Chuyện người trẻ đối mặt với ung thư khi ở đỉnh cao sự nghiệp và sự thức tỉnh: Đừng đánh đổi sức khoẻ lấy bất cứ thứ gì!
"Vào lúc phải đối mặt với ranh giới giữa sự sống và cái chết, bạn sẽ phát hiện ra rằng việc tăng ca, hay tạo quá nhiều áp lực cho bản thân hoặc những nhu cầu mua nhà, mua xe đều chỉ là phù du".
"3 điều đau khổ nhất của đời người là mất con lúc tuổi già, mất vợ ở tuổi trung niên và mất mẹ từ khi còn nhỏ. Nếu như tôi chết thì bố mẹ tôi, chồng tôi và con trai tôi sẽ phải đối mặt với những nỗi đau này, vì vậy, tôi phải kiên cường sống tiếp".
Đó là chia sẻ đau xót trước khi qua đời của Vu Quyên - nữ tiến sĩ đang gây xôn xao mạng xã hội những ngày qua. Sinh năm 1978, người thị trấn Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, Vu Quyên từng đi du học nước ngoài, trở về với tấm bằng tiến sĩ trong tay và trở thành giảng viên ưu tú của trường Đại học Phục Đán (Fudan University) danh tiếng ở Thượng Hải. Sau khi sinh con đầu lòng được một năm, chị bị chẩn đoán bị mắc bệnh ung thư vú. Chưa dừng lại ở đó, một năm sau đó, các bác sĩ lần nữa đưa ra thông báo căn bệnh của chị Vu đã trở nặng và chị chính thức trở thành bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Hai năm sau khi chống chọi với căn bệnh, chị qua đời của tuổi 33.
Trong thời kỳ chiến đấu với ung thư quái ác, Vu Quyên đã viết tâm thư chia sẻ về cuộc sống, về bệnh tật và về nguyên nhân khiến mình bị bệnh. Những lời chia sẻ của bà mẹ một con khiến tất cả mọi người giật mình, khi chị cho rằng, chính thói quen ăn uống vô độ, đi ngủ không đúng giờ, nhồi nhét quá độ cho kịp deadline và môi trường sống ô nhiễm... là nguyên nhân dẫn tới ung thư. Vu Quyên khẳng định, chị không bị mắc bệnh di truyền, thể chất rất tốt, mới sinh con và cho bé bú được 1 năm và hầu hết những người mắc bệnh ung thư vú đều trong độ tuổi ngoài 45, còn khi ấy, Vu Quyên chỉ mới 31 tuổi mà thôi.
Vu Quyên không phải là trường hợp duy nhất. Trước đó, cộng đồng mạng cũng bất ngờ trước thông tin, nữ hoàng start-up Việt Nam - Thủy Trương - bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi đang ở quãng thời gian đẹp nhất của tuổi thanh xuân.
Cùng gia đình sang Mỹ định cư từ năm 17 tuổi, Thủy Trương quay trở lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp cử nhân Khoa học Máy tính tại Đại học Sourthern California năm 2009. Cô thành lập hai công ty sữa chua đông lạnh Parallel Frozen Yogurt và Greengar, đơn vị phát triển ứng dụng Tappy giúp kết nối những người cùng có mặt tại một địa điểm từng được Weeby.co mua lại với giá hàng triệu USD. Sau khi bán công ty, Thủy quay lại Mỹ nhưng vẫn tiếp tục chia sẻ, cố vấn cho nhiều startup tại Việt Nam.
Lần đầu khi nghe tin chẩn đoán mình có ung thư phổi, Thủy chia sẻ, cô đã đứng lặng người trong phòng với hàng ngàn câu hỏi: "Ung thư? Tại sao lại là tôi?", "Một người bình thường thì họ sẽ phản ứng như thế nào?", "Nên khóc chăng? Nhưng vì sao tôi phải khóc?".
"Cái cảm giác đó rất lạ, không phải là buồn hay giận dữ. Tôi cố gắng để so sánh nó với tất cả những cảm giác tôi từng trải qua: Lần đầu tiên tôi yêu một ai đó, lần đầu tiên tôi bị một ai đó phản bội, lần đầu tiên tôi bị từ chối vào trường đại học mà tôi mong muốn, lần đầu tiên tôi té trên núi chỉ có một mình, lần đầu tôi bị xe đụng, lần đầu người bạn thân của tôi qua đời. Nó không giống với bất kỳ cảm giác nào như thế cả. Tôi không khóc được kể cả khi tôi đang phải đối diện với sự thật rằng tôi sẽ chết vì bệnh ung thư. Nhưng ai rồi cũng phải chết!".
