ giữa năm, khi tăng trưởng GDP có khó khăn, lo ngại không đạt được 6,7%. Tín dụng có đóng góp cho tăng trưởng GDP nhưng không phải yếu tố quan trọng nhất. Dù tăng trưởng tín dụng không đạt 21%, năm 2017 này, ước tính tín dụng tăng khoảng 18,7 đến 19,3% nhưng GDP vẫn đạt 6,7%, cho thấy tín dụng có đóng góp xứng đáng nhưng không phải là nhân tố quyết định cho tăng trưởng.

Theo ông Phước, vấn đề ở đây là chất lượng của dòng vốn tín dụng là như thế nào. Thời gian qua có điều chỉnh nhưng vẫn lo ngại vốn tín dụng vào chứng khoán và nhà đất quá nhiều. Vào chứng khoán và bất động sản đều có hai mặt. TS Phước cũng thừa nhận  dòng vốn tín dụng vừa qua hâm nóng thị trường BĐS, xử lý nợ xấu tốt. 

TS. Trương Văn Phước: Tín dụng có đóng góp xứng đáng nhưng không phải là nhân tố quyết định cho tăng trưởng - Ảnh 2.

Chứng khoán cũng là kênh tăng trưởng gián tiếp cho kinh tế.  Vốn FDI, FII vào Việt Nam tương đối lớn. Tương quan giữa tín dụng và lạm phát có nhiều nhân tố. Với tăng trưởng tín dụng 18-19% cùng với sự quản lý tốt để vốn đi vào các kênh sản xuất kinh doanh có thể xem là thành công của chính sách tiền tệ.


Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM