'Bơi' giữa đại dương đỏ thương mại điện tử, các shop kinh doanh thời trang online làm cách nào để sống sót?
Thống kê quan sát sơ bộ của những người trong ngành cho biết 60% cửa hàng thời trang online chết yểu được trong 6 tháng đầu, thêm 20% mất tích nữa trong 6 tháng tiếp theo.
Ngành hot để kinh doanh online
Khảo sát năm 2017 của Asia Plus vẽ ra phần nào bức tranh về người tiêu dùng trên thị trường thời trang Việt Nam. Theo đó giới trẻ Việt hiện gia tăng đáng kể chi tiêu để đáp ứng nhu cầu về hình thức. Đối tượng khảo sát gồm những người từ 18-40 tuổi và 47% là nữ giới, 53% là nam giới. Kết quả ban đầu cho thấy 76% nữ giới hứng thú với thời trang và 26% phụ nữ mua sắm quần áo 2-3 lần mỗi tháng. 52% tổng số người khảo sát cho biết thường shopping 1 lần mỗi tháng hoặc hơn.
Khảo sát của hãng này cũng cho biết 47% người được hỏi dành ít nhất 500 nghìn đồng cho việc mua sắm hàng tháng. Đặc biệt cứ 4 phụ nữ được hỏi thì có 1 người cho biết dành ngân sách từ 300-500 nghìn đồng chi cho thời trang hàng tháng.
Những kênh mua sắm phổ biến được khảo sát này chỉ ra gồm: Cửa hàng nhỏ lẻ, Trung tâm thương mại, Siêu thị, kênh thương mại điện tử, Facebook và các kênh bán hàng khác.
Mặc dù khảo sát này dựa trên quy mô nhỏ nhưng cũng phần nào cho thấy sức hấp dẫn từ thị trường thời trang đứng từ góc độ kinh doanh. Số liệu khảo sát của Sapo năm 2017 cũng khẳng định lại điều này.
Đơn vị này cho biết Thời trang-phụ kiện vẫn là lĩnh vực hot, được nhiều người lựa chọn kinh doanh online nhất (18%), sau đó là Công nghệ điện tử (15%), Dược phẩm - làm đẹp - Spa (9%), Mỹ phẩm - trang sức (9%) và Dịch vụ - du lịch - khách sạn (9%). Mỗi shop được khảo sát có trung bình khoảng 6 nhân viên, trong đó 80% shop có dưới 20 nhân viên, 20% shop có trên 20 nhân viên.
Nương vào sóng lớn
Thực tế cho thấy ngành hàng thời trang là lĩnh vực hot nên nhiều người gia nhập thị trường. Tuy nhiên khảo sát trên cũng chỉ ra một mặt khác của bức tranh gần 70% các shop (trong đó có ngành hàng thời trang) có mức doanh thu dưới 500 triệu đồng chia sẻ không tăng trưởng hoặc tệ hơn năm ngoái.
Một chuyên gia ngành bán lẻ cho biết: Mọi chuyện nghe có vẻ dễ dàng, nhưng thực tế thì không dễ thế, hãy nhớ lấy việc này: ”Nếu bạn mở một cửa hàng thời trang offline, có thể bạn chỉ phải cạnh tranh với 5,7 shop khác trên cùng một con đường hoặc khu phố, còn khi kinh online, bạn hãy sẵn sàng chuẩn bị kế sách để cạnh tranh với 5-7000 ngàn shop khác trên thị trường Internet trước khi bắt đầu đi.”
Số liệu thống kê quan sát sơ bộ của những người trong ngành cho biết 60% cửa hàng thời trang online chết yểu được trong 6 tháng đầu, thêm 20% mất tích nữa trong 6 tháng tiếp theo. Thị trường thời trang online trong có vẻ béo bở, nhưng lại không dễ xơi như những người "ngoài cuộc" đang nghĩ.
