Bơm 10 tỷ USD vào “tử địa”, Warren Buffett hé lộ mọi thứ về ngành công nghiệp hàng không Mỹ

20/02/2017 13:35 PM | Kinh doanh

Warren Buffett chi số tiền khổng lồ đầu tư vào lĩnh vực mà vài năm trước ông còn gọi là “tử địa của các nhà đầu tư” cho thấy một cái nhìn rất khác về ngành công nghiệp hàng không Mỹ.

Đằng sau khoản đầu tư 10 tỷ USD

Công ty Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ là American, Delta, United và Southwest Airlines. Bên cạnh số tiền khổng lồ, động thái này còn cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong cái nhìn của Buffett, người từng gọi ngành hàng không là “tử địa cho các nhà đầu tư” hồi năm 2013.

Ngoài ra, số tiền mà Buffett rót vào các hãng hàng không cũng nói lên rất nhiều điều. Ông đầu tư cho American Airlines 2,1 tỷ USD, United Airlines 2,2 tỷ USD, Southwest Airlines 2,4 tỷ USD và Delta Airlines 3 tỷ USD. Số tiền đầu tư không chênh lệch nhiều cho thấy sự kỳ vọng lớn của Buffett vào toàn bộ ngành công nghiệp hàng không Mỹ.

Máy bay của hãng hàng không United Airlines.

Trong thập kỷ qua, ngành công nghiệp hàng không Mỹ đã có những thay đổi mạnh mẽ. Cả bốn hãng hàng không đứng đầu đều có mức lợi nhuận kỷ lục. Sự phục hồi sau khủng hoảng tài chính cộng với chi phí lao động giảm và giá dầu rẻ được cho là động lực giúp ngành hàng không tăng trưởng. Bên cạnh đó, số đối thủ cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng giảm thiểu đáng kể sau cái chết của những hãng hàng không nhỏ.

Trong năm 2000, bầu trời nước Mỹ chật kín phi cơ của các hãng hàng không như America West, US Airways, TWA, AirTran, Continental, ATA và Northwest Airlines. Tuy nhiên, đến năm 2016, tất cả các thương hiệu này đã biến mất bởi không đủ khả năng cạnh tranh hoặc bị thôn tính bởi bốn gã khổng lồ trong lĩnh vực này. Big Four chỉ còn phải đối mặt với chính mình.

Cuộc cạnh tranh của những ông lớn tranh ngành công nghiệp hàng không Mỹ

Điều này đặc biệt đúng với American, Delta và United – ba hãng hàng không với đường bay tới toàn bộ nước Mỹ. Dẫn chứng là đầu năm 2015, Delta thay đổi chương trình khách hàng thường xuyên từ đếm dặm sang đếm doanh thu. Theo đó, thay vì chọn khách hàng thân thiết dựa theo số dặm bay, Delta Airlines sẽ dựa vào số tiền khách hàng chi để quyết định điều này. Hai hãng còn lại là American và United cũng sớm đưa cách tính này vào áp dụng.

Trong khi đó, trải nghiệm với 4 hãng hàng không mà Buffett đổ tiền đầu tư cũng tương tự nhau. Dịch vụ, tiện nghi và thái độ phục vụ của bốn hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ dường như không có gì khác biệt. Là ngành đòi hỏi đầu tư nhiều nhưng cực kỳ nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh, biến động tiền tệ, tình hình kinh tế toàn cầu và các vấn đề địa chính trị, việc các hãng hàng không cạnh tranh khốc liệt bằng chất lượng dịch vụ là điều dễ hiểu.

Phi cơ của Southwest Airlines

Tuy nhiên, Southwest Airlines có những khác biệt rõ rệt nhất so với 3 ông lớn còn lại. Họ chỉ sử dụng duy nhất một loại tàu bay, là những chiếc Boeing 737, giúp đảm bảo cho hãng hoạt động với chi phí thấp. Hơn nữa, Southwest chủ động bỏ qua việc khai thác những đường bay xuyên đại dương, không thu phí hành lý ký gửi nhưng cũng không có khoang hạng thương gia.

Southwest là hãng hàng không duy nhất lãi liên tục trong 4 thập kỷ qua. Dù là những tên tuổi hàng đầu nước Mỹ và thế giới nhưng 3 hãng hàng không còn lại cũng từng trải qua nhiều năm chật vật để đứng dậy sau khủng hoảng tài chính.

Sáp nhập để tồn tại

Một trong những phương pháp giúp các hãng hàng không vượt qua khó khăn chính là mua bán và sáp nhập. Năm 2008, Delta và Northwest hợp nhất để tạo thành Delta ngày nay. Việc này không chỉ giúp tạo ra hiệu suất tài chính lớn trong kinh doanh mà còn tăng cường khả năng vận hành, đưa Delta trở thành tên tuổi lớn nhất trong Big Four.

Các hãng hàng không sáp nhập để tăng khả năng cạnh tranh, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Năm 2010, Southwest cũng có thương vụ mua lại AirTran Airways, giúp gia tăng phạm vi hoạt động trên khắp nước Mỹ. American và US Airways gần đây cũng hoàn tất việc sáp nhập, biến American Airlines trở thành hãng hàng không hàng đầu thế giới. Dù công ty mới phải đối mặt với khác biệt về văn hóa và phương thức hoạt động nhưng mạng lưới của nó sẽ mạnh mẽ và hiệu quả, biến nó trở thành đối thủ đáng gờm.

Cũng trong năm 2010, United có thương vụ sáp nhập đình đám với Continental Airlines, giúp hãng hoạt động ổn định về tài chính, nhân sự và bộ máy quản lý trong giai đoạn khủng hoảng. Thương vụ cũng giúp United có lãnh đạo mới, những người giúp hãng đạt được nhiều bước tiến dài để trụ vững trong bộ tứ hàng không Mỹ.

Sự khởi sắc cho toàn bộ Big Four là lý do hoàn hảo để Warren Buffett rót tới gần 10 tỷ USD đầu tư.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM