Brexit sẽ khiến đồ gỗ Việt Nam xuất sang EU mất giá từ 5-7%
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 7,4 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu đề ra 200 triệu USD.
Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đã có sự giảm nhẹ (0,1%) so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,17 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, một trong những nguyên nhân là do kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ những tháng đầu năm giảm mạnh.
Trung bình mỗi năm, sản phẩm dăm xuất khẩu đạt khoảng 3,4-4 triệu tấn, với giá trị khoảng 850 triệu USD.
Kể từ khi Thông tư 182/2015/TT-BTC ban hành biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế có hiệu lực từ 1/1/2016; trong đó điều chỉnh thuế xuất khẩu đối với mặt hàng dăm gỗ từ lên 2%, các khách hàng thấy vậy giảm giá mua, từ 8-10 USD/tấn, đồng thời giảm luôn cả số lượng.
“Hiện các tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái… tồn đọng khoảng 1 triệu tấn dăm gỗ, sắp trở thành mùn bỏ đi do không bán được. Xuất khẩu dăm gỗ chủ yếu sang Trung Quốc, mà khi Trung Quốc đã không mua thì coi như thôi,” ông Nguyễn Tôn Quyền nói.
Nguyên nhân thứ hai được ông Nguyễn Tôn Quyền đưa ra là sản phẩm bàn ghế ngoài trời (sản phẩm xuất khẩu sang EU là chính) năm nay xuất khẩu cũng giảm so với mọi năm.
Trước việc ảnh hưởng của Anh khi rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit), ông Nguyễn Tôn Quyền đánh giá, mỗi năm Anh nhập khẩu khoảng 100 triệu USD đồ gỗ Việt Nam. Do đó, Brexit sẽ làm đồ gỗ xuất khẩu sang Anh giảm không đáng kể.
Tuy nhiên, vấn đề tỷ giá sẽ tác động mạnh bởi đồng bảng Anh giảm và đồng Euro giảm.
“Vấn đề là giá xuất khẩu sang EU cũng sẽ bị giảm bởi tỷ giá các đồng tiền khác mất giá. Theo đánh giá, giá đồ gỗ xuất sang EU sẽ mất khoảng từ 5-7% so với hiện tại,” ông Nguyễn Tôn Quyền nhận định.
Tùy từng mặt hàng, giá gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU dao động từ 1.200-1.800 USD/công (28-30 m3/công). Như vậy kim ngạch mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ xuất khẩu sang thị trường này sẽ bị giảm mạnh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn là ba thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam và chiếm gần 68% tổng giá trị xuất khẩu. EU là thị trường lớn thứ tư của Việt Nam trong tiêu thụ các mặt hàng gỗ.
Tính riêng về các đồ gỗ (HS 94), EU là thị trường quan trọng thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ).
Bốn mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam bao gồm đồ gỗ ngoài trời, ghế gỗ, đồ nội thất phòng ngủ và đồ nội thất văn phòng.