Tuy nhiên trong vài năm gần đây, những chuyên gia trong ngày cũng nhận định người kinh doanh trực tuyến đang có xu hướng dịch chuyển dần sang các nền tảng thương mại điện tử chuyên nghiệp. Những lý do được đưa ra là làn sóng phát triển mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử Việt Nam kèm theo đó là những chương trình kích cầu từ những tay chơi lớn trong ngành.
Để sống sót trong đại dương đỏ như vậy, Bà Nguyễn Phương Linh, giám đốc ngành hàng thời trang tại Shopee cho rằng người kinh doanh cần nắm rõ 5 yếu tố then chốt. Bà Linh vốn là người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử và bán lẻ.
Đầu tiên, muốn kinh doanh thời trang online thành công bắt buộc phải đầu tư cho hình ảnh sản phẩm. Đây là cách hiệu quả để sản phẩm của bạn nổi bật so với đối thủ. Chỉ với 3 giây lướt qua màn hình, chủ shop cần làm sao để gian hàng của mình để lại ấn tượng tốt với khách hàng giữa một rừng sản phẩm na ná nhau. Thời trang là một mặt hàng đặc biệt đòi hỏi sự trau chuốt về thẩm mỹ.
Thứ 2, kinh doanh thời trang online đòi hỏi người làm thời trang phải có kiến thức và nhạy bén nắm bắt xu hướng mới trên thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.
Điểm thứ 3, bên cạnh giá cả, chất lượng sản phẩm tốt, hình ảnh đẹp, hợp xu hướng, để khách hàng quay lại với mình, bạn hãy quan tâm đến việc chăm sóc khách hàng. Tương tác với khách hàng bằng các hình thức mà nền tảng thương mại điện tự cung cấp như nhắn tin, đánh giá để khách hàng nhớ đến gian hàng của bạn nhiều hơn.
Ngoài ra khi đã gia nhập cuộc chơi thương mại điện tử, chủ shop kinh doanh cần tận dụng các kênh quảng cáo trực tuyến như Google Ads, Facebook Ads để chủ động tăng lượng truy cập vào gian hàng của mình. Đây là phương thức được nhiều nhãn hiệu và các nhà bán hàng lâu năm áp dụng.
Nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo cũng từng đưa ra số liệu từ khảo sát thực tế cho thấy dự kiến năm 2018, các shop sẽ đầu tư hơn cho ngân sách tiếp thị. Theo đó 29% chi trên 20 triệu đồng/tháng, còn lại 61% chi dưới 20 triệu đồng/tháng.
Điều thứ 5 rất quan trọng nhưng thường bị nhiều người bỏ qua là nền tảng bán hàng. Người bán hàng cần chủ động tìm cho mình một nền tảng phù hợp với mặt hàng của mình. Với một nền tảng bán hàng mạnh, việc kinh doanh thời trang sẽ trở nên thuận lợi để phát triển doanh số và nhẹ nhàng về mặt vận hành hơn. Bởi nhờ những nền tảng này, chủ shop sẽ tiếp cận được số lượng lớn khách hàng mục tiêu và được hỗ trợ về việc quản lý đơn hàng, giao nhận hàng.
Ngoài ra, bạn cần chọn nền tảng có hỗ trợ người bán thực hiện các chương trình kích cầu sản phẩm, tăng nhận diện thương hiệu, tăng doanh số. Vì không phải nền tảng thương mại điện tử nào cũng hỗ trợ người bán làm các chiến dịch bán hàng và marketing. Trong khi đó, với những người khi mới tập tành kinh doanh thường ít kinh nghiệm trong việc quảng bá sản phẩm của chính mình.
Tăng trưởng của các trang thương mại điện tử tại Việt Nam.
Có thể thấy việc bùng nổ của thương mại điện tử cùng với sự gia tăng ngày càng lớn từ phía người bán và hỗ trợ kích cầu của những nền tảng lớn trong những dịp mua sắm cuối năm như hiện nay, người tiêu dùng là người được hưởng lợi nhất.