Bộ Y tế: Làm rõ vụ 20.000 viên thuốc trị ung thư hết hạn sử dụng
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có văn bản gửi Sở Y tế TPHCM đề nghị làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc Bệnh viện (BV) Truyền máu-Huyết học TPHCM phải tiêu huỷ 20.000 viên thuốc Tasgina đặc trị ung thư hết hạn sử dụng do chậm trễ trong thủ tục xác nhận viện trợ của các cơ quan có thẩm quyền.
Để có thông tin chính thức cho người dân, Cục Quản lý dược cũng đề nghị Sở Y tế TPHCM khẩn trương rà soát và báo cáo sự việc bằng văn bản về Bộ Y tế (Vụ Bảo hiểm y tế và Cục Quản lý dược) trước ngày 7/5.
Báo Sức khỏe&Đời sống cho biết, theo kết luận Thanh tra TPHCM vừa công bố, qua kiểm tra việc xuất sử dụng và quyết toán thuốc viện trợ tại Khoa Dược, BV Truyền máu-Huyết học TPHCM, đến ngày 31/12/2015, kho thuốc của BV còn tồn 19.997 viên Tasigna 200mg thuốc đặc trị ung thư, đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015 (theo đơn giá tháng 8/2015 là 700.037 đồng/viên). Đây là số thuốc được nhập về dưới hình thức viện trợ phi dự án bằng thuốc điều trị bệnh bạch cầu mãn dòng tuỷ (CML).
Văn bản của Bộ Y tế gửi Sở Y tế TPHCM đề nghị làm rõ thông đến 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư hết hạn sử dụng. Ảnh: Báo SK&ĐS
Theo giải trình của BV Truyền máu-Huyết học TPHCM, tháng 7/2013, nhận được thư tặng thuốc Tasigna từ nhà sản xuất, ngày 28/11/2013, BV có văn bản gửi Cục Quản lý dược xin được tiếp nhận số thuốc viện trợ trên. Ngày 27/12/2013, BV có giấy phép lưu hành lô thuốc với hạn dùng 24 tháng.
Tiếp đó, ngày 30/12/2013, BV có văn bản gửi Sở Y tế TPHCM xin chấp thuận được thực hiện chương trình thuốc. Ngày 10/3/2014, Sở Y tế có văn bản gửi UBND Thành phố và Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TPHCM xin chấp thuận cho BV được tiếp nhận lô hàng viện trợ.
Ngày 24/6/2014,UBND TPHCM có quyết định phê duyệt việc tiếp nhận lô hàng viện trợ gồm 309 hộp thuốc Tasigna 200mg viên nang cứng, hạn dùng đến tháng 5/2015. Ngày 14/7/2014, Cục Quản lý dược có văn bản đồng ý để BV được tiếp nhận lô hàng trên.
Tuy nhiên, lúc này Hải quan TPHCM không cho BV tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ do theo quy định hạn dùng còn lại kể từ ngày nhập cảng Việt Nam không được dưới 12 tháng.
Sau đó, BV và Sở Y tế TPHCM đã có tờ trình và văn bản xin Hải quan xem xét, hỗ trợ giải quyết. Ngày 13/8/2014, BV nhập kho lô thuốc trên. Đến thời điểm đó, hạn sử dụng của lô thuốc chỉ còn 10 tháng.
Tháng 8/2015, Sở Y tế có văn bản đồng ý cho BV tiêu hủy 19.997 viên thuốc Tasigna hết hạn. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra (tháng 12/2016), BV vẫn tồn kho số thuốc này chưa tiêu hủy.
Trước đó, liên quan đến vấn đề phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư này, Thanh tra TPHCM đã kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Y tế kiểm tra làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc chậm trễ lập thủ tục phê duyệt, theo thông tin do TTXVN cung cấp.
Thanh tra Thành phố cũng yêu cầu Giám đốc BV phải tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến thiếu sót này.
Báo Sài Gòn giải phòng thông tin, chiều 3/5, BV Truyền máu-Huyết học TPHCM đã trả lời báo chí về vụ tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư, trị giá gần 14 tỷ đồng.
Ông Phù Chí Dũng, Giám đốc BV cho biết, số thuốc Tasigna 200mg về trễ so với dự kiến và lúc đó hạn dùng còn 10 tháng là do phụ thuộc vào thủ tục xin tiếp nhận thuốc của các đơn vị chức năng. Theo giải trình của BV, từ khi BV nhận được thư hiến tặng thuốc cho đến khi thuốc nhập kho BV mất đến 13 tháng.
Cũng theo ông Phù Chí Dũng, vì lý do, tiêu chuẩn của người bệnh là phải đủ điều kiện tham gia chương trình Tasigna copay (chương trình thuốc dành cho người bệnh mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy kháng glivec của GIPAP) đã giảm nhiều so với dự kiến ban đầu, nguyên nhân là do quy định tham gia Tasigna copay là chương trình đồng chi trả, chứ không phải cung cấp thuốc miễn phí, do đó BV phải chờ thêm thời gian để người bệnh thực hiện mua thuốc lần đầu.
Ông Dũng cho biết, đây là thủ tục bắt buộc để được tham gia chương trình do Tổ chức Max Foundation quy định và là đơn vị xét duyệt bệnh nhân có được vào chương trình Tasigna copay, cho nên, số người tham gia vào chương trình chỉ bằng một nửa so với dự trù, vì vậy, không kịp sử dụng thuốc dẫn đến hết hạn.