Ngành công nghiệp hỗ trợ đã được hưởng lợi nhờ hàng loạt chính sách này

15/05/2017 11:48 AM | Kinh tế vĩ mô

Một trong những lựa chọn chiến lược của nhiều nền kinh tế thành viên APEC – đặc biệt là nước đang phát triển, là phát triển bền vững và mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ.

Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công thương) cho biết, tại Việt Nam, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Để góp phần vào thành công chung trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, trên thực tế, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng.

Ngày 3/11/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Trong đó, nêu rõ các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực này như: Xây dựng hệ thống Trung tâm phát triển công nghệ hỗ trợ (CNHT); Chương trình phát triển CNHT nhằm giúp doanh nghiệp nội địa về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối với các Tập đoàn đa quốc gia…

Các chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng được quy định rõ, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế.

Ví dụ, doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hay doanh thu của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được lựa chọn kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, theo năm, khai tạm tính theo quý.

Về tín dụng, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên phát triển được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước; Được vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với mức lãi suất cho vay theo trần lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại từng thời kỳ.

Riêng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp này được vay tối đa 70% vốn đầu tư tại các tổ chức tín dụng trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định. Đồng thời được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các ưu đãi đầu tư theo địa bàn.

Nghị định sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiếp cận dễ dàng với các chính sách ưu đãi của nhà nước, qua đó từng bước nâng cao năng lực doanh nghiệp và được nhà nước hỗ trợ tham gia vào chuỗi sản xuất phụ tùng linh kiện của các Tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Các doanh nghiệp phát triển có định hướng thông qua Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

Tiếp đó, đầu năm 2017, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1 về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 và Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg ngày 3/4/2017 về Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Các quyết định này ban hành với các mục tiêu rất cụ thể ở các nhóm ngành. Ví dụ, ở lĩnh vực linh kiện phụ tùng, nêu rõ: Phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 cung ứng được 35% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Đến năm 2025, cung ứng được 55% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày đặt mục tiêu phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75-80%.

Hay ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao, Chính phủ cũng đặt mục tiêu phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.

Theo N.Dương

Cùng chuyên mục
XEM