Bộ trưởng Bộ Công thương: Cơ chế chính sách chưa đồng bộ nên công nghiệp hỗ trợ khó phát triển
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lấy ví dụ Nghị định 115 năm 2015 nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng trên thực tế những cơ chế hỗ trợ trong chính sách này rất hạn chế.
Sáng ngày 1/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước của năm 2017 và kế hoạch năm 2018. Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tham gia giải trình về các nội dung liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ, quản lý thị trường cũng như 12 dự án thua lỗ và các dự án khác có khả năng thua lỗ.
Công nghiệp hỗ trợ được xem là nền tảng quan trọng để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như mang lại hiệu quả cao hơn cho chiến lược công nghiệp hóa. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trên thực tế cho thấy công nghiệp hóa trong thời gian qua đã có những bước đi, đạt được những nền tảng nhất định trong chiến lược. Đặc biệt trong một số ngành công nghiệp của nước ta đã có những nền tảng cho phát triển tiếp tục ví dụ ngành khai khoáng, chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp hóa chất, hóa dược, năng lượng, hóa dầu.
Ông nêu ra dẫn chứng trong dệt may tỷ lệ nội địa hóa của công nghiệp hỗ trợ đạt 40%, công nghiệp da giày đạt trên 45%, công nghiệp ô tô xe máy từ 35-40%, công nghiệp điện tử trên 50%. Điều đó cho thấy trên thực tế với yêu cầu tiến nhanh trên công nghiệp hóa hiện đại hóa thì chưa được yêu cầu tuy nhiên một số cơ sở ban đầu đã được thiết lập cho các ngành công nghiệp của chúng ta. Và đồng thời là điều kiện để phát huy chính sách trong thời gian tới trong công cuộc hội nhập.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân chủ quan. Bộ trưởng cũng thừa nhận có sự chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong cơ chế chính sách này chưa mang lại đóng góp thực tế cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ví dụ Nghị định 115 ban hành năm 2015 nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng trên thực tế những cơ chế hỗ trợ trong chính sách này rất hạn chế, nhất là trong tổ chức phối hợp giữa các bộ ngành triển khai thực hiện.
Một nguyên nhân khác được Bộ trưởng nêu ra phần lớn các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ hiện này là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là thực tế chung của cả thế giới cũng như tại Việt Nam.
"Thế nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa quá yếu và rất yếu. Những yếu kém trong tiếp cận tín dụng, nguồn vốn, nhân lực, công nghệ, khả năng tiếp cận thị trường, tham gia chuỗi, thị trường sản phẩm đều chưa đạt được yêu cầu", Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông cho biết hiện Bộ công thương đã phối hợp với các bộ ngành địa phương để giải quyết những vấn đề này. Ba hướng giải quyết được Bộ trưởng nêu ra bao gồm: Một là tiếp tục có những hỗ trợ với các bộ ngành để xây dựng hoàn thiện các chính sách đồng bộ, đưa ra các cơ chế tín dụng cũng như các cơ chế ưu đãi chuyển giao công nghệ, tiếp cận công nghệ cũng như đào tạo nhân lực.
Thứ 2 là hướng tới quan điểm mới là tham gia vào các chuỗi để có thị trường rộng lớn hơn, để đảm bảo đầu ra cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đó có các doanh nghiệp hỗ trợ. Trên thực tế vừa qua có hàng loạt các dự án đầu tư lớn, các doanh nghiệp FDI cũng như vốn đầu tư trong nước đang tạo ra những cơ sở ban đàu cho chuỗi liên kết cũng như tạo dựng thị trường, một điều kiện cơ bản cho phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như của công nghiệp hỗ trợ.
Thứ 3 tiếp tục xây dựng một số khung chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong cả về tư vấn công nghệ thông tin, tiếp cận thông tin, hỗ trợ đào tạo nhân lực, phối hợp cơ chế cung cấp tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.
Bộ trưởng cũng lạc quan cho biết trong thời gian tới đây hàng loạt các dự án lớn như 3 trung tâm công nghiệp ô tô đang được hình thành với vai trò dẫn dắt; sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước; các dự án lớn về dệt may để xây dựng trung tâm dệt may nhằm khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại, các dự án năng lượng sẽ dẫn dắt hình thành nên các chuỗi thị trường. Đây là cơ sở để tạo ra công nghiệp hỗ trợ phát triển trong thời gian tới.