Thủy Trương đang mạnh mẽ chiến đấu với căn bệnh ung thư ở độ tuổi đẹp nhất đời người. Không hoang mang tuyệt vọng vì căn bệnh, cô gái trẻ đã thành lập nhiều dự án giúp những người mắc ung thư như cô có thể đối mặt với nó cũng như chăm sóc bản thân tốt hơn.
Chia sẻ về trường hợp của start-up Thủy Trương, bác sĩ Đinh Việt Bắc (Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) từng nói: "Là một bác sĩ, tôi nhìn thấy việc cô ấy đã bỏ qua tiếng nói của cơ thể cho mãi đến khi không thể chịu đựng được nữa mới đi khám. Ý chí, nghị lực, sự bình thản của cô ấy trong trường hợp này không làm cho cộng đồng có cái nhìn đúng đắn hơn về sức khỏe mà còn có thể có tác dụng ngược lại: đó là coi thường quá mức chính những tiếng nói của cơ thể mình hàng ngày".
Đó một lần nữa lại là lời thức tỉnh đối với mỗi chúng ta, đặc biệt là người trẻ, những người đang phấn đấu hết mình cho sự nghiệp, "cháy hết mình" cho một tuổi thanh xuân rực rỡ nhưng lại đánh đổi sức khỏe, "sống liều mạng" để theo đuổi ước mơ.
Ung thư trở thành mối lo ngại của người trẻ
Các chuyên gia Anh Quốc mới đây đã đưa ra lời cảnh báo cực kỳ đáng lo ngại: trẻ em và thanh thiếu niên mắc ung thư đang ngày một gia tăng. Trong đó, số trường hợp người trẻ được chẩn đoán ung thư đã tăng tới 40% so với 18 năm về trước. Cụ thể, các nhà nghiên cứu thuộc quỹ Children with Cancer (Anh) đã nhận thấy, so với năm 1998, mỗi năm số người trẻ mắc ung thư đã tăng thêm 1300 trường hợp. Nổi bật nhất trong số này là độ tuổi từ 15 - 24.
Nhưng lý do? Lý do ở đây là gì? Nhóm chuyên gia đã đưa ra một kết luận khiến tất cả phải sững sờ: chính cuộc sống hiện đại là thủ phạm.
Xã hội ngày càng hiện đại hoá, tất nhiên đời sống con người cũng tốt hơn. Thế nhưng, điều này cũng đem lại những tác dụng phụ không mong muốn như ô nhiễm không khí, thực phẩm sử dụng nhiều hóa học, nhiễm phóng xạ...Chế độ ăn của người trẻ ngày nay cũng thiếu lành mạnh hơn. Tất cả gộp lại đã khiến cho số ca ung thư tăng lên chóng mặt.
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K cũng cho biết, ung thư ngày càng gia tăng trên khắp thế giới chứ không riêng Việt Nam. Trong số các nguyên nhân liên quan đến yếu tố môi trường, hút thuốc, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm chiếm tới 65% nguyên nhân gây ung thư.
Hãy lắng nghe cơ thể và phát hiện sớm những dấu hiệu cảnh báo ung thư, như lời bác sĩ Đinh Việt Bắc: "Ung thư hiện nay chưa biết rõ nguyên nhân là gì, chúng ta chỉ mới biết những nhóm nguy cơ và nguy cơ cao có thể gây ung thư mà thôi. Vì vậy, việc chúng ta cần làm là sẵn sàng đối diện với nó và phát hiện nó từ khi ở giai đoạn rất sớm. Với việc phát hiện sớm ung thư, hiện nay y học có khả năng điều trị khỏi với chi phí không quá cao. Và nếu như có một hợp đồng bảo hiểm y tế, anh chị hoàn toàn yên tâm mình sẽ không là gánh nặng cho gia đình, người thân và xã hội".
Và cuối cùng, hãy nhớ rằng, đừng đánh đổi sức khỏe lấy bất cứ điều gì. Bởi "vào lúc phải đối mặt với ranh giới giữa sự sống và cái chết, bạn sẽ phát hiện ra rằng việc tăng ca, hay tạo quá nhiều áp lực cho bản thân hoặc những nhu cầu mua nhà, mua xe đều chỉ là phù